Dời trạm BOT Cai Lậy có khả thi?

10:45, 04/12/2017

TheLEADERViệc tài xế dùng tiền lẻ nhằm gây áp lực để di dời trạm thu giá về tuyến tránh khiến trạm BOT Cai Lậy nhiều lần rơi vào cảnh hỗn loạn. Có nên dời trạm thu giá và việc dời trạm có khả thi?

Dời trạm BOT Cai Lậy có khả thi?
Tài xế cố tình dùng chiêu trả tiền lẻ nhằm gây ách tắc giao thông tại trạm thu giá BOT Cai Lậy - Ảnh: Lê Lối

Đặt trạm thu giá BOT Cai Lậy trên QL1 đúng hay sai?

Để trả lời câu hỏi trên, cần căn cứ trên các quy định của pháp luật thời điểm triển khai dự án, cũng như trình tự thủ tục và quá trình thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư.

Theo hồ sơ dự án, tại Quyết định 1327 ngày 24/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng các tuyến tránh QL1 cần thiết tại các đô thị. 

Tiếp đó, ngày 21/1/2011, trong Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.

Triển khai thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng và nguy cơ mất ATGT của tuyến QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy), Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy. 

Dự án được nghiên cứu đầu tư trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước rất khó khăn, đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, hàng trăm công trình giao thông trên cả nước đã phải đình hoãn, giãn tiến độ. Bởi thế, đến năm 2013 vẫn không thể bố trí vốn ngân sách để triển khai, nên Bộ GTVT phải tạm dừng việc lập dự án đầu tư.

Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không thể cân đối, trong khi theo quy định của Nghị định 18/2012 của Chính phủ, nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ được sử dụng cho công tác bảo trì, không sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản như nâng cấp mặt đường, trong khi tuyến QL1 qua Tiền Giang ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất an toàn giao thông và bức xúc lớn cho người dân khi tham gia giao thông. 

Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về hình thức đầu tư và giới thiệu nhà đầu tư BOT tại Văn bản 3901 ngày 30/8/2013, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Văn bản 9947 ngày 20/9/2013) và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT tại Văn bản 1908 ngày 11/11/2013.

Sau khi nhận được văn bản lấy ý kiến về phương án đầu tư và vị trí đặt trạm thu phí của dự án BOT QL1 qua thị trấn Cai Lậy, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang đều có văn bản (UBND tỉnh Tiền Giang: Văn bản 5090 ngày 4/11/2013; HĐND tỉnh Tiền Giang: Văn bản 44 ngày 4/11/2013; Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang: Văn bản 379 ngày 6/11/2013) thống nhất với Bộ GTVT chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 theo hình thức BOT và vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn trên QL1.

Trên cơ sở đó, ngày 19/12/2013, Bộ GTVT đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX. Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 tại Văn bản 4173. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 1.398 tỷ đồng, với tổng chiều dài 38,5km, gồm hai hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Xây dựng tuyến tránh TX. Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu (trong quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).

Trước khi chọn phương án trên, tư vấn cũng đưa ra một phương án khác là chỉ đầu tư mở rộng QL1 qua TX. Cai Lậy và sẽ đặt trạm BOT trên QL1 như các dự án BOT trên QL1 hiện nay. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì tổng mức đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng (do phải giải phóng hàng trăm hộ dân), dù có nâng cấp mở rộng thì tốc độ xe qua khu vực đô thị vẫn bị giới hạn thấp hơn so với làm tuyến tránh. Như vậy sẽ không giải quyết được ùn tắc giao thông.

“Quá trình triển khai dự án tuân thủ pháp luật, quy hoạch được duyệt, chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của địa phương, Bộ Tài chính”, lãnh đạo Vụ PPP nói.

Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dự án vừa được Thanh tra Bộ KH&ĐT thanh tra và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại Kết luận 475 ngày 29/9/2017. Các kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT và Kiểm toán Nhà nước đều đánh giá dự án triển khai đảm bảo quy định của pháp luật. Như vậy, không có chuyện đặt trạm BOT Cai Lậy trên QL1 là sai.

Nhà nước mua lại được không?

Trao đổi với Báo Giao thông, một luật sư chia sẻ: Khi dự án triển khai đúng quy định pháp luật, có nghĩa cơ quan quản lý không sai, nhà đầu tư không vi phạm. Khi đó, chỉ có thể xem xét lại quy định pháp luật có hợp lý hay không. 

Nhưng ngay cả việc xem xét lại các quy định này, thì không có nghĩa chính quyền được phép hồi tố. Trường hợp này, chỉ còn một giải pháp là Nhà nước bỏ tiền ngân sách mua lại của nhà đầu tư, nếu không muốn bị kiện”.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, dự án BOT Cai Lậy triển khai đúng quy trình, quy định của Nhà nước và không vi phạm các căn cứ pháp lý. Tuy nhiên, khi công trình tiến hành thu phí hoàn vốn gây bức xúc cho người dân, chứng tỏ các quy định của pháp luật cũng còn một số bất cập và cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế. Bây giờ, trạm BOT Cai Lậy cứ tắc lại xả, xả xong rồi thu chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết tận gốc vấn đề.

“Bộ GTVT nghiên cứu, tính toán 3 giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này: Thứ nhất, Bộ GTVT xem xét, kiến nghị Chính phủ dùng ngân sách mua lại dự án từ nhà đầu tư. Thứ hai, Bộ GTVT và nhà đầu tư di dời trạm Cai Lậy về đường tránh để người dân có sự lựa chọn và tiến hành cấm một số loại phương tiện di chuyển trên QL1 qua TX Cai Lậy. Cuối cùng, giữ nguyên trạm thu phí tại vị trí hiện nay và tiếp tục xem xét giảm giá”, ông Thanh đề xuất.

Tuy nhiên trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, không chỉ Cai Lậy, hiện trên QL1 có 7 trạm thu phí khác tương tự như Cai Lậy, nếu mua lại thì phải mua cả 7 trạm, ước tính khoảng 8.500 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, đề xuất này không khả thi. Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng phương án di dời Trạm thu giá Cai Lậy và 7 trạm thu giá này vào tuyến tránh. Tuy nhiên, khi di dời phương án tài chính không còn khả thi, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng sẽ thành nợ xấu và Nhà nước phải mua lại toàn bộ dự án. 

Còn phương án di dời trạm BOT Cai Lậy vào tuyến tránh, sau đó cấm một số loại phương tiện di chuyển trên QL1 cũng không thể thực hiện vì nhiều xe phải chở vật liệu, hàng hóa,... vào trong TX. Cai Lậy nên không thể cấm được.

Liên quan đến mức giá vé của trạm BOT Cai Lậy, đại diện Vụ PPP cho biết, được xây dựng trên cơ sở khung mức giá quy định tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính, tương đồng với các dự án BOT khác trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. 

Để tránh hệ lụy xấu phá vỡ phương án tài chính của dự án do không được thu giá hoàn vốn, đồng thời chia sẻ với người dân và lái xe, Bộ GTVT đã phối hợp với tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư thống nhất giảm giá dịch vụ khoảng 30% cho tất cả phương tiện. Đồng thời, Bộ GTVT, tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cũng thống nhất miễn giảm cho chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực xung quanh trạm thu giá.