Đề xuất cơ chế đấu thầu mua điện cho các dự án trượt giá FIT

Nguyễn Cảnh - 10:22, 28/03/2022

TheLEADERBộ Công thương cho rằng, nếu tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi cho các dự án điện về thời hạn hợp đồng mua bán điện, giá điện điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD, huy động toàn bộ sản lượng... sẽ có nhiều hạn chế.

Đề xuất cơ chế đấu thầu mua điện cho các dự án trượt giá FIT
Theo Bộ Công thương, việc mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp sẽ dẫn đến không bình đẳng với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống, ảnh hưởng tới an ninh hệ thống điện.

Như TheLEADER thông tin, đã có 106 nhà máy điện gió (tổng công suất 5.655,5MW) gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Trong số này, đến thời điểm hết ngày 31/10/2021 đã có 69 nhà máy điện gió (tổng công suất hơn 3.298MW) đã được công nhận COD. 37 nhà máy điện gió còn lại chính thức trượt giá FIT

Phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai nhưng không kịp mốc thời gian hưởng ưu đãi (tại các Quyết định 39/2018 và Quyết định 13/2020 của Thủ tướng), Bộ Công thương vừa đề xuất cơ chế đấu thầu mua điện chi tiết.

Theo đó, việc đấu thầu mua điện từ các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp dựa trên công suất lắp đặt (MW) của các nhà máy điện. Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành. Đơn vị tổ chức đấu thầu là Tập đoàn điện lực Việt Nam. Thời gian thực hiện đấu thầu trong năm 2022, áp dụng cho giai đoạn từ 2022 đến 2025.

Đáng chú ý, Bộ Công thương đã phân tích cụ thể về những hạn chế khi tiếp tục giữ nguyên cơ chế ưu đãi (theo Quyết định 13/2020, 37/2011 và 39/2018 của Thủ tướng) đối với các dự án chuyển tiếp được lựa chọn thông qua đấu thầu.

Nếu giữ nguyên các quy định liên quan, các dự án chuyển tiếp sẽ tiếp tục được hưởng các cơ chế như: Thời hạn hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng là 20 năm kể từ ngày COD, giá điện được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD, EVN có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện của dự án chuyển tiếp.

Cơ chế FIT là cơ chế khuyến khích của Nhà nước chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư (ở đây là điện gió, điện mặt trời). 

Trong bối cảnh năng lượng tái tạo trên thế giới có xu hướng giảm và tại thời điểm hiện nay, khi quy mô phát triển năng lượng tái tạo đã mở rộng, thị trường thiết bị, công nghệ năng lượng tái tạo đã trở nên cạnh tranh hơn, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và xu hướng phát triển trên thế giới.

Theo bộ này, việc giữ nguyên các cơ chế ưu đãi (như nêu trên) sẽ có một số hạn chế.

Thứ nhất, thời hạn hợp đồng mua bán điện kéo dài 20 năm là không phù hợp do hiện nay chi phí sản xuất điện gió và điện mặt trời có xu hướng giảm so với thời điểm ban hành cơ chế giá FIT với hiệu suất công nghệ cải thiện, quy mô và kinh nghiệm phát triển mở rộng.

Về giá điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD, đối chiếu các quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam (tại Thông tư 32/2013, Thông tư 16/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), thì giữ nguyên giá điện được điều chỉnh theo biến động tỷ giá đồng/USD là không phù hợp.

Về ưu đãi huy động toàn bộ sản lượng của các dự án chuyển tiếp, theo Bộ Công thương, tính tới nay, điện gió và điện mặt trời đã chiếm trên 26% tổng công suất lắp đặt, do đó việc bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện sản xuất của các nhà máy điện sẽ dẫn đến không bình đẳng với nhiều nhà máy điện khác trong hệ thống, ảnh hưởng tới an ninh hệ thống điện.

Từ đây, Bộ Công thương cho rằng cần thiết phải sửa các cơ chế ưu đãi theo hướng: Thời hạn hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng đến hết năm 2025. Sau năm 2025, các đơn vị tiếp tục tham gia đấu thầu theo quy định do Chính phủ và/hoặc Bộ Công thương ban hành. 

Đồng tiền tính giá là Việt Nam đồng (đồng/kWh), không điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD. Nhà máy điện được huy động theo nhu cầu của hệ thống điện, tuân thủ quy định tại quy định quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia và có liên quan, đảm bảo an ninh hệ thống điện quốc gia. 

Trong danh mục các dự án trượt giá FIT, ghi nhận một số dự án điện gió của doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái do doanh nhân Đỗ Lê Quân phát triển đã không được COD trước thời điểm 1/11/2021 như: Điện gió Viên An tại tỉnh Cà Mau; cụm 3 nhà máy điện gió Đắk N’Drung 1,2,3 ở tỉnh Đăk Nông… Tương tự, dự án điện gió Hòa Thắng 1.2 ở Bình Thuận của Công ty CP Năng lượng Hòa Thắng (công ty con của Vietracimex). Tính tới cuối tháng 1/2022, tổng công suất các dự án điện gió đã bổ sung quy hoạch là khoảng 11.921 MW. Các dự án, phần dự án đã vận hành thương mại tính đến 31/10/2021 là khoảng 3.980MW. Đối với điện mặt trời, tổng công suất các dự án đã bổ sung quy hoạch là 15.400 MW và các dự án, phần dự án đã vận hành thương mại đến hết 31/12/2020 là khoảng 8.650 MW.