Diện mạo miền Tây đến năm 2030, tầm nhìn 2050

Phạm Sơn - 16:03, 26/11/2021

TheLEADERQuy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 sẽ là quy hoạch tổng thế vùng dài hạn đầu tiên của Việt Nam, với trọng tâm cốt lõi là quản lý thách thức và tạo ra giá trị.

Diện mạo miền Tây đến năm 2030, tầm nhìn 2050
Kinh tế gắn với văn hóa, sinh thái là hướng đi của miền Tây.

Trong đó, quản lý thách thức là việc xác định, đối diện và thích ứng với những rủi ro đang đe dọa đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khiến khu vực này đang “chìm cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”.

Đó là biến đổi khí hậu khiến diễn biến thời tiết ngày càng trở nên khó lường. Hạn hán, ngập mặn, nước lên nước xuống thất thường khiến mùa màng thiệt hại. Nông nghiệp là sinh kế chính đang ngày càng khó khăn nhưng bà con nông dân cũng không có cơ hội tìm kiếm nghề nghiệp khác, khi miền Tây là vùng trũng của thu hút đầu tư, cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục.

Thiếu đi cơ hội sinh kế, người dân miền Tây di cư sang Bình Dương, TP.HCM để làm trong các xí nghiệp, nhà máy, khu chế xuất, khiến miền Tây trở thành vùng có tỷ lệ tăng trưởng dân số thấp nhất cả nước, thậm chí có năm còn giảm dân số.

Mặt khác, cường độ thâm dụng tài nguyên thiên nhiên khiến khu vực này phải chịu ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và mất cân bằng sinh thái.

Trước những khó khăn, rủi ro và thách thức, đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có cơ hội để phát triển và tạo ra giá trị kinh tế cao. Thực tế, trong quá khứ, mảnh đất Chín Rồng từng là biểu tượng của sự ấm no, trù phú.

Nhận thức rõ bất cập, hạn chế cũng như xác định được tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long, năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, nhấn mạnh quan điểm “thuận thiên” trong đầu tư phát triển, tăng cường cơ sở hạ tầng bền vững, thích ứng với biển đổi khí hậu để cởi trói cho Chín Rồng cất cánh.

Kế thừa những quan điểm đó, quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 nhấn mạnh các nội dung quan trọng.

Đầu tiên, phát triển vùng theo hướng bền vững với 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường, lấy con người làm trung tâm. Để làm được điều này, quan điểm “thuận thiên” phải đi xuyên suốt quá trình quy hoạch, từ đó thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, bên cạnh việc khôi phục, duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa, truyền thống của vùng.

Thứ hai, nông nghiệp vẫn là mũi nhọn phát triển của đồng bằng sông Cửu Long. Trong bối cảnh mới, ngành nông nghiệp cần phải đổi mới tư duy, coi nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên như nước ngọt, từ đó đa dạng hóa cơ cấu canh tác, nuôi trồng. Ví dụ, thay vì quanh năm trồng lúa, bà con nông dân có thể nuôi tôm vào mùa ngập mặn, trồng sen vào mùa nước lên.

Phát triển nông nghiệp vùng trở thành một nền kinh tế nông nghiệp không thể thiếu vai trò của logistics, vùng chuyên canh, mạng lưới kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Như quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cần phải từ bò “tư duy sản lượng”, không nhìn vào sản lượng lúa ngoài đồng, hoa quả trên cây để làm thước đo cho nông nghiệp mà chỉ khi nông sản được tiêu thụ, không còn hiện tượng “được mùa mất giá”, mùa vụ mới được coi là thành công.

Thứ ba, công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp năng lượng tái tạo là hướng công nghiệp hóa của vùng. Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long nhận xét, việc công nghiệp hóa miền Tây cần tuyệt đối tránh sự tận khai, phá hoại môi trường.

Tương lai của đồng bằng sông Cửu Long

Nói về công nghiệp hóa miền Tây, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long cảnh báo: “Nếu làm thay đổi diện mạo, thay đổi điều kiện tự nhiên, can thiệp thô bạo vào tự nhiên, đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ phải đối mặt với quá trình “đảo ngược”, tức là tan rã thay vì tiếp tục được phù sa bồi đắp”.

Ông Tự Anh cho biết, đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế lớn về năng lượng là năng lượng mặt trời và năng lượng từ dòng hải lưu. Đây có thể là động lực tăng trưởng mới quan trọng và tiền đề để tái cơ cấu miền Tây.

Phát triển dịch vụ kết hợp sinh thái và văn hóa cũng là hướng đi cần được đặc biệt chú trọng. Trưởng nhóm nghiên cứu về miền Tây nhận định, hình ảnh du lịch miền Tây trong tương lai là mô hình nghỉ dưỡng du lịch nông nghiệp, một phong cách du lịch mới đang rất được ưa chuộng.

Kinh tế tuần hoàn cũng sẽ là mô hình phù hợp với miền Tây trong thời kỳ mới. Kinh tế tuần hoàn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt tạo ra nhiều ngành nghề từ chế biến, sản xuất bằng nguyên liệu thứ cấp, phụ phẩm, đảm bảo sinh kế cho người dân.

Thứ tư, chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung, xây dựng khu vực hành lang đô thị, công nghiệp. Chú trọng vào kết nối với TP.HCM cũng như khu vực kinh tế trọng điểm vùng Đông Nam Bộ.

Thực tế cho thấy, Long An là một điểm sáng trong thu hút đầu tư ở miền Tây nhờ vào có kết nối trực tiếp với Bình Dương và TP.HCM bằng đường cao tốc. Đường cao tốc kết nối được ví như xương sống cho phát triển của vùng.

Thứ năm, tập trung xây dựng các hạ tầng thiết yếu, chú trọng logistics, thủy lợi, cấp nước, năng lượng cũng như hạ tầng văn hóa, xã hội.

Cuối cùng, khoanh vùng bảo tồn và khai thác di sản văn hóa, tín ngưỡng cũng như hệ sinh thái đặc trưng như thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, rặng san hô. Các dịch vụ sinh thái, văn hóa vừa giúp phát triển kinh tế, vừa tránh tác động tiêu cực đến môi trường.

Vừa qua, dự thảo quy hoạch tổng thể vùng đã được thẩm định bởi hội đồng do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm chủ tịch. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy hoạch để trình Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 12, trước thềm năm mới.

Bên cạnh đó, cần có kế hoạch triển khai thông tin và cơ chế tạo sự đồng thuận để người dân và doanh nghiệp chuẩn bị cùng chung tay với Nhà nước thực hiện quy hoạch, đưa mảnh đất Chín Rồng thực sự được cất cánh.