Doanh nghiệp vật lộn với 'bão giá' và áp lực vốn

Hứa Phương - 16:39, 20/06/2022

TheLEADERNhu cầu trong nước và quốc tế tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp không dám ký đơn hàng lớn do thiếu vốn lưu động và phải ứng phó với “bão giá” nguyên liệu đầu vào.

Doanh nghiệp vật lộn với 'bão giá' và áp lực vốn
Nguyên liệu đầu vào đang tăng giá mạnh

Không dám ký đơn hàng lớn

Chi phí nguyên vật liệu, mặt bằng đều tăng khiến nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp rất lớn trong khi thực tế tiếp cận vốn vay hiện nay rất khó khăn.

Tại chương trình Cà phê Doanh nhân chủ đề "Giải pháp vốn cho doanh nghiệp giai đoạn phục hồi kinh tế", do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM cho biết, các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm đang vật lộn với "bão giá" nguyên liệu đầu vào. 

Giá nguyên liệu nhập từ nước ngoài đều tăng từ 20%-30%, trong khi giá xăng dầu trong nước cao kỷ lục, bà Chi than thở.

"Trước đây cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, tức là phải cần 150 tỷ đồng”, bà Chi nói.

Nếu các doanh nghiệp áp chi phí chắc chắn sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Do lương thực, thực phẩm là mặt hàng thiết yếu nên giá tăng sẽ ảnh hưởng sức mua và tác động tới lạm phát. Doanh nghiệp đang nỗ lực để duy trì mặt bằng giá bán.

Doanh nghiệp đang chờ đợi gói hỗ trợ lãi suất 2% nhưng theo bà Chi gói này triển khai rất chậm, từ tháng 1 đã có nghị định, thông tư nhưng đến nay tháng 6 mới bắt đầu cho vay được. "Tức là chính sách có độ trễ lớn", bà Chi nói.

Chính vì thiếu vốn nên khi các doanh nghiệp ở Mỹ, châu Âu đều đặt hàng thực phẩm từ bún, miến, mì ăn liền, thực phẩm chế biến… doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng vì nhận đơn hàng lớn nhưng đơn giá xuất khẩu không tăng trong khi chi phí đầu vào biến động quá nhanh và doanh nghiệp thiếu vốn để mua dự trữ nguyên liệu.

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch HUBA đặt vấn đề, trong giai đoạn phục hồi, doanh nghiệp không nhất thiết cần tiền mà cần thể chế, cơ chế, chính sách. Đơn cử như hàng trăm dự án bất động sản trên địa bàn TP.HCM đang bị tắc do pháp lý. Nếu gỡ được những dự án này thì GDP của thành phố sẽ tăng ngay 1%, bởi vì theo thống kê thì bất động sản có ảnh hưởng từ 35 đến 50 ngành nghề khác nhau.

Một số chính sách hỗ trợ vốn đang được triển khai còn khập khiễng. Đơn cử như nhà ở xã hội thì tập trung hỗ trợ cho người mua lên đến 90% còn chủ đầu tư chỉ 10%.

Điều này dẫn đến chủ đầu tư thiếu vốn, không thể xây dựng được nhà, còn người mua dù được hỗ trợ nhưng không có nhà để mua nên mới xảy ra tình trạng chỉ có 10 căn nhưng 100 người tranh mua. Do đó, ông Nghĩa gọi đây là chính sách “không khớp lệnh” giữa người mua và chủ đầu tư.

Gỡ vướng để dòng vốn vào sản xuất kinh doanh

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các cơ quan có trách nhiệm đang hoàn thiện chính sách, gỡ vướng để dòng vốn vào sản xuất kinh doanh.

Cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách có thời hạn hai năm. Quốc hội đã yêu cầu xác định rõ về dòng tiền, nguồn vốn 40.000 tỷ đồng để triển khai.

Gói hỗ trợ lãi suất này không đại trà mà chỉ có 13 ngành nghề được hỗ trợ. Doanh nghiệp đáp ứng được ba điều kiện mới được vay vốn là: không có nợ xấu, đáp ứng cơ bản điều kiện tín dụng của tổ chức tín dụng đặc biệt phải có khả năng phục hồi.

"Hiệu lực của gói hỗ trợ này từ ngày 1/1/2022, nên một số khoản đã vay rồi sẽ được phép hồi tố, truy soát lại nên các doanh nghiệp lưu ý làm việc với ngân hàng. Để triển khai gói hỗ trợ hiệu quả, Chính phủ phải vào cuộc với tinh thần tháo gỡ ngay lập tức những vướng mắc nhằm sớm giải ngân hiệu quả" ông Lực nói.

Liên quan đến thị trường trái phiếu, theo ông Lực thì Bộ Tài chính chuẩn bị trình Chính phủ sửa Nghị định 153 và 156.

Nghị định 153 sửa theo hướng để kiến tạo, phát triển thị trường trái phiếu chứ không làm thái quá, không làm chặt quá bởi vì đây là nguồn vốn trung và dài hạn. Còn Nghị định 156 sửa theo hướng xử phạt nặng hơn đối với các doanh nghiệp vi phạm, bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính có thể phát hành được trái phiếu.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết trong 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã ngồi lại với các doanh nghiệp để kết nối, tháo gỡ vướng mắc.

TP.HCM cũng sẽ tập trung gỡ thật nhanh những vướng mắc chính để dòng vốn lưu thông được vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.