TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội là lợi ích nhóm chứ không phải vì sự phát triển chung của Thủ đô.
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về quy hoạch xây dựng lại khu vực ga Hà Nội. Theo đó, tổng diện tích đất lập quy hoạch khoảng 98,1ha với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người, tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 23.800 tỷ đồng.
Quy hoạch khu vực ga Hà Nội gồm 9 phân vùng không gian chức năng bao gồm: Khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch; khu truyền thông cao khoảng 40 - 70 tầng và khu công viên bố cục ở phía Đông khu đất; khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía Tây Nam khu đất lập quy hoạch; khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch.
Trong khi đó theo quy hoạch hiện tại thì khu vực ga Hà Nội thuộc nội đô lịch sử, hạn chế phát triển nhà cao tầng. Hiện chỉ có một số dự án được xây dựng cao tầng như 29 Liễu Giai (quận Ba Đình), khu vực Trung tâm triển lãm Giảng Võ.
Theo quy hoạch đề xuất của thành phố, diện tích khu vực ga Hà Nội được xây dựng lại khoảng 98,1ha. Tuy nhiên, trên thực tế, ga Hà Nội chỉ rộng 216.000m2, tức hơn 21ha. Trong đó, diện tích xây dựng là 105.000 m² nhà cửa, còn lại là sân ga, đường sắt. Như vậy, diện tích quy hoạch xây dựng lại khu vực ga Hà Nội của thành phố gấp gần 5 lần so với diện tích ga hiện tại.
Về vấn đề này, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, sẽ rất khó để thành phố có một khu vực xây dựng lại ga Hà Nội to lớn như trong quy hoạch.
Bởi các con đường sẽ chiếm gần hết diện tích, đất để xây dựng nhà cao tầng vẫn có nhưng rất ít. Để có gần 100ha xây dựng như trong quy hoạch, thành phố chắc chắn sẽ phải di dân, giải phóng mặt bằng tại khu vực này, thậm chí là lấp hồ Linh Quang phía sau lưng ga Hà Nội để lấy đất xây dưng.
"Trong khi đó, thực hiện được điều này là cả một vấn đề vô cùng lớn. Di dân tại khu vực ga Hà Nội chẳng khác nào đụng phải tổ ong, khi mà người dân nơi đây đang sinh sống bình yên tại một khu vực lịch sử lâu đời của Hà Nội, không dễ gì họ chấp nhận thay đổi. Còn lấp hồ Linh Quang là tai vạ. Bài học của thành phố từ xưa đến nay trong việc lấp hồ để xây nhà rất nhiều, thành phố cần cân nhắc kỹ", ông Liêm phân tích.
Mặt khác, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng, khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối với nhiều tuyến đường huyết mạch trong nội đô như Lê Duẩn, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng.
Hiện, khu vực này đang bị ùn tắc, nếu xây dựng công trình cao từ 40 - 70 tầng sẽ càng làm tình trạng tắc nghẽn tại đây trở nên nghiêm trọng hơn. Rất nhiều khu vực bất động sản của Hà Nội đang phát triển sôi động như Mỹ Đình, Tây Hồ Tây, Đại Lộ Nhật Tân – Nội bài... tại sao thành phố không đưa nhà cao tầng vào đó mà xây dựng? Ông Liêm đặt câu hỏi.
"Sở dĩ, ai cũng muốn vào xây dựng tại khu vực ga Hà Nội là vì xây nhà ở đây không phải đầu tư nhiều vào hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chỉ bán nhà là ăn tiền. Do đó, tôi cho rằng, đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội là lợi ích nhóm chứ không phải vì sự phát triển chung của Thủ đô", ông Liêm nhấn mạnh.
Trước đó, trả lời trên báo chí về đề xuất xây dựng hàng loạt công trình cao từ 40 - 70 tầng (khoảng 100 - 200m) tại khu vực ga Hà Nội liệu có “vượt trần” của đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2011 ở khu vực 4 quận nội thành, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội (đơn vị chủ trì lập quy hoạch) thừa nhận, đây là khu vực hạn chế chiều cao công trình.
“Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung năm 2011, nếu đề xuất của thành phố có khác so với quy hoạch thì Thủ tướng là người quyết định khác hay không khác”, ông Lê Vinh cho biết.
Ga Hà Nội, trước đây tên gọi là ga Hàng Cỏ do Pháp xây dựng và khánh thành năm 1902. Sau khi hoà bình lập lại và trong thời kỳ đổi mới, ga Hà Nội đã được xây sửa lại khang trang hơn. Hơn một thế kỷ qua, ga Hà Nội luôn là một trong những đầu mối giao thông vận tải quan trọng của Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô và nhân dân cả nước. Ga Hà Nội có kiến trúc giống công sở hơn là kiến trúc công cộng. Theo đánh giá của giới kiến trúc đô thị, ga Hà Nội và cầu Long Biên được xếp hạng công trình quan trọng, tạo điểm nhấn cho quy hoạch Hà Nội đầu thế kỷ XX và kéo dài đến năm 1954.
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản xin ý kiến các bộ ngành về quy hoạch xây dựng lại khu vực Ga Hà Nội, theo đó, khu vực ga Hà Nội sẽ được quy hoạch xây dựng các trung tâm tài chính, kiến trúc, nghỉ dưỡng đô thị... với các công trình cao từ 40 - 70 tầng.
Trọng tâm của giáo dục đang thay đổi, theo Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo, hướng tới phát triển con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cộng đồng.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.