Dat Bike muốn có nhiều trạm sạc nhanh hơn VinFast?

Việt Hưng - 15:29, 13/08/2023

TheLEADERVới ý tưởng biến mỗi ổ điện tại các hộ gia đình, tiệm cơm, quán nước... thành một trạm sạc nhanh, phía Dat Bike cho rằng số lượng trạm sạc cho xe máy điện của hãng này có thể lên tới con số hàng chục triệu.

Theo báo cáo của Motorcycle Data, trong năm 2022, thị trường xe máy điện Việt Nam có quy mô lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Số liệu của Bộ Công thương ghi nhận, thị trường hiện đang lưu hành hơn 3 triệu chiếc xe đạp điện, xe máy điện. Lĩnh vực xe máy điện đang ngày càng cho thấy tiềm năng lớn khi thị phần tăng trưởng đáng kể so với xe máy xăng, từ 5,4% vào năm 2019 lên 10% vào năm 2021 và tiếp tục tăng trưởng mạnh vào năm 2022.

Phía Motorcycle Data cho biết, VinFast đang vươn lên trở thành thương hiệu chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xe máy điện Việt Nam. Trong nửa đầu năm 2023, VinFast bán ra thị trường hơn 20.000 chiếc xe máy điện, nâng tổng số xe đã được hãng này bán ra lên hơn 180.000 xe.

Cũng trong giai đoạn này, thị trường xe máy điện chứng kiến sự gia nhập của một loạt thương hiệu mới như: Selex Motors, Dat Bike, EVGo... Từ đây, nhiều sản phẩm mới mang tính đột phá đã được các hãng tung ra thị trường.

Ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn - CEO Dat Bike cho biết, sức tiêu thụ phương tiện chạy năng lượng sạch đã tăng gấp 3 - 4 lần so với dịp đầu năm 2022.

Trong đó, giải pháp nạp năng lượng được xem là trọng tâm của hệ sinh thái xe điện nói chung, và xe máy điện nói riêng. Nếu như startup Selex Motors chú trọng vào việc xây dựng các trạm đổi pin thông minh dùng chung, thì VinFast với lợi thế về hạ tầng tuyên bố bỏ ra khoảng 700 triệu USD để phát triển hệ thống trạm sạc riêng.

Câu chuyện này ngày một nóng hơn, khi Bộ Giao thông vận tải gần đây thống kê được, VinFast hiện là đơn vị có số lượng cổng sạc cho xe máy và ô tô điện nhiều nhất Việt Nam - hơn 150.000 cổng, lắp đặt tại 1.560 trạm sạc điện trong toàn quốc.

Doanh nghiệp theo sau là Công ty TNHH EVIDA - chuyên cung cấp giải pháp sạc cho xe điện mới chỉ đạt tới hơn 850 điểm sạc điện mang thương hiệu EBOOST, chủ yếu là điểm sạc phục vụ cho xe máy điện.

Là đơn vị chiếm thế "độc tôn", VinFast có lợi thế lớn là tập đoàn mẹ - Vingroup sở hữu các hạ tầng khu đô thị, chung cư, trung tâm thương mại có sẵn. Tuy nhiên, do các trạm sạc của VinFast không hướng tới mục đích dùng chung, giới chuyên gia nghi ngại doanh nghiệp đầu ngành xe điện có thể làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường.

Startup Dat Bike muốn có nhiều trạm sạc nhanh hơn cả VinFast?
Dat Bike muốn biến mỗi ổ điện tại các hộ gia đình, tiệm cơm, quán nước... thành một trạm sạc nhanh

Trước bối cảnh này, startup Dat Bike tuyên bố có thể biến mỗi ổ điện tại các hộ gia đình, tiệm cơm, quán nước... thành một trạm sạc nhanh, và ước tính con số có thể đạt hơn 25 triệu chỉ tính riêng tại TP. HCM.

Ý tưởng này đến từ việc Dat Bike đã nâng cấp khả năng sạc nhanh với ổ điện gia dụng của các dòng xe máy điện Weaver mới. Cụ thể, các mẫu xe Weaver 200, Weaver++ của hãng có thể sạc đủ pin cho quãng đường 30km chỉ với 20 phút, tương đương với quãng đường đi lại trung bình trong một ngày của một người tham gia giao thông.

Do đó, theo Dat Bike, nếu người dùng lỡ quên cắm sạc, thì chỉ trong vòng 20 phút thưởng thức cốc cà phê hay ăn một món ăn nhẹ là chiếc xe đã có thể được sạc đủ pin để di chuyển cả ngày.

Phía Dat Bike cho rằng, thực chất những ổ điện đạt chuẩn và đủ tải thực chất có ở khắp mọi nơi và sạc được tất cả các loại xe máy điện, nhưng duy chỉ có xe của Dat Bike có thể sạc được với tốc độ nhanh như đã công bố.

Trong một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, ông Nguyễn Bá Cảnh Sơn - CEO Dat Bike thừa nhận, bản thân từng đứng trước quyết định phát triển trạm sạc nhanh hay đầu tư vào công nghệ xe, và startup này đã lựa chọn cách làm thứ hai.

Đại diện Dat Bike tin rằng, nếu sản phẩm đủ tốt, tự bản thân chiếc xe sẽ đủ để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và tiếp cận được với số đông, kéo theo sau đó là các tiện ích hệ sinh thái. Khi nhận thấy lượng cầu đủ lớn thì sẽ có rất nhiều tổ chức cá nhân muốn tham gia xây dựng hệ sinh thái xe điện, bản thân nhãn hàng lúc này sẽ đóng vai trò là cố vấn kỹ thuật, cầu nối kết nối giữa khách hàng, đối tác...

Cũng chính vì vậy, thay vì trăn trở lắp trạm sạc ở đâu hay làm pin tháo rời và hệ thống đổi pin ở chỗ nào, Dat Bike dồn lực tập trung giải bài toán hoàn thiện công nghệ sạc cho xe.

Ở chiều ngược lại, chiến lược biến ổ điện dân dụng thành trạm sạc nhanh cũng vấp phải những nghi ngại từ người dùng. Bởi ngoài công nghệ sạc nhanh, startup này chưa đưa ra được phương thức thanh toán tiền điện, phí sạc cho các "chủ" của ổ điện.

Chưa kể, các ổ cắm điện sạc nhanh cho xe máy cũng tồn tại nhiều vấn đề, khi chưa được cấp phép, chứng nhận về mức độ an toàn. Đặc biệt, việc sạc nhanh có thể khiến pin, nguồn nóng nhanh hơn dẫn đến lo ngại cháy nổ.

Startup Dat Bike muốn có nhiều trạm sạc nhanh hơn cả VinFast? 1
Dự án trạm sạc siêu nhanh của Dat Bike hiện đang phải tạm ngưng hoạt động

Trước đó, Dat Bike từng gây ấn tượng khi tuyên bố lắp đặt trạm sạc siêu nhanh Dat Charge có tiêu chuẩn sạc nhanh cho xe hai bánh tiên phong tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó đã phải tạm ngừng.

Tại Việt Nam, để doanh nghiệp triển khai một trạm sạc điện cho ô tô cần nhiều điều kiện pháp lý như: mục đích sử dụng đất, giấy phép xây dựng, hạ tầng điện lưới... có thể xem là những rào cản lớn, chưa kể đến yếu tố kĩ thuật, chi phí triển khai ban đầu tốn kém.

Dat Bike tuyên bố mục tiêu năm nay của công ty là chuẩn hóa hệ thống sạc nhanh, gồm hạ tầng, phần cứng, giao tiếp phần mềm và vận hành và sẽ xây dựng các trạm này gần hoặc tại các cửa hàng của Dat Bike. Tất nhiên, startup này chưa từ bỏ tham vọng mở rộng trạm sạc siêu nhanh qua các kênh đối tác sẽ được triển khai trong năm sau.

Từ khi thành lập đến nay, Dat Bike đã cho ra đời ba phiên bản xe máy điện. Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp này đã gọi vốn thành công 16,5 triệu USD, và phủ sóng hệ thống cửa hàng ở cả ba miền đất nước. 

Tất nhiên, không chỉ có VinFast hay Dat Bike nhìn ra tiềm năng thị trường xe máy điện ở Việt Nam. Gần đây, lãnh đạo Honda Việt Nam thừa nhận xe điện sẽ là xu hướng tiêu dùng nên sớm muộn gì cũng phải đưa xe điện vào thị trường Việt Nam.

Bởi vậy, công ty đã nhập về Việt Nam 2 mẫu xe máy điện để cung cấp cho các công ty thí điểm sử dụng vào mục đích dịch vụ trước khi bán ra thị trường.

Trong khi đó, Yamaha Motor Việt Nam đã sản xuất, lắp ráp mẫu xe điện Yamaha NEO’S tại Việt Nam để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đầu năm nay, Yamaha chính thức thông báo khách hàng trong nước có thể đặt cọc mua mẫu xe máy điện tiêu chuẩn châu Âu này. Xe đã đến tay khách hàng với giá 50 triệu đồng/chiếc.

Còn SYM cũng lần đầu tiên đưa mẫu xe điện SYM Z1 ra thị trường với giá hơn 15 triệu đồng/chiếc. Đại diện hãng này cho biết sắp tới, hãng sẽ tiếp tục ra mắt thêm một số mẫu xe điện khác để đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng.

"Trước đây, xe máy điện trên thị trường đa phần là xe nhập khẩu Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng tuổi thọ pin không cao, công suất và tốc độ tương đối thấp. Chúng tôi muốn tạo ra chiếc xe điện công suất lớn, có khả năng đi xa, sạc nhanh với mức giá vừa phải. Những yếu tố này đáp ứng được đòi hỏi của người tiêu dùng nên đơn hàng tăng cao", CEO Dat Bike cho biết.