Để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong đại dịch

An Chi - 08:07, 21/09/2021

TheLEADERViệt Nam phải nỗ lực giảm thiểu các hạn chế đang tồn tại trong khu công nghiệp, nhằm giữ chân nhà đầu tư hiện có và thu hút thêm các nhà đầu tư mới.

Để Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong đại dịch
Những tác động nặng nề của đại dịch covid-19 đã làm đình trệ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Khó giữ chân doanh nghiệp FDI nếu giãn cách xã hội kéo dài

Theo số liệu thống kê, trong những năm vừa qua, các khu công nghiệp, khu chế xuất của Việt Nam đã thu hút được 9.381 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng số vốn đầu tư đạt 191,6 tỷ USD; vốn đầu tư thực hiện đạt khoảng 60%. Hoạt động của các khu công nghiệp rất sôi động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 75%. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, Việt Nam đang đứng trước những khó khăn không nhỏ trong thu hút FDI. Bên cạnh thách thức lớn đến từ việc các quốc gia trong khu vực cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chỉ ra rằng, sức khoẻ và tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và chính sách chống dịch của Việt Nam. 

Đặc biệt, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn tới hoạt động kinh tế trong nước, trong đó, có hoạt động của các doanh nghiệp FDI. Hiện, có tới 16% doanh nghiệp khối này chuyển đơn hàng sang các nước khác và khoảng 18% doanh nghiệp FDI đang cân nhắc chuyển đơn hàng.

Theo ông Thắng, công tác phòng chống dịch Covid-19 và các quy định giãn cách xã hội kéo dài tại Việt Nam đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn hoạt động lưu thông hàng hoá. Việc làm này đã có những tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp, lan toả tới toàn bộ nền kinh tế và nguy cơ giảm tăng trưởng.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp không thể giữ chân người lao động khi họ phải trở về bản quán vì quá khó khăn. Công tác chăm lo đời sống công nhân tại khu công nghiệp còn quá bất cập. Từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất sau này.

Nếu việc này tiếp tục kéo dài, hiệu quả đầu tư trong của các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ ngay lập tức tác động tiêu cực đến việc giữ chân được các nhà đầu tư hiện có và thu hút được nhà đầu tư mới của Chính phủ.

"Nhanh chóng giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh là việc làm cấp thiết lúc này. Việt Nam cần thực hiện phòng chống dịch hiệu quả để quay lại trạng thái bình thường mới. Đây cũng là cách để chúng ta tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư FDI", ông Thắng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, trong đại dịch Covid-19, hầu hết doanh nghiệp đều gặp phải sự đứt gãy nguồn lao động. Trong khi đó, nếu những chức năng phục vụ cho sản xuất của khu công nghiệp được đáp ứng kịp thời thì những bất cập, khó khăn sẽ giảm đi.

Cụ thể, theo ông Tú, về mặt pháp lý, từ năm 2018, Nghị định 82 đã quy định có 3 loại hình khu công nghiệp cơ bản đó là khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên trên thực tế, Việt Nam hiện tồn tại 2 mô hình đầu tư khu công nghiệp chủ yếu. Thứ nhất là đầu tư hạ tầng kỹ thuật để kêu gọi các nhà đầu tư vào thuê đất tổ chức sản xuất kinh doanh. Thứ hai là mô hình được đầu tư đồng bộ thành một khu công nghiệp, đến giai đoạn sản xuất ra sản phẩm.

Với khu công nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác đối với người lao động phụ thuộc vào lộ trình đầu tư. Hoạt động này do không kịp thời đáp ứng nên dẫn đến vấn đề bất cập trong giải quyết nhà ở công nhân, đặc biệt khi xảy ra những tình huống như trong đại dịch Covid vừa qua.

Cần hình thành các khu công nghiệp đô thị, đa chức năng

Những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trong gần 2 năm qua đã làm đình trệ hoạt động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động. 

Thực tế này đang đặt ra vấn đề cần nhìn nhận và đánh giá lại tính phù hợp và hiệu quả của các mô hình khu công nghiệp hiện nay. Từ đó, nhận diện rõ hơn những cơ hội, thách thức và xu hướng mới, để xây dựng được những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp.

Theo ông Ko Tae Yeon, Tổng giám đốc Công ty Heesung Electronics Vietnam, thời gian tới, để thu hút các dòng vốn FDI, Việt Nam phải nỗ lực giảm thiểu các hạn chế đang tồn tại ở các khu công nghiệp.

Trước những thay đổi của dịch Covid-19, để phát triển khu công nghiệp, việc cần làm là phát triển khu công nghiệp thông minh. Từ thực tế nhiều người không thể gặp nhau do tình hình dịch bệnh, Việt Nam cần phát triển mạnh hệ thống online dành cho các cuộc họp, cuộc gặp mặt giữa các thành viên trong công ty.

Bên cạnh đó, cán bộ, công nhân viên trong khu công nghiệp cần được quan tâm nhiều hơn về sức khỏe, họ cũng cần được trang bị kiến thức tốt hơn để tự chăm sóc sức khỏe của mình. 

Đối với một khu công nghiệp, việc xây dựng nhà ở, ký túc xá cho cán bộ công nhân viên để họ có thể ở lại, đảm bảo an toàn sức khỏe cũng chính là đảm bảo an toàn sản xuất của công ty.

Đồng quan điểm, ông Tú cũng cho rằng, ý kiến về việc phát triển mô hình khu công nghiệp "đa chức năng" (khác với đa ngành) - sống, làm việc, nghỉ ngơi đồng bộ và chất lượng trong khu công nghiệp là hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. 

Mô hình này tương đối gần với mô hình khu công nghiệp- đô thị- dịch vụ như đã quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP. Đây sẽ là mô hình dần thay thế cho các khu công nghiệp hiện nay của Việt Nam vẫn chủ yếu “đơn chức năng”, chỉ hướng tới mục tiêu tập trung sản xuất, còn nhà ở chỉ mang tính phục vụ sản xuất.

Theo ông Hongsun, Phó chủ tịch KorCham tại Việt Nam, tại các khu công nghiệp truyền thống, thông thường chỉ có nhà máy đơn thuần, không có nhà ở. Trong khi xu hướng phát triển của khu công nghiệp, nhiều nước khác là hỗn hợp, thậm chí kết hợp khu đô thị, nhà ở, phòng khám, nhà trường để có thể phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên khu công nghiệp này. 

Do đó, Việt Nam nên phát triển khu công nghiệp mô hình mới, không chỉ xây dựng riêng nhà máy mà nên kèm theo dịch vụ để công nhân sinh sống và làm việc tại chỗ. Bản quản lý đầu tư các dự án, chính quyền các địa phương cũng như khu công nghiệp nên điều chỉnh lại vấn đề này để áp dụng theo mô hình mà các nước đang phát triển, nước phát triển đã làm. 

Nếu chỉ là nhà máy đơn thuần thì khó tồn tại bền vững, đặc biệt thời gian chuẩn bị sau Covid, ông Hongsun nhận định. 

Mô hình khu công nghiệp "may đo" sẽ lên ngôi

Một vấn đề quan trọng khác trong phát triển các khu công nghiệp được ông Tú chỉ ra rằng, trong 30 năm qua, tại giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam đã hình thành nhanh các khu công nghiệp phù hợp với đa số nhu cầu tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Những mô hình khu công nghiệp tập trung thời kỳ đầu có thể hiểu như những sản phẩm mang tính “may sẵn”.

Song, khi trình độ sản xuất đã dần được nâng cao hơn, các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay cần cân nhắc và nghiên cứu theo hướng vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách linh hoạt, vừa đáp ứng nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhu cầu diện tích cho sản xuất kinh doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô.

Ông Tú nhận xét, về cơ bản, đến nay các khu công nghiệp tại Việt Nam chủ yếu vẫn phát triển theo hướng đa ngành, thiên về tạo ra quỹ đất và kêu gọi các doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất.

Trong khi đó, đến giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần tập trung tạo ra các khu công nghiệp tương tự như những sản phẩm mang tính “may đo”. Tức là phát triển các mô hình khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp đa chức năng, hình thành lối sống công nghiệp mới.

Với những phân tích đó, Phó vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc nhận định, cần nghiên cứu, phát triển các khu công nghiệp theo hướng chuyên ngành, phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển theo xu thế chung của khu vực và thế giới với quy mô sản xuất kinh doanh ngày càng mở rộng, các lĩnh vực sản xuất đi vào chuyên sâu, chuyên ngành và chuyên biệt. Đây là các mô hình cần phải được nghiên cứu, theo đuổi, cân nhắc.

Ông Thắng cũng cho rằng, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới sẽ được thực hiện theo Nghị quyết 50 về hình thành các hệ thống khu công nghiệp mới, các mô hình mới theo dạng mô hình “may đo”. Nghĩa là áp dụng từng mô hình phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch đối với mô hình khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái… lại chưa xác định được phát triển bao nhiêu khu công nghiệp kiểu mới này là đủ, phát triển ở địa phương nào… để tập hợp các nguồn lực tốt cho phát triển.

Mặt khác, theo vị chuyên gia này, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các dự án dự án có công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh, ít sử dụng đất là mục tiêu rất quan trọng.

Việt Nam cần tránh phát triển các khu công nghiệp chỉ với mục tiêu là khai thác tiềm năng, nguồn lực đất đai. Hiện nay, các mô hình phát triển khu công nghiệp đang theo phương thức đa lĩnh vực, chưa chuyên sâu, khả năng cạnh tranh sản xuất trong công nghiệp chế biến, chế tạo kém. Chất lượng, hiệu quả rơi vào các nhà đầu tư nước ngoài.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra chỉ thị rà soát toàn bộ những quy định hiện hành liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, nhằm tạo một “luồng gió mới” trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, chú trọng phương thức đa phương hoá, đa dạng hoá.

Định hướng phát triển trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, nâng lên mức cân bằng, có thảo luận của hai bên. Xây dựng hình thành các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp phụ trợ, kết nối vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài, ông Thắng nhận định.