Dệt may chuyển mình với kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 07:10, 30/08/2022

TheLEADERPhát triển hiệu quả và bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn là chiến lược trọng tâm giúp ngành dệt may Việt Nam tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu riêng mang tầm quốc tế.

Khoảng 3 triệu là số lượng lao động đang làm việc trong ngành dệt may, trong đó 2/3 là lao động công nghiệp. Tính bình quân, mỗi lao động ngành dệt may nhận được mức lương khoảng 8,5 triệu đồng/tháng. Có thể thấy, dệt may đang tạo ra sinh kế ổn định cho một bộ phận lớn người lao động.

Đóng góp vào xuất khẩu của ngành dệt may cũng rất tích cực, với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên 40 tỷ USD, xuất khẩu ròng 16,2 tỷ USD. Nói cách khác, dệt may là một trong những ngành mũi nhọn “mang đô la về cho đất nước”.

Đóng góp lớn vào nền kinh tế, dệt may cũng được biết đến là ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm nặng nề. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra, sản xuất 1kg sợi vải cần khoảng 200 lít nước, chưa kể đến lượng nước khổng lồ được tiêu thụ bởi cây bông (19 nghìn lít cho lượng sợi bông tương đương 1 chiếc áo phông). Bên cạnh đó, lượng khí thải và chất thải rắn cũng là vấn đề lớn của dệt may.

Một trong những nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm của ngành dệt may, không đến từ sản xuất mà đến từ chính thói quen tiêu dùng “thời trang nhanh”, tức là dùng nhanh, thải bỏ nhanh, tạo ra những bãi rác thời trang khổng lồ.

Những điều này đẩy ngành dệt may đứng trước nguy cơ lớn, khi kinh tế xanh, phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu. Không tự mình “xanh hóa”, ngành dệt may sẽ đánh mất thị trường xuất khẩu, thậm chí đánh mất cả thị trường trong nước.

Từ những thực tế đó, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết, một trong những định hướng quan trọng của ngành dệt may Việt Nam là phát triển bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn.

Cụ thể, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, lấy đó làm nền tảng để giai đoạn 2030 – 2045 phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Cũng trong giai đoạn 2030 – 2045, ngành dệt may tiếp tục phát triển chuỗi giá trị trong nước, củng cố sự tham gia chuỗi giá trị quốc tế, đồng thời xây dựng những thương hiệu mang tầm khu vực và thế giới. Mục tiêu này gắn chặt với phát triển bền vững, bởi thực tế, trong tương lai gần, sản xuất dệt may khó lòng xuất khẩu nếu duy trì phương thức sản xuất gây ô nhiễm.

Ông Cẩm cho biết, ngành dệt may đã có những bước chuẩn bị từ khá sớm cho sự chuyển mình bền vững. Đó là việc thành lập Ủy ban phát triển bền vững về môi trường và lao động, triển khai những dự án liên quan đến giảm rác thải, tái sử dụng nguồn nước, truy xuất nguồn gốc nguyên vật liệu dệt may… Cùng sự hỗ trợ của nhiều tổ chức phát triển, những dự án này bước đầu đem lại nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững ngành dệt may vấp phải không ít cản trở.

Thứ nhất là vấn đề nguồn cung nguyên phụ liệu cho ngành dệt may phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập khẩu, bao gồm những loại như bông, xơ, vải… Do đó, doanh nghiệp khó kiểm soát được chất lượng và tính bền vững của chuỗi cung ứng.

Thứ hai, đối với khâu dệt nhuộm, do chưa có quy hoạch về không gian phát triển nên chưa hình thành được các khu công nghiệp dệt may lớn có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Điều này đã được đưa vào Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn 2035 nhưng chưa được phê duyệt.

Mặt khác, các dự án dệt, nhuộm đang nỗ lực để bền vững hóa nhưng chưa nhận được sự ghi nhận từ một số địa phương, dẫn đến hiện tượng không ít địa phương tỏ ra không mặn mà trong phê duyệt, cấp phép những dự án dệt, nhuộm.

Thứ ba, ngành hàng may mặc đang có thị trường xuất khẩu là những thị trường lớn, khó tính và có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, tạo ra áp lực rất lớn. Áp lực này còn lớn hơn nữa khi xu thế tiêu dùng đang dần chuyển sang thời trang tuần hoàn, thời trang bền vững thay vì trào lưu thời trang nhanh như trước đây.

Thứ tư là vấn đề thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho việc ứng dụng công nghệ 4.0; nhân lực cho các khâu dệt, nhuộm và thiết kế thời trang.

Cuối cùng, chuyển đổi xanh, tuần hoàn đòi hỏi nhu cầu vốn đặc biệt lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện đáp ứng.

Từ những khó khăn kể trên, đại diện VITAS kiến nghị Nhà nước, các bộ, ngành và địa phương sớm ban hành những chính sách minh bạch, rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may chuyển đổi theo hướng xanh, tuần hoàn.

Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp dệt may cũng cần phải tự nỗ lực. Ông Cẩm đề nghị doanh nghiệp chủ động nâng cao nhận thức về kinh doanh tuần hoàn, chủ động tìm hiểu những thách thức và cơ hội khi tham gia chuyển đổi tuần hoàn.

Từ những nhận thức và sự tự tìm hiểu đó, doanh nghiệp sẽ nhìn ra những bước đi phù hợp, tập trung vào những khâu có tiềm năng, thế mạnh. Quá trình này cần được cân nhắc, tính toán liên tục giữa lợi ích và chi phí để tạo ra hiệu quả.

Một số yếu tố cần được doanh nghiệp ngành dệt may lưu tâm có thể kể đến như truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu; đáp ứng tỷ lệ tái chế; phối hợp với nhãn hàng để thực hiện thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái; liên kết ngành, liên kết khu công nghiệp để thiết lập các mô hình tuần hoàn quy mô lớn…