Khoảng trống trong các khu công nghiệp

Quỳnh Chi - 15:33, 07/07/2021

TheLEADERThiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ giáo dục - đào tạo, các hoạt động vui chơi giải trí... dẫn đến tình trạng chưa thu hút và giữ chân được người lao động là nỗi niềm chung của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp trên cả nước hiện nay.

Khoảng trống trong các khu công nghiệp
Công nhân ở nhiều khu công nghiệp phải sống chật vật vì lương thấp lại gánh thêm khoản tiền thuê trọ. Ảnh minh hoạ: KT

Rời quê Thái Bình đến làm việc tại công ty TNHH Young Ho Eng Vina tại khu công nghiệp Tràng Duệ thuộc khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng) đã được ba năm, chị Phạm Thị Phương được đào tạo và chịu trách nhiệm các công việc liên quan đến sổ sách, giấy tờ ở công ty. 

Kể về nỗi vất vả khi nhìn lại quãng thời gian suốt 3 năm qua, chị cho biết, việc ở trọ rất bất tiện. Chị vẫn luôn mong có một ngôi nhà an cư để yên tâm làm việc.

Ở một nơi cách đó không xa, cuộc sống của anh Nguyễn Thế Kỳ, công nhân khu công nghiệp Hà Khánh (Hạ Long, Quảng Ninh) chật vật không kém. Anh cho biết, mức lương không cao lại phải gánh thêm khoản tiền thuê nhà khiến những người công nhân như anh phải chắt chiu, không dám mua sắm đồ đạc cho bản thân ngoài đồ ăn hàng ngày.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Kỳ bày tỏ: “Những công nhân như chúng tôi mong muốn được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là về nhà ở cũng như đời sống văn hoá, tinh thần. Có như vậy chúng tôi mới an tâm gắn bó với công ty lâu dài”.

Dẫn số liệu từ từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hệ thống khu công nghiệp hiện nay đang là điểm đến của hàng ngàn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính đến cuối tháng 5/2021, trên địa bàn cả nước có 394 khu công nghiệp và hàng nghìn cụm công nghiệp lớn nhỏ được thành lập với hơn 4 triệu công nhân chính quy. Mỗi khu công nghiệp thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc.

Theo ông Phòng, hầu hết dịch vụ tại Việt Nam liên quan đến sản xuất như cơ sở hạ tầng, điện, nước, công nghệ xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy,... đều được đầu tư đúng mức. Các chủ đầu tư các khu công nghiệp còn hỗ trợ các doanh nghiệp quốc tế trong việc hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ hành chính với các cấp chính quyền địa phương để có thể vận hành sản xuất trong thời gian sớm nhất. 

Tuy nhiên, một lỗ hổng lớn cần khắc phục trong thời gian sớm nhất, theo ông Phòng, là xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ông Phòng cho biết, sự thiếu hụt các dịch vụ cho người lao động như phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân, dịch vụ đào tạo, thiếu các hoạt động vui chơi giải trí hay trường mẫu giáo cho con em công nhân… dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa thu hút được lao động. Đây cũng là nỗi niềm chung của các nhà đầu tư trước khi quyết định rót vốn đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

“Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Việt Nam đang để lộ điểm yếu về quản lý nhân lực, dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường khi có vấn đề phát sinh. Việc quản lý nguồn nhân lực có ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô, tinh thần và năng suất lao động nên đây là một chuỗi các hoạt động liên tiếp, ảnh hưởng qua lại với nhau. Vì sự lỏng lẻo trong quản lý, các khu công nghiệp tại Việt Nam đã và đang phải trả giá khá đắt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến khốc liệt”, Phó chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đời sống của nhóm lao động trực tiếp, lao động phổ thông trong các khu công nghiệp còn rất nhiều khó khăn.

“Có khoảng 2/3 gia đình công nhân trong các khu công nghiệp hiện nay đang phải chi tiêu tằn tiện mới đủ sống, so với mức thấp ở địa phương. 

Ngoài ra, nhóm lao động nhập cư nuôi con nhỏ, lao động nữ đang mang thai, nhóm đang phải thuê nhà trọ thì cuộc sống rất khó khăn, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hiện nay”, ông Tiến chia sẻ trong tọa đàm “Nhân lực trong khu công nghiệp, khu kinh tế: thực trạng và giải pháp”.

Doanh nghiệp cũng gặp khó

Với diện tích 463ha, hơn 50.000 người lao động tại Hải Dương, khu công nghiệp Đại An hội tụ đầy đủ các loại hình phức hợp bao gồm khu chế suất, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao... Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An cho biết, trong quá trình phát triển suốt 20 năm qua có những quy định liên quan việc xây dựng khu công nghiệp đã được đổi mới và luật hoá, tuy nhiên còn nhiều bất cập khó khăn.

Theo bà Phương, quy định trước đây yêu cầu diện tích tối thiểu với một khu công nghiệp là 100ha nhưng dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP điều chỉnh một số quy định cho khu công nghiệp và cụm kinh tế lại đưa ra quy định tối thiểu chỉ 75ha.

Với 100ha, nhà đầu tư phải đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ đồng (đền bù đất khoảng 400 tỷ đồng, đầu tư tối thiểu 600 tỷ đồng), thậm chí thực tế đầu tư ít nhất là mức 1.400 tỷ đồng. Do đó, quy định 75ha/KCN là không phù hợp. Một khu công nghiệp cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động.

Về nhà ở cho công nhân bao gồm các thiết chế về y tế, khu hoạt động văn hoá bên cạnh khu ăn ở cho người lao động, bà Phương cho rằng rất khó để kêu gọi được nhà đầu tư khu công nghiệp xây dựng nhà ở vì đang bị chi phối bởi Luật nhà ở khi xây dựng nhà ở trong khu công nghiệp.

Quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân, theo doanh nhân này, cũng còn dài dòng, bất cập.

“Chúng tôi 7 năm vừa qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân”, bà Phương nói.

Nỗi khổ của công nhân và doanh nghiệp ở khu công nghiệp 1
Bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An

Bà Phương kiến nghị, Nhà nước phải thay đổi chính sách lựa chọn nhà đầu tư khu công nghiệp. Cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối quốc tế, đào tạo, đời sống người lao động. Phải coi chủ đầu tư khu công nghiệp là nhà đầu tư đặc biệt.

Theo ông Phạm Hồng Điệp, chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), các doanh nghiệp đều mong muốn có nguồn lao động chất lượng cao. Để làm được điều đó thì doanh nghiệp phải trả lương cao và phải thu hút được người lao động ở lại như phải có: xe đưa đón, nhà ở cho người lao động...

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không tổ chức được văn hóa doanh nghiệp và cơ sở vật chất cho cán bộ nhân viên thì doanh nghiệp đó không thu hút được nguồn lao động. Lựa chọn của người lao động trong việc thay đổi từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác là do chênh lệch về văn hóa, đời sống.

Tuy nhiên, việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người lao động cũng là một bài toán khó. Mô hình nhà ở cho công nhân đang theo mô hình cũ (4-6 người/phòng). Mô hình này đã không còn hiệu quả, không hợp với xu hướng hiện nay bởi công nhân ai cũng mong muốn ở một mình một phòng.

Ông Điệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kỹ và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người lao động trong thời đại mới để ban hành tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân được. Theo ông Điệp, nhu cầu về nhà ở cho công nhân là một nhu cầu thiết yếu và cấp bách. Việc đầu tư này phải có cả công trình công cộng và dịch vụ. Vì vậy, trong quy hoạch phải đưa ra điều đó.

“Nếu tiêu chuẩn của Việt Nam đưa ra chỉ có nhà ở cho công nhân thì chúng tôi không dám đầu tư vì không có người ở. Đó là một trong những vấn đề mà tại sao rất ít các khu công nghiệp xin được xây nhà ở cho công nhân”, ông Điệp nói.

Ngoài ra, tại các khu công nghiệp ở Bắc Giang trong mùa Covid-19, công nhân ở cùng phòng sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan rất nhanh. Do vậy, ông Điệp cho rằng cần phải thay đổi, tư duy cách nhìn về quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân thì mới phù hợp.

Bà Trần Thị Tố Loan, Giám đốc bán hàng và tiếp thị của Tập đoàn Sao Đỏ, đại diện chủ đầu tư khu công nghiệp Nam Đình Vũ cho biết, toàn bộ khu bán đảo Đình Vũ đã phát triển 30 năm qua với hơn 17.000 người lao động. Với những dự án của các doanh nghiệp của khu công nghiệp đã ký kết thì thời gian tới khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ có thêm 30.000 lao động, nhưng hiện chưa có dự án nhà ở công nhân nào.

Nỗi khổ của công nhân và doanh nghiệp ở khu công nghiệp 2
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng)

Theo mục tiêu đề ra, Hải Phòng thu hút tối thiểu 15 tỷ USD vốn đầu tư vào thành phố, dự kiến sẽ cần khoảng 300.000 lao động trong vòng 5 năm tới. Do đó, để sắp xếp nhu cầu nhà ở cho 30.000 người lao động này là vấn đề cấp bách, cần thiết. Đặc biệt sẽ khó khăn nếu muốn khu nhà ở của các công nhân này riêng biệt, độc lập, chi phí sẽ dồn lên người lao động và doanh nghiệp.

Do đó bà Loan cho rằng, trong tương lai khu công nghiệp Nam Đình Vũ vẫn phải đảm bảo nhà ở cho công nhân đi kèm các tiện ích trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí. Nhưng trước mắt vẫn cần nhất là các khu nhà ở công nhân như cũ để người lao động ổn định vấn đề nhà ở. Ở Hải Phòng hiện có thực tế có các khu nhà ở công nhân vẫn đang được xây dựng từ nhu cầu thực tế của các khu công nghiệp.

Nói về đời sống của người lao động, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) nhấn mạnh vai trò của công đoàn.

“Chúng ta nhìn cảnh những khu công nghiệp trong giờ đi làm chen chúc, đặc biệt tại các thành phố lớn và đời sống của người lao động sau giờ đi làm như thế nào? Khá nhếch nhác và chưa có tiến triển nhiều. Trong thời gian tới, phát triển kinh tế Việt Nam và thế giới không còn những khu công nghiệp có hàng nghìn, hàng vạn công nhân vào. Việt Nam không nên phát triển theo hướng đó mà phải đảm bảo mục tiêu xã hội. Những vấn đề về an sinh xã hội nếu chỉ nói chung chung thì không được giải quyết. Do vậy, cần xây dựng các đề án an sinh xã hội cho người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Đề án này phải tính trong chi phí để tạo ra năng suất lao động”, bà Hương nói.

Bà cũng nhìn nhận, thời gian làm việc bình quân của người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất khá ngắn, như ở Bình Dương, Đồng Nai chưa được 6 năm. Trong khi đó, chưa có kế hoạch nào để sử dụng người lao động ở giai đoạn sau khi rời khỏi khu công nghiệp, khiến họ “tan biến” trong thị trường lao động.

“Nếu làm được điều đó, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào năng suất lao động của người lao động sẽ tăng lên, đời sống của người lao động cũng được nâng cao”, bà Hương nói.