Tiêu điểm
Doanh nghiệp đau đầu vì chi phí tăng cao giữa Covid
Trong khi phải nỗ lực cắt giảm nhiều loại chi phí để có thể đảm bảo dòng tiền hoạt động, vượt qua khủng hoảng Covid-19 và tìm cơ hội phục hồi, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với sự gia tăng của nhiều loại chi phí, một phần do ảnh hưởng từ đại dịch.
Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên nên rủi ro rất lớn. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp không ổn định, người dân và doanh nghiệp thường xuyên đối mặt với tình trạng được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá.
Ông Trần Đức Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Triệu Sơn (Triso Group) cho biết, những khó khăn còn nhiều và nặng nề hơn khi Covid-19 ập đến và kéo dài hàng năm trời khiến việc xuất khẩu nông sản bị gián đoạn, các hoạt động lưu thông hàng hoá trong nước và giữa các địa phương bị đứt gãy.
Đáng chú ý, việc ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai chưa thực sự thuận lợi đã dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư vì sợ rủi ro. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp tiếp cận nguồn vay vốn rất khó khăn và nguồn vốn được vay với giá trị thấp vì các tài sản thế chấp có giá trị thấp, hoặc đất chỉ là đất đi thuê lại nên việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định khiến người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp bị động, dè chừng trong hoạt động kinh doanh và sản xuất. Hoạt động xuất khẩu đối mặt với rất nhiều khó khăn, nguồn cung trong nước bị dư thừa và đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của các quốc gia khác.
Chi phí kinh doanh tăng cao dường như không phải là câu chuyện của riêng ai. Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho biết, sản lượng dịch vụ của các doanh nghiệp logistics giảm đáng kể do tình hình kinh doanh của khách hàng gần như bị tê liệt, khách hàng giảm diện tích thuê, đề nghị giảm giá dịch vụ do không bán được hàng…
Trong khi đó, chi phí cho công tác phòng chống dịch tăng, trong khi giá cước tàu biển tăng cùng hàng loạt các phụ phí từ hãng tàu trở thành gánh nặng tài chính lên chi phí logistics.
"Có những tuyến vận tải biển giá cước tăng gấp 5-10 lần so với thời điểm trước dịch, gây ra gánh nặng lớn cho doanh nghiệp", ông Khoa nói trong diễn đàn "Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh" do Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức.
Việc giá cước vận tải biển tăng mạnh cũng đã khiến cho hầu hết doanh nghiệp logistics sau một đêm bỗng “từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn”. Nên ngay cả khi có các ưu đãi về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 30%, các doanh nghiệp cũng không còn đủ điều kiện để hưởng. Dù doanh thu tăng mạnh nhưng thực tế lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng, áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp cũng lớn hơn rất nhiều.
Cần cải cách mạnh mẽ để hỗ trợ giảm chi phí
Đứng trước những khó khăn đang phải đối mặt, đặc biệt là về chi phí, ông Minh cho biết các doanh nghiệp SME rất cần có sự chung tay hỗ trợ của nhà nước trong chính sách trợ giá sàn (quỹ bình ổn giá) với các sản phẩm nông nghiệp để doanh nghiệp yên tâm đầu tư và sản xuất, tránh tình trạng được mùa thì mất giá. Ông cũng cho biết, các doanh nghiệp cần những chính sách vay vốn với ưu đãi thấp, được tiếp cận với các nguồn vay vốn dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp trong 2 năm qua nên các dự án khoa học công nghệ khó có thể hoàn thành theo tiến độ dự kiến ban đầu. Vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất các bộ lùi thời gian trả kết quả của dự án thêm 1 - 2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trong khi đó, ông Khoa kiến nghị áp dụng chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp linh hoạt với ngành nghề lĩnh vực, có thể “nới” quy định về doanh thu lên mức phù hợp với doanh nghiệp logistics do diễn biến tăng giá cước như đã nói ở trên.
Cùng với đó, ông Khoa cho biết, Nghị quyết 406 quy định "giảm 30% thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ vận tải” đã vắng bóng những doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải, trong khi thực tế là doanh nghiệp vận tải khó khăn thì doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ đi kèm vận tải cũng khó khăn. Do đó, ông kiến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ đến các doanh nghiệp dịch vụ hỗ trợ vận tải.
Ngoài ra, lãnh đạo VLA cũng đề nghị Chính phủ có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam thông qua việc phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và cũng là cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.
Ông Khoa cũng cho rằng, cần thay đổi quy trình thủ tục giám sát hải quan theo hướng thuận lợi hoá thương mại, cho phép các doanh nghiệp khai báo hải quan chung theo tỉnh, thành phố hoặc khu vực lớn hơn và đưa hàng về các địa điểm thông quan trong khu vực dưới sự giám sát của Hải quan như thông lệ của các nước Tây Âu – Bắc Mỹ để giảm tình trạng ùn tắc ở một số cảng khu vực phía Nam như thời gian vừa qua, đồng thời hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, nhận định, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính hơn nữa sẽ giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là trong nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động và nhóm thủ tục xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục về kiểm tra chuyên ngành.
“Việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà. Tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành còn tồn tại. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Chuyện cắt giảm chi phí mùa dịch ở SeABank
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Giải mã sức hút của shophouse Nghi Sơn Central Park
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas theo đuổi các dự án khí tại Bắc Bộ
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.