Điểm sáng từ mô hình du lịch cộng đồng khu vực Nam Trung Bộ

Phương Linh - 09:00, 27/03/2021

TheLEADERThực tế cho thấy, nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch, khiến nhiều địa phương “thay da đổi thịt” từng ngày.

Điểm sáng từ mô hình du lịch cộng đồng khu vực Nam Trung Bộ
Mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà

Trải nghiệm cộng đồng - xu hướng tất yếu của du lịch

Bản chất của du lịch, ngoài nghỉ dưỡng, tận hưởng, còn là du lịch trải nghiệm, du lịch gắn với thiên nhiên, khám phá những điều mới lạ. Trong đó, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm cộng đồng là một trong những xu hướng đang rất phát triển trong thời gian gần đây. Hầu hết các tài nguyên du lịch này đều nằm ở các vùng quê và gắn với nông nghiệp, từ ruộng đồng, rừng, núi, sông, hồ đến các làng nghề truyền thống.

Đáng chú ý, càng trong đại dịch Covid-19, loại hình du lịch này càng có cơ hội nhân rộng. Bởi dịch bệnh chính là dịp để mỗi con người nhìn lại mình, tìm về những giá trị đích thực của cuộc sống và trở về gắn bó với thiên nhiên.

Hàng loạt những mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp hiệu quả và ấn tượng trải dài khắp từ Bắc vào Nam trong thời gian vừa qua chính là minh chứng cho điều này.

Có thể đến như Bản Sìn Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) của người H'Mông đẹp như “vườn địa đàng” còn sót lại nơi hạ giới. Nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, Sin Suối Hồ sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến đây du khách sẽ được ngắm thung lũng đẹp như bức tranh giữa núi rừng, tham quan thác trái tim hay trải nghiệm săn mây trên đỉnh núi, ghé chợ phiên vào thứ bảy hàng tuần.

Tận dụng khí hậu trong lành, mát mẻ cùng bản sắc văn hóa độc đáo, người dân bản đã đẩy mạnh làm du lịch cộng đồng. Ở Sin Suối Hồ có hàng chục hộ gia đình làm homestay, hoạt động kinh doanh rất hiệu quả. Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng và thu hút rất nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm.

Một điểm du lịch trải nghiệm cộng đồng khác ở khu vực miền Trung là làng rau Trà Quế (Quảng Nam), lúc nào cũng nườm nượp khách du lịch. Đường quốc lộ đến Trà Quế có hẳn lối đi riêng cho du khách đi xe đạp.

Điểm sáng từ mô hình du lịch cộng đồng khu vực Nam Trung Bộ
Mô hình du lịch trải nghiệm cộng đồng được nhân rộng. Ảnh tại dự án Eco Zone Nha Trang - Đà Lạt

Đây chính là điểm đến bình dân, dung dị để du khách lánh xa những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thành thị để thử “một ngày làm nông dân” đầy thú vị. Du khách có thể học cách trồng rau, bón phân, gieo hạt và đặc biệt là trải nghiệm những niềm vui với những thành quả mình làm nên.

Hay như Ấp Cồn Chim (Trà Vinh), làng quê Nam bộ hiền hòa khiến du khách mê mệt bởi thiên nhiên, con người. Đến Cồn Chim du khách sẽ được thấy và trải nghiệm câu cua tại vuông, được tự tay vò lá sương sâm, xay bột làm bánh lá… và thưởng thức bữa cơm đặc trưng Nam Bộ.

Trên cao nguyên Lâm Đồng, xã Tà Nung cũng là một trong những điển hình tiêu biểu trong phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch bền vững dựa trên những yếu tố tự nhiên, nông nghiệp và văn hóa bản địa.

Theo thống kê, toàn xã hiện có đến 15 điểm hoạt động về du lịch canh nông, cà phê giải khát, câu cá giải trí. Tại đây, du khách được thưởng thức thắng cảnh tự nhiên, chụp hình, check in và gắn bó trải nghiệm cuộc sống với những người nông dân thực thụ trên những cánh đồng café ngút ngàn.

Thực tế hoạt động trong thời gian vừa qua cho thấy hiệu quả rất lớn của mô hình du lịch trải nghiệm ở Tà Nung. Du khách có thể dừng chân nơi này vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nơi đây luôn nhộn nhịp du khách, kể cả trong dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ , Chủ tịch Công ty Lửa Việt Tours, du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với các hoạt động trải nghiệm là xu thế tất yếu không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Trong sâu thẳm mỗi con người, thiên nhiên đã trở thành máu thịt. Do đó, hơn bao giờ hết, du lịch ngày càng có xu thế gắn với thiên nhiên để phát triển bền vững.

Từ hoạt động du lịch phát triển, diện mạo các bản làng cũng thay đổi từng ngày. Các khu du lịch không chỉ giúp thu hút du khách, tăng thu ngân sách cho địa phương mà còn tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân bản địa, nhờ đó, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

Cũng chính nhờ du lịch cộng đồng, những địa danh một thời bất ổn nay đã rất phát triển như Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình), Hua Tạt (Vân Hồ, Sơn La)…

Điểm sáng từ mô hình du lịch cộng đồng tại Khánh Vĩnh

Từ kinh nghiệm của nhiều điểm đến du lịch trải nghiệm cộng đồng thành công, một khu du lịch theo mô hình này đã được ấp ủ, triển khai trên địa bàn xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh – một vùng núi phía Tây của tỉnh Khánh Hoà với kỳ vọng mang lại sự thay đổi mạnh mẽ cho địa phương.

Nằm cách thành phố Nha Trang 40km dọc quốc lộ 27C, Khánh Vĩnh là một trong những huyện miền núi, nghèo nhất của tỉnh Khánh Hòa. Với dân số gần 40.000 người, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỉ lệ 73,7%, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, đời sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn.

Điểm sáng từ mô hình du lịch cộng đồng khu vực Nam Trung Bộ 1
Khu du lịch Eco Zone, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hoà

Những năm qua, chính quyền địa phương đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, hỗ trợ kỹ thuật để Khánh Vĩnh phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân. Huyện cũng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp tham gia phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, mọi chỉ số tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Khánh Vĩnh chưa có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là phát triển du lịch như lợi thế vốn có của tỉnh.

Trong khi đó, đây lại là địa phương có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Với địa hình đồi núi, vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, thiên nhiên và khí hậu có sự chuyển giao giữa hai khí hậu Đà Lạt - Khánh Hòa, huyện Khánh Vĩnh rất phù hợp với các mô hình du lịch xanh, du lịch trải nghiệm cho du khách.

Đây chính là lý do khiến khu du lịch Eco Zone được xây dựng nhằm đa dạng hóa loại hình du lịch của địa phương, từ những thế mạnh vốn có và mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.

Theo đó, Eco Zone không chỉ là điểm dừng chân đơn thuần mà còn bao gồm cả du lịch sinh thái nông nghiệp, điểm check in, café điểm tâm, trải nghiệm nông nghiệp xanh, trồng rau, câu cá và hoạt động team building ven đồi… Dự án được xây dựng theo mô hình du lịch sinh thái xanh, du lịch nông nghiệp nhằm mang đến những trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho du khách.

Giá trị mà Eco Zone muốn mang đến cho quý khách hàng là những trải nghiệm, tận hưởng không khí đặc trưng của núi rừng, của hệ sinh thái thiên nhiên, vừa mới mẻ vừa gần gũi, thân thuộc.

Với mô hình du lịch sinh thái xanh, du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp sinh thái, Khu du lịch Eco Zone hứa hẹn sẽ trở thành điểm dừng chân hấp dẫn trên cung đường Nha Trang – Đà Lạt. Qua đó, dự án sẽ giúp thu hút khách du lịch đến với Khánh Vĩnh và góp phần phát triển kinh tế du lịch cho địa phương, khiến nơi đây “thay da đổi thịt” từng ngày.