Doanh nghiệp miền Tây chủ động đương đầu thách thức

Phạm Sơn - 08:44, 13/12/2021

TheLEADERTheo khảo sát của VCCI chi nhánh Cần Thơ, doanh nghiệp khu vực đồng bằng sông Cửu Long dù thiệt thòi và gặp muôn vàn khó khăn nhưng vẫn chủ động đương đầu với đại dịch, chủ động cứu lấy mình.

Doanh nghiệp miền Tây chủ động đương đầu thách thức
Doanh nghiệp miền Tây chủ động vừa chống dịch vừa nối lại sản xuất kinh doanh.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực chịu thiệt hại nặng nề trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Có thời điểm, 13 tỉnh thành miền Tây đều rơi vào trạng thái giãn cách, phong tỏa, khiến hoạt động của doanh nghiệp bị gián đoạn, hàng hóa không thể lưu thông.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, tính riêng quý III/2021, toàn miền Tây chỉ có chưa đến 1.000 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng lao động cũng chỉ có 9,25 nghìn, giảm 64% so với năm ngoái.

Thực tế, doanh nghiệp hoạt động tại miền Tây chủ yếu tập trung vào những ngành nghề cơ bản, hiệu quả kinh doanh không cao, do đó tài sản tích lũy không có nhiều. Đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp không thể cầm chừng nếu không có những chính sách hỗ trợ.

Doanh nghiệp miền Tây chủ động đương đầu thách thức
Tình hình đăng ký doanh nghiệp Quý III/2021. Ảnh: VCCI.

Hiện tại, dịch bệnh đã đi qua thời kỳ đỉnh, các biện pháp giãn cách xã hội được loại bỏ, thay bằng quan điểm “sống chung an toàn với Covid-19”. Tuy nhiên, khó khăn vẫn tiếp tục bủa vây doanh nghiệp miền Tây.

Cụ thể, chi phí đầu vào tăng cao khiến sản xuất vẫn còn gặp khó khăn. Tình trạng thiếu hụt lao động vẫn tiếp diễn và chưa có dấu hiệu phục hồi. Bà Hương cho biết, tháng 11 và 12 là giai đoạn cao điểm để thực hiện các hợp đồng lớn dịp lễ cuối năm và tết nguyên đán, tuy nhiên chỉ số sử dụng lao động trên toàn vùng chỉ còn khoảng 75,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lao động thiếu hụt dẫn tới việc người dân mất đi thu nhập, khiến nhu cầu tiêu dùng cũng trở nên suy yếu. Đây là điểm yếu của quá trình phục hồi đối với doanh nghiệp.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Đồng Tâm Group, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An cho biết, trong bối cảnh hết sức khó khăn, doanh nghiệp tại Long An nói riêng cũng như toàn miền Tây nói chung đang nỗ lực và chủ động để vượt qua, từng bước nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng số hóa, vừa triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vừa tự tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, bố trí lao động luân phiên, phân khu doanh nghiệp... Tâm lý của người lao động cũng trở nên thoải mái hơn, “nhắc đến F0 không còn lo lắng nhiều nữa”.

Bà Hương cũng đánh giá cao tinh thần doanh nghiệp miền Tây. “Khảo sát của VCCI Cần Thơ cho thấy bức tranh chung là các doanh nhân rất chủ động để đương đầu với khó khăn, chủ động để tự cứu lấy mình. Đây là yếu tố quan trọng và là điều đáng quý”, đại diện VCCI tại miền Tây nhận xét.

Để doanh nghiệp vững tâm đương đầu thách thức

Đối với tình hình trước mắt, đại diện cho doanh nghiệp miền Tây, ông Thắng nhận xét, cần phải xác định sống chung lâu dài với dịch bệnh, do đó doanh nghiệp cần xác định lại thị trường và sắp xếp các mặt hàng, ngành hàng chủ lực.

Đánh giá cao tinh thần của cộng đồng doanh nghiệp miền Tây, bà Hương nhận định, cần phải tạo sự an tâm cho doanh nghiệp, đến từ những quan tâm về phía chính sách, đặc biệt là chính sách về an sinh xã hội và lực lượng lao động.

Một trong những điều cần phải lưu ý ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long là trong 5 năm gần đây, doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào những ngành có hiệu quả kinh doanh rất thấp, do đó rất khó có thể phục hồi.

Vì vậy, bên cạnh hỗ trợ về tài chính, rất cấp thiết phải có những hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo như quan điểm chỉ đạo của Nhà nước về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long, trong đó nhấn mạnh đến cơ sở hạ tầng liên kết vùng, bao gồm liên kết nội vùng và liên kết với khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ.

Đồng quan điểm với bà Hương, ông Thắng nhấn mạnh, hỗ trợ và đầu tư vào miền Tây cần nói đến “đầu tư vùng” thay vì tiến hành riêng lẻ. “Sự cố đợt giãn cách xã hội vừa qua cho thấy thiếu đi kết nối với Bình Dương, Đồng Nai hay TP.HCM, doanh nghiệp miền Tây gặp khó khăn rất nhiều”, ông Thắng cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An cũng đánh giá cao những quyết sách của chính quyền Long An trong thời gian qua, dù khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn đầu tư kết nối nội vùng và kết nối với TP.HCM. Nếu hoạt động đầu tư được tiến hành đồng bộ, mạnh mẽ, doanh nghiệp miền Tây không chỉ phục hồi mà còn hứa hẹn bứt phá trong tương lai.