Doanh thu dự án PPP vì sao không như dự tính

Phương Anh - 15:29, 14/11/2023

TheLEADERNguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đa số là vay với lãi suất cao nên đòi hỏi dự án cần có lợi nhuận lớn thì mới có thể trả được mức lãi suất cao như vậy.

Bộ Kế hoạch và đầu tư trong báo cáo về các dự án theo phương thức hợp tác công – tư (PPP) tại Việt Nam cho biết, từ năm 2015 trở đi, số lượng các dự án PPP không nhiều và chủ yếu vẫn là các dự án lĩnh vực giao thông.

Tuy vậy, từ năm 2016, việc đầu tư vào lĩnh vực giao thông thông qua phương thức PPP có dấu hiệu chững lại. Các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc lựa chọn nhà đầu tư đều bị dừng triển khai, hoặc không lựa chọn được nhà đầu tư, hoặc đàm phán hợp đồng thất bại, hoặc không thu xếp được vốn theo đúng hạn.

Đơn cử, các dự án trên tuyến cao tốc Bắc Nam dự kiến được đầu tư theo phương thức PPP đã phải chuyển sang đầu tư công. Nguyên nhân là nhiều doanh nghiệp có năng lực không còn hào hứng thực hiện các dự án này.

Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn thực hiện thì hầu như không thể tiếp cận được tín dụng.

Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong báo cáo mới nhất về đầu tư theo phương thức PPP cho biết, một số doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá các dự án giao thông được đầu tư theo phương thức này đều có thời gian xây dựng tương đối nhanh, không bị chậm tiến độ như đầu tư công, chất lượng công trình được đánh giá tốt.

Tuy nhiên, nhiều dự án không đạt được kết quả doanh thu như kỳ vọng.

Theo Bộ Giao thông vận tải, có 49 trong tổng số 72 dự án đầu tư theo phương thức PPP do bộ này quản lý (gần 70%) có doanh thu thấp hơn dự kiến, mức doanh thu trung bình chỉ đạt từ 50 – 80% dự toán.

Thậm chí, có bốn dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu phí tại các trạm, một số dự án chỉ thu được 13 – 15% dự toán.

Theo báo cáo của VCCI, các ý kiến tham gia khảo sát đều đồng ý có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm doanh thu so với dự kiến, có thể kể đến là dịch bệnh Covid làm giảm lưu lượng xe, xuất hiện các đường song song hoặc đường tránh qua trạm thu phí.

Một phần nguyên nhân là do phương án tài chính ban đầu quá lạc quan.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc miễn giảm giá vé cho người dân địa phương cũng phần nào ảnh hưởng đến doanh thu, hay một số dự án chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thu phí hoặc yêu cầu dừng thu phí.

Ngoài ra, mức giá không được tăng theo lộ trình của hợp đồng cùng tình trạng người dân phản đối gây ách tắc phải xả trạm vẫn diễn ra ở một số nơi cũng là lý do dẫn tới tình trạng giảm doanh thu so với dự kiến trong các dự án PPP.

Tại phiên chất vấn của Quốc hội đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân của tình trạng chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án PPP giao thông trước hết đến từ tình hình kinh tế trong nước và quốc tế gặp khó khăn kéo dài, doanh nghiệp rơi vào cuộc khủng hoảng lớn, cạn nguồn lực.

Trong khi đó, lợi nhuận mang lại từ việc đầu tư các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông không cao, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khác để đầu tư.

Không chỉ vậy, đầu tư các dự án PPP lợi nhuận không cao nhưng lại có nhiều rủi ro.

Đơn cử, nhà đầu tư thu hồi vốn trên lưu lượng xe nhưng các dự án lại có lưu lượng phân bổ không đồng đều nên có nhiều bất lợi. Cả nước hiện có khoảng 5,2 triệu xe ô tô nhưng chỉ tập trung nhiều tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành.

Ngoài ra, quy định tỷ lệ tham gia vốn nhà nước chỉ được tối đa 50% vào các dự án PPP hạ tầng giao thông cũng chưa hấp dẫn. Lý do là bởi thực tế tại nhiều dự án, chi phí dành cho giải phóng mặt bằng rất lớn nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều.

Kỳ vọng thời gian tới

Theo VCCI, một thực tế được nhiều doanh nghiệp tham gia phỏng vấn chỉ ra là giai đoạn trước 2015, các nhà đầu tư các dự án PPP giao thông chủ yếu có xuất phát điểm là các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông.

Đây là những doanh nghiệp có năng lực rất tốt về xây dựng nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển dự án và tài chính.

Thời gian gần đây, các doanh nghiệp này dần dần chuyển dịch theo hướng kinh doanh đa ngành hơn và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phát triển dự án, quản trị tài chính.

Đồng thời, một số doanh nghiệp khác có xuất phát điểm là nhà đầu tư phát triển dự án đã bắt đầu tiếp cận thị trường này.

Điều này được kỳ vọng sẽ giúp cho lĩnh vực đầu tư hạ tầng công trình giao thông trở nên bài bản hơn, bền vững hơn, ít rủi ro hơn.

Chờ tương lai sáng hơn cho các dự án PPP 2
Sự tham gia của đội ngũ nhân sự có năng lực hơn và nhiều kinh nghiệm hơn trong triển khai các dự án PPP được kỳ vọng sẽ giúp những dự án này đạt được thành quả đáng kể. Ảnh: Hoàng Anh

VCCI nhận định, các nhà đầu tư xuất phát từ doanh nghiệp xây dựng thường có năng lực tốt hơn trong việc thực hiện các dự án khó về mặt kỹ thuật và thường có xu hướng thiết kế dự án tập trung nhiều vào yếu tố xây dựng.

Đây có thể là một phần nguyên nhân lý giải cho thực tế là nhiều dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông thời gian qua có thiết kế xây dựng vượt trội so với dự án đầu tư công.

Theo VCCI, các nhà đầu tư xuất phát từ các nhà phát triển dự án và tài chính lại thường có năng lực thiết kế dự án sao cho tối đa hoá lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và đặc biệt là khả năng huy động vốn.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp phát triển dự án thực hiện dự án giao thông với tư cách một phần trong hệ sinh thái kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, dự án hạ tầng giao thông gần với các dự án bất động sản, dự án du lịch nghỉ dưỡng hoặc các khu công nghiệp lớn.

Các dự án giao thông khi đó không chỉ mang lại doanh thu thu phí sử dụng đường bộ, mà còn có ý nghĩa mang lại ngoại ứng tốt cho các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp đó.

Điều này khiến cho nhà đầu tư tận dụng được thêm các giá trị gia tăng của dự án công trình giao thông.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông đa số là nguồn vốn vay từ các ngân hàng trong nước. Đây là đặc điểm khác biệt so với lĩnh vực điện lực khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ nước ngoài.

Vốn đầu tư trong nước có lợi thế là không chịu rủi ro về tỷ giá nhưng thường có nhược điểm là lãi suất trung bình cao hơn. Do đó, đòi hỏi dự án cần có lợi nhuận lớn thì mới có thể đáp ứng được mức lãi suất cao như vậy.