Điều tra tháp điện gió Trung Quốc bán phá giá ở Việt Nam

Nguyễn Cảnh - 11:32, 01/10/2023

TheLEADERBộ Công thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp điện gió có xuất xứ từ Trung Quốc.

Điều tra tháp điện gió Trung Quốc bán phá giá ở Việt Nam
Doanh nghiệp Việt cáo buộc các sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc bán phá giá vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Bộ Công thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá áp dụng đối với tháp điện gió từ Trung Quốc theo yêu cầu của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước.

Ngoài việc áp dụng đối với hai mã sản phẩm tháp điện gió, Bộ Công thương còn điều tra hai loại sản phẩm tháp điện gió được nhập khẩu như một bộ phận của tổ máy phát điện chạy bằng sức gió.

Quyết định của Bộ Công thương được ban hành căn cứ theo kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá do các doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước là Công ty TNHH CS WIND Việt Nam và Công ty TNHH Năng lượng xanh và tái tạo Phương Nam - SRE nộp hồi tháng 7/2022.

Bộ Công thương cho biết, ngành sản xuất trong nước cáo buộc các sản phẩm tháp điện gió từ Trung Quốc đã và đang bán phá giá vào thị trường Việt Nam và hành vi bán phá giá này đang gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công thương sẽ gửi câu hỏi cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc như hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất một số sản phẩm trong nước.

Trong trường hợp cần thiết, căn cứ kết quả điều tra sơ bộ, Bộ Công thương có thể áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời để ngăn chặn hành vi bán phá giá tiếp tục gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước.

Bộ này cũng cho biết sẽ thẩm tra, xác minh lại thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, bộ sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc.

Bộ Công thương khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân đang xuất nhập khẩu, phân phối, kinh doanh, sử dụng hàng hóa bị điều tra đăng ký làm bên liên quan và cung cấp các thông tin cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích theo quy định.

Được biết, tháng 5/2022, Cục Phòng vệ thương mại thuộc Bộ Công thương tiếp nhận hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng CBPG đối với sản phẩm tháp gió có xuất xứ Trung Quốc từ hai doanh nghiệp đại diện ngành sản xuất trong nước.

Giữ vai trò cơ quan điều tra, Cục Phòng vệ thương mại xác định, có bằng chứng rõ ràng về việc hàng hóa nhập khẩu bán phá giá là nguyên nhân gây ra thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước.

Hiện nay, sản phẩm tháp điện gió nhập khẩu vào Việt Nam đang có mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) là 3%. Mức thuế MFN, hay còn gọi là mức thuế dành cho các nước có quan hệ thương mại bình thường, được áp dụng với những nước thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và những nước tuy chưa phải là thành viên WTO nhưng đã ký hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ như Việt Nam.

Theo Bộ Công thương, thời kỳ điều tra xác định hành vi bán phá giá là từ 1/7/2022 đến 30/6/2023, thời kỳ điều tra để xác định thiệt hại là từ 1/1/2018 đến 30/6/2023.

Đáng chú ý, bên yêu cầu đã cung cấp được các cơ sở hợp lý để chứng minh hành vi bán phá giá của hàng hóa cũng như cung cấp dữ liệu để xác định biên độ bán phá giá của hàng hóa bị đề nghị điều tra từ Trung Quốc ở mức 97%.

Một bên yêu cầu điều tra chống bán phá giá là Tập đoàn CS Wind Group vào năm 2012 bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá tua-bin điện gió nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

Trong vụ việc này, Tập đoàn CS Wind Group chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ khoảng 53% trong khi bị đơn bắt buộc còn lại là Công ty TNHH Vina- Halla Heavy Industries bị áp mức thuế suất toàn quốc gần 60%.

Tới tháng 10/2016, Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo hủy bỏ đợt rà soát hành chính lần hai lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn 2015-2016.

CS Wind Corporation là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Hàn Quốc có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực sản xuất tháp gió và các bộ phận của tháp gió. CS Wind Corporation hoạt động tại Việt Nam thông qua công ty con sở hữu 100% vốn điều lệ là Công ty TNHH CS Wind Việt Nam đặt tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.