Doanh nghiệp 'lót tay' cho cán bộ thuế vì muốn giảm nhẹ tội

Thùy Linh - 19:44, 17/12/2019

TheLEADERKhông chỉ phải trả thêm các chi phí không chính thức, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính khi phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký.

Doanh nghiệp 'lót tay' cho cán bộ thuế vì muốn giảm nhẹ tội
Chi phí không chính thức cũng xuất phát một phần nguyên nhân từ doanh nghiệp khi muốn giảm nhẹ tội trong sai phạm

Hiện tượng “tham nhũng vặt” không được cải thiện nhiều là một trong những nội dung đáng chú ý trong báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016: Góc nhìn từ doanh nghiệp” của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Báo cáo cho biết, năm 2018, hơn 58% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính. Gần 55% doanh nghiệp cho biết thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức. Bên cạnh đó, hơn 40% doanh nghiệp cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký.

Cụ thể trong công tác kiểm tra, thanh tra thuế, 30% doanh nghiệp cho biết phải mất chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra.

Tuy nhiên, thực trạng này có một phần trách nhiệm của doanh nghiệp, vẫn tồn tại tình trạng: Lót tay cho cán bộ thuế vì muốn giảm nhẹ tội khi bị phát hiện sai phạm, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết tại buổi công bố báo cáo trong khuôn khổ chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Kiểm soát tham nhũng là một chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá môi trường kinh doanh. Báo cáo của VCCI nhận định qua các năm, vấn đề kiểm soát tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức đối với doanh nghiệp trên phạm vi rộng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Về điểm sáng, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ mức 9,1% của năm 2016 và 9,8% của năm 2017 xuống mức 7,1% trong năm ngoái. Xét về mặt giá trị, 81% doanh nghiệp cho biết chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, tăng từ con số 79% của năm 2017.

Liên quan đến việc xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, ông Tuấn cho biết tỷ lệ doanh nghiệp phải xin đã giảm xuống 48% từ con số 58% của năm 2017. Số doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép ở mức 34%, giảm 8%.

“Dù vậy, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714.000 doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, ông Tuấn nói.

Ông cho rằng trong năm nay, nhiều bộ, ngành “có vẻ như không muốn tiếp tục” thực hiện nhiệm vụ vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018. Trong những bộ tiếp tục rà soát, mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước trong khi vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.

Chia sẻ cùng quan điểm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, băn khoăn: “Doanh nghiệp, địa phương sốt ruột nhưng thể chế thì dường như vẫn còn đủng đỉnh, phải chăng là như vậy?”. Nếu thủ tục được làm nhanh, mỗi dự án được đẩy nhanh một vài tháng, tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn. Nhưng nếu thủ tục chậm trễ, nguồn vốn không vào được, đầu tư không thể triển khai thì nền kinh tế sẽ không phát triển với tốc độ như mong muốn.

Chủ tịch VCCI cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh còn “khấp khểnh” và ngay cả các lĩnh vực đã đạt được điểm đột phá và tiên phong vẫn còn khoảng cách xa so với thế giới. Nhiều lĩnh vực thậm chí hầu như không có cải thiện trong nhiều năm qua.

“Chúng ta nói nhiều đến biển bạc rừng vàng, dân số vàng, cơ hội vàng, kho vàng tiềm năng xét về mọi góc độ nhưng chỉ có thể khai phá, làm bừng nở bằng thể chế kim cương, trong sạch, có khả năng hội tụ và tỏa sáng, minh bạch, vững chãi như kim cương”, ông Lộc nhấn mạnh.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Trước đó, vào năm 2016, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã đưa ra nhiều mục tiêu và nhiệm vụ cho các bộ ngành và địa phương để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.