Điện khí LNG Hải Lăng vẫn còn 3 nút thắt

Nguyễn Cảnh - 11:11, 11/05/2024

TheLEADERUBND tỉnh Quảng Trị cùng các nhà đầu tư đặt mục tiêu thi công dự án điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào tháng 11 năm nay.

Điện khí LNG Hải Lăng vẫn còn 3 nút thắt
Liên doanh nhà đầu tư dự án điện khí LNG Hải Lăng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị

Sau gần ba năm từ khi được chấp thuận chủ trương, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 trị giá khoảng 2,3 tỷ USD vẫn còn ba nội dung khó khăn chờ xử lý.  

Trước tiên là điều chỉnh quy hoạch, xuất phát từ đề xuất của nhà đầu tư về điều chỉnh giảm diện tích mặt đất sử dụng và tăng diện tích mặt nước phục vụ dự án nên dẫn tới phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu giai đoạn 1.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã báo cáo Thủ tướng xin cập nhật nội dung điều chỉnh quy hoạch phân khu giai đoạn 1 vào điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (vị trí đặt dự án).

Tuy nhiên, tới nay việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án vẫn chưa được phê duyệt nên chưa đủ cơ sở thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, liên quan đến giao khu vực biển, dự án sử dụng 130ha mặt nước biển nên phải được Bộ Tài nguyên và môi trường quyết định giao khu vực biển để khai thác, sử dụng. Tổ hợp nhà đầu tư đang xúc tiến triển khai công việc này.

Đáng chú ý là thỏa thuận đấu nối dự án với hệ thống điện quốc gia vẫn chưa minh định đầu mối trách nhiệm cụ thể thuộc về đơn vị nào.

Cụ thể, quy hoạch điện VIII xác định LNG Hải Lăng được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia theo phương án xây dựng đường dây 500kV nhà máy LNG Hải Lăng – nhà máy nhiệt điện Quảng Trị, hai mạch 6km. 

Trong trường hợp nhiệt điện Quảng Trị chậm tiến độ thì xây trước đường dây LNG Hải Lăng – Quảng Trị dài khoảng 23km đấu nối LNG Hải Lăng.

Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII cũng xác định dự án đường dây 500kV đấu nối LNG Hải Lăng vào hệ thống điện quốc gia do nhà nước đầu tư.

Trên cơ sở này, tổ hợp nhà đầu tư đã làm việc với các đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để hoàn thiện các thỏa thuận liên quan.

Tuy vậy, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm đầu tư và tiến độ khả thi của các hạng mục đấu nối liên quan. 

Nguyên nhân là đơn vị này chưa được cấp thẩm quyền giao làm chủ đầu tư đường dây mạch kép 500kV LNG Hải Lăng – Quảng Trị. 

Do đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị Bộ Công thương và EVN sớm giao nhiệm vụ chủ đầu tư đường dây 500kV nêu trên để hoàn thành thỏa thuận đấu nối LNG Hải Lăng vào hệ thống điện quốc gia.

Vướng mắc thứ hai là hợp đồng mua bán điện (PPA) ghi nhận một số rủi ro cần thảo luận trong quá trình đàm phán, thương thảo hợp đồng PPA với EVN/EPTC để đáp ứng điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế đối với dự án.

Vấn đề thứ ba là việc thỏa thuận các thông số kỹ thuật cầu cảng của dự án cũng đang chưa đủ điều kiện để Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định. 

Nguyên nhân là dự thảo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt.

Đặt mục tiêu hoàn thiện các thủ tục liên quan để triển khai thi công dự án vào tháng 11 tới, UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ, bộ ngành để sớm ban hành các quy định về bao tiêu sản lượng điện, giá điện, thời gian huy động công suất cũng như điện năng của các nhà máy điện đầu tư theo hình thức IPP.

Trước đó, tại buổi làm việc với liên doanh nhà đầu tư T&T Group – Hanwha HEC – KOGAS – KOSPO, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định sẽ đồng hành với nhà đầu tư để hoàn thiện điều chỉnh dự án giai đoạn 1.

Các nội dung này bao gồm điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị - giai đoạn 1, điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 dự án, hoàn thiện một số thỏa thuận chuyên ngành chính (đấu nối, thông số cảng biển, báo cáo đánh giá tác động môi trường).

Liên doanh nhà đầu tư cam kết hoàn thành tiến độ và vận hành thương mại (COD) vào quý II/2029.

Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung giai đoạn 1 (1.500MW) vào quy hoạch điện VII điều chỉnh với tiến độ vận hành năm 2026 - 2027; giai đoạn 2 của dự án (3.000MW) sẽ được xem xét cụ thể trong quy hoạch điện VIII.

Theo quyết định chủ trương, đây là dự án hợp tác đầu tư giữa và 3 doanh nghiệp Hàn Quốc uy tín trong lĩnh vực năng lượng tại châu Á, trong đó T&T Group góp vốn đầu tư 40% và 3 doanh nghiệp còn lại góp 60%.

Với quy mô diện tích đất sử dụng hơn 120ha, dự án sẽ xây dựng trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm Điện lực Hải Lăng, giai đoạn 1 có công suất phát điện 1.500MW.