Doanh thu của Masan Group vượt 35.000 tỷ đồng sau 6 tháng

Lam Giang - 16:22, 30/07/2020

TheLEADERHệ thống Vinmart đóng góp khoảng 45% doanh thu của Masan Group, trong khi các sản phẩm của Masan Consumer tiếp tục tăng trưởng gần 30% đóng góp hơn 10.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan vừa công bố đạt 17.766 tỷ đồng doanh thu trong quý II, nâng tổng doanh thu thuần hợp nhất vào nửa đầu năm 2020 lên 35.404 tỷ đồng, tăng gấp đôi so nửa đầu năm 2019. Tăng trưởng doanh thu hợp nhất của Masan chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số tại The CrownX (bao gồm Masan Consumer Holdings và VinCommerce).

Được giới thiệu ngay trước Đại hội cổ đông mới đây của Masan, The CrownX là nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp, có sứ mệnh thúc đẩy quá trình hiện đại hóa lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam, dựa trên các sản phẩm đột phá, các phát kiến đa dạng và mạng lưới điểm bán lớn nhất trên cả nước.

Trong giai đoạn đầu, trọng tâm của The CrownX là xây dựng nền tảng phục vụ các mặt hàng nhu yếu phẩm có khả năng mở rộng quy mô. Đây sẽ là cơ sở để The CrownX phát triển hệ sinh thái các “point of life” kết hợp xuyên suốt online và offline, phục vụ tốt hơn nữa các nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng như nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và giải trí.

The CrownX đạt doanh thu 12.592 tỷ đồng trong Quý 2/2020 và 25.848 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2020, tỉ lệ tăng trưởng lần lượt là 20,5% và 26,8%. Biên EBITDA nửa đầu năm 2020 tăng trưởng lên mức 4,9%, so với mức 3,9% ở cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn Masan cũng đã hoàn tất mua thêm 12,6% cổ phần của The CrownX với tổng giá trị tiền mặt là 862 triệu USD trong quý II để nắm quyền kiểm soát nền tảng này.

Doanh thu của Masan Group vượt 35.000 tỷ đồng sau 6 tháng
Cấu trúc doanh thu và lãi gộp của Masan Group

Cùng với The CrownX, mảng kinh doanh thịt của Masan MEATLife (“MML”) tiếp tục mở rộng quy mô và cải thiện hiệu quả vận hành. Riêng doanh thu từ thịt của Masan MEATLife đạt 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2020 với đà tăng trưởng 32,7% so với quý đầu năm nhờ mở rộng mạng lưới phân phối và ra mắt các sản phẩm thịt mát chế biến.

Hiện nay, 40% lượng thịt của Masan MEATLife được thu mua từ các bên thứ ba đáp ứng yêu cầu chất lượng và theo giá thị trường, điều này khiến lợi nhuận bị ảnh hưởng do giá heo hơi hiện nay đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty tin tưởng rằng giá heo hơi sẽ quay trở lại mức bình thường trong 6-12 tháng tới khi tổng đàn heo đã tăng 30% vào tháng 4/2020 so với tháng 12/2019.

Giá heo hơi cao thúc đẩy việc tái đàn diễn ra nhanh chóng mang đến những triển vọng tích cực cho phân khúc thức ăn chăn nuôi của công ty dù doanh thu thức ăn gia súc tiếp tục giảm 15,8% trong quý 2/2020 do dịch ASF.

Trong khi đó, Masan High-Tech Materials (“MHT”), trước đây là Masan Resources là mảng kinh doanh bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp đóng cửa nền kinh tế toàn cầu do đại dịch COVID-19.

Doanh thu thuần quý 2/2020 của Masan High-Tech Materials được duy trì so với quý 2/2019 với đóng góp doanh thu 1 tháng (486 tỷ đồng) từ thỏa thuận sáp nhập nền tảng kinh doanh vonfram toàn cầu của H. C. Starck (“HCS”).

Dự kiến trong nửa cuối năm 2020 sẽ là hoàn tất việc tích hợp, phát triển chuỗi cung ứng và mô hình bán hàng để tạo ra nguồn tiền bền vững qua các chu kỳ giá vonfram. Ban lãnh đạo công ty dự kiến các kết quả sẽ rõ nét hơn, chậm nhất là trong quý 4/2020 và quý 1/2021.

Nhờ vào tăng trưởng EBITDA của Masan Consumer Holdings là 24,1% trong nửa đầu năm 2020, lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông của Tập đoàn Masan đạt 195 tỷ đồng vào quý 2/2020 và 117 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2020 dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, lợi nhuận của Masan trong nửa đầu năm nay được hỗ trợ bởi đóng góp cao hơn từ Techcombank sau khi ngân hàng này đạt 6.738 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, so với mức 5.662 tỷ đồng vào nửa đầu năm 2019.