Các doanh nghiệp Trung Quốc đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 14-15/4/2025. Trong
khuôn khổ chuyến thăm, lãnh
đạo hai bên dự kiến trao đổi về các biện pháp, phương hướng, định hướng lớn nhằm
thúc đẩy quan hệ hai nước trên các lĩnh vực, trong đó có hợp tác kinh tế, đầu
tư.
Báo
cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) cho biết, Trung Quốc là một đối
tác đầu tư lớn của Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/2025, các nhà đầu tư Trung Quốc
có 5.351 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 32,2 tỷ USD, chiếm trên
6,3% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký (510,5 tỷ USD) và đứng thứ 6/150 đối
tác có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.
Tuy
vậy, quy mô dự án bình quân của nhà đầu tư Trung Quốc chỉ khoảng 6 triệu USD/dự
án, thấp hơn quy mô dự án bình quân chung là khoảng gần 12 triệu USD/dự án.
Những
năm gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc liên tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
Năm 2023, các doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ
USD, tăng 77,6% so với năm 2022.
Trong
năm 2024, các đầu tư từ Trung Quốc có 919 dự án mới; tổng vốn đầu tư xấp xỉ
4,45 tỷ USD (tăng 3,1% so với năm 2023). Ba tháng đầu năm 2025, Trung Quốc có
251 dự án đầu tư vào Việt Nam, tổng vốn đầu tư mới và góp vốn mua cổ phần đạt gần
1,5 tỷ USD, đứng thứ 3/73 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam
trong 3 tháng đầu năm 2025.
Theo
Bộ Tài chính, đầu tư của Trung Quốc thời gian qua có nhiều khởi sắc, nhiều tập
đoàn lớn thương hiệu quốc tế đã đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng
mới, như: sản xuất tấm pin mặt trời, tinh thể silicon, điện gió, điện mặt trời,
lưu trữ điện, xe điện, điện - điện tử…
Đặc
biệt, năm 2024, các tập đoàn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt, đường cao tốc,
cảng biển, hàng không… tích cực vào Việt Nam khảo sát cơ hội đầu tư kinh
doanh.
Một
số dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư Trung Quốc có thể kể đến như Dự án Công
ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận;
Dự án Chế tạo lốp xe radian tại Tây Ninh có tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD; Dự án Nhà
máy Sản xuất sợi brotex Việt Nam, tổng vốn đầu tư 570 triệu USD tại Tây Ninh; Dự
án Nhà máy Sản xuất sợi màu brotex, tổng vốn đầu tư 534 triệu USD ở Tây Ninh…
Mới
đây, có 2 dự án quy mô lớn của doanh nghiệp Trung Quốc đã được động thổ xây dựng
ở Bắc Ninh. Đó là Dự án Nhà máy
Victory Giant Technology Việt Nam, vốn đầu tư 520 triệu USD, chuyên sản xuất
bảng mạch PCB công nghệ cao; và Dự án Green Precision, vốn hơn 120 triệu USD,
sản xuất linh kiện cho thiết bị điện tử tiêu dùng.
Theo
báo cáo của Bộ Tài chính, các
địa phương thu hút vốn đầu tư Trung Quốc lớn nhất bao gồm Tây Ninh (5,07 tỷ
USD), Bắc Giang (2,3 tỷ USD), Bình Thuận (2,3 tỷ USD), cùng với các trung tâm
công nghiệp như Bình Dương và Hải Phòng.
Hiện nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã tham gia đầu tư vào
19 trên tổng số 21 ngành kinh tế trong nước. Đáng chú ý, phần lớn vốn đầu tư
Trung Quốc tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm đến 80%
tổng vốn đầu tư với 2.890 dự án.
Ngoài ra, các lĩnh vực
khác cũng thu hút sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm sản
xuất và phân phối điện (7 dự án, chiếm 8% vốn) và kinh doanh bất động sản (103
dự án, chiếm 4,7% vốn). Các ngành còn lại cũng ghi nhận sự tham gia của các nhà
đầu tư Trung Quốc, tuy nhiên ở mức độ khiêm tốn hơn.
Trung Quốc cũng đang
tham gia sâu hơn vào việc phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại Việt
Nam. Hiện có 10 dự án đầu tư hạ tầng KCN do các nhà đầu tư Trung Quốc thực
hiện, với tổng diện tích hơn 2.000 ha và tổng vốn đăng ký hơn 551 triệu USD.
Nhiều khu công nghiệp trọng điểm như KCN Vân Trung (Bắc Giang), Thuận Thành
(Bắc Ninh) hay KCX Linh Trung (TP.HCM) mang dấu ấn đầu tư của phía Trung Quốc.
Hiện
nay, Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng đầu
tư vào những lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công
nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện điện tử, ô tô điện, pin điện, hạ tầng thiết
yếu, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái và khu thương
mại tự do.
Đây
là những lĩnh vực mà Trung Quốc có thế mạnh và kinh nghiệm, trong khi Việt Nam
có nhu cầu lớn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, Việt Nam mong muốn
các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ, nâng cao
năng lực sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi
giá trị toàn cầu.
Như
vậy, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư khá lớn tại Việt Nam, nhưng sự hiện diện đầu tư của Việt Nam tại Trung Quốc
vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện chỉ có 36 dự án của doanh nghiệp Việt Nam tại Trung
Quốc, với tổng vốn đầu tư khoảng 40,8 triệu USD - chủ yếu trong các lĩnh vực
thương mại, chế biến, chế tạo và logistics.