Để phát triển bền vững trở thành năng lực cạnh tranh thực sự

Hoàng Đông - 10:00, 09/06/2024

TheLEADERTiến hành chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần lưu trữ các thực hành, giải pháp dưới dạng số liệu để minh bạch hóa và tạo ra giá trị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để phát triển bền vững trở thành năng lực cạnh tranh thực sự
Các hoạt động phát triển bền vững cần được ghi chép và lưu trữ dưới dạng dữ liệu. Ảnh: Hoàng Anh

Theo TS. Nguyễn Phương Nam, CEO Công ty tư vấn KLINOVA, doanh nghiệp cần phải lưu trữ hoạt động phát triển bền vững hàng ngày dưới dạng dữ liệu để tạo ra giá trị từ các hoạt động này.

Từ cách đây khoảng 30 năm, các nước phát triển đã bắt tay vào xây dựng khung chính sách, pháp lý hướng đến hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, xu thế này mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam.

Khuôn khổ pháp lý chưa rõ ràng, theo bà Trần Thúy Ngọc, Phó tổng giám đốc thường trực Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp Việt còn phải đối diện với bài toán khó về nguồn lực. 

Ngoài ra, có những doanh nghiệp đã tiên phong triển khai các giải pháp chuyển đổi xanh nhưng gặp khó trong khâu dữ liệu, báo cáo để chứng minh sự “xanh” của mình.

Đồng quan điểm, CEO của KLINOVA cho biết, khó khăn lớn của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ là thiếu năng lực về số liệu, trong khi đây là yếu tố then chốt để biến phát triển bền vững trở thành năng lực cạnh tranh.

Bởi lẽ, doanh nghiệp có thể thực hành rất tốt các giá trị bền vững nhưng không có số liệu chứng minh thì khó có thể đem lại giá trị về tiền bạc cho doanh nghiệp. 

Nói cách khác, hiện Việt Nam đang hướng đến kinh tế bền vững nhưng nhiều doanh nghiệp dù chuyển đổi xanh một cách rất thực tâm nhưng chỉ đáp ứng được yếu tố “bền vững” chưa thấy giá trị “kinh tế”.

Điều này có thể thấy rõ thông qua quy trình tạo tín chỉ carbon. Không phải cứ tiến hành một giải pháp giảm khí thải là doanh nghiệp đã tạo ra được tín chỉ ngay trong vài ngày mà có thể mất đến hàng năm trời để ghi chép số liệu, trải qua các khâu thẩm định kỹ càng, sau đó mới được cấp chứng chỉ.

Hoặc ví dụ khác là câu chuyện nhãn xanh. Sản phẩm được dán nhãn xanh có thể bán với giá cao gấp 10 lần thông thường nhưng không phải doanh nghiệp cứ tự nhận “tôi đã chuyển đổi xanh” là được cấp, mà phải trải qua quá trình đánh giá, kiểm tra kỹ lưỡng từ phía đơn vị cấp chứng nhận.

Chính vì vậy, theo ông Nam, chuyển đổi số cần đi trước chuyển đổi xanh, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình năng lực số, dựa vào đó thu thập, ghi chép dữ liệu làm minh chứng cho các hoạt động hướng đến phát triển bền vững.

Vị CEO của KLINOVA nhìn nhận, thực tế điều này là lợi thế của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Bởi lẽ, với mô hình có quy mô không lớn, doanh nghiệp sẽ dễ “xoay”, dễ ứng dụng các giải pháp theo dõi, thu thập dữ liệu mà không tiêu tốn quá nhiều chi phí.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết, ghi chép lại dữ liệu phát triển bền vững là rất quan trọng, đặc biệt khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đặt ra quy định bắt buộc doanh nghiệp phải báo cáo phát thải, báo cáo ESG.

Quy định này tác động trực tiếp đến những tập đoàn lớn trên thế giới, khiến các tập đoàn này phải tinh chỉnh chuỗi cung ứng, lựa chọn những nhà cung ứng vừa đảm bảo yếu tố xanh cùng với yêu cầu minh bạch về dữ liệu.

Nếu không có dữ liệu chứng minh, công sức của doanh nghiệp trở thành “công cốc”, hoàn toàn có thể bị loại khỏi chuỗi cung ứng của đối tác vì không đáp ứng yêu cầu.

Còn theo bà Ngọc, dữ liệu cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp “chứng minh mình đúng”. Không phải giải pháp nào cũng tạo ra hiệu quả thực tiễn nên doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu để phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các giải pháp chuyển đổi xanh của mình, từ đó chọn được hướng đi đúng, thay vì tiêu tốn tiền của nhưng không đem lại giá trị.

Mặt khác, minh bạch về dữ liệu cũng giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí của các nhà đầu tư và định chế tài chính, qua đó tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn xanh, là trợ lực quan trọng để doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn gặp nhiều khó khăn.