Đơn giản hóa khái niệm kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 10:05, 30/06/2022

TheLEADERTheo TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), khái niệm kinh tế tuần hoàn cần được đơn giản hóa để tất cả các bên đều có thể hiểu được và sẵn sàng tham gia vào.

TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng ban kinh tế tài nguyên và môi trường, ISPONRE, kể lại câu chuyện về một doanh nghiệp sản xuất túi xách, được tham gia tham vấn với các chuyên gia đến từ ISPONRE và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).

Có quy mô rất nhỏ, khâu sản xuất đơn giản, doanh nghiệp rất băn khoăn về việc liệu có thể làm gì để tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn. Ông Mạnh cùng đội ngũ chuyên gia đã đưa ra 2 hướng giải pháp cho doanh nghiệp này, bao gồm tìm cách thu gom lại túi xách đã qua sử dụng hoặc thiết kế thêm nhiều tính năng cho túi để có thể tái sử dụng lâu dài.

Làm được những điều đơn giản đó là doanh nghiệp đã trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn. Rõ ràng, kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh một cách linh hoạt và phù hợp với điều kiện thực tế, chứ không phải điều gì đó xa vời hay “đao to búa lớn”.

Định nghĩa thế nào cho kinh tế tuần hoàn?

Xuất hiện ở Việt Nam cách đây khoảng 6, 7 năm, khái niệm kinh tế tuần hoàn đang không ngừng được đội ngũ chuyên gia, hoạch định chính sách cũng như cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu, làm rõ, tìm ra hướng đi phù hợp ứng dụng vào thực tiễn.

Đến nay, kinh tế tuần hoàn được chấp nhận rộng rãi là một giải pháp giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và đảm bảo lợi ích cho cộng đồng, môi trường. Kinh tế tuần hoàn được khẳng định sẽ trở thành tương lai của nền kinh tế, mở ra cơ hội kinh tế trị giá hàng tỷ USD cho tất cả các bên liên quan.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đơn vị chưa thực sự hiểu rõ khái niệm kinh tế tuần hoàn. Nhiều quan điểm cho rằng, kinh tế tuần hoàn gắn với tái chế, quản lý rác thải, do đó chỉ phù hợp với doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định.

Phát biểu tại Thảo luận chuyên đề thuộc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, theo ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm quan hệ đối tác Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), kinh tế tuần hoàn không chỉ gói gọn trong suy nghĩ truyền thống là tái chế, tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng mà cần được hiểu rộng ra là việc thay đổi cơ cấu, thiết kế sản xuất và tiêu dùng.

Kinh tế tuần hoàn khó có thể định nghĩa một cách chính xác mà tùy thuộc vào cách tiếp cận của mỗi doanh nghiệp, mỗi chính phủ. Tùy thuộc vào quy mô, điều kiện cũng như đặc thù của mỗi đơn vị, có thể áp dụng kinh tế tuần hoàn một cách linh hoạt.

Nếu hiểu kinh tế tuần hoàn theo cách như vậy, không chỉ doanh nghiệp mà cả các hộ sản xuất, kinh doanh gia đình hay từng cá nhân cũng có thể trở thành một mắt xích quan trọng cho kinh tế tuần hoàn, giống như ví dụ về doanh nghiệp nhỏ sản xuất túi xách nêu trên.

Trong thực tế, khu vực tư nhân đã có rất nhiều hoạt động hướng tới kinh tế tuần hoàn, ngay từ trước khi có những nội dung về kinh tế tuần hoàn được luật hóa, có thể kể đến như Sáng kiến Việt Nam Tái chế; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam)…

Thậm chí, có những mô hình kinh tế theo hướng tuần hoàn đã xuất hiện và tạo ra giá trị từ trước khi khái niệm kinh tế tuần hoàn được đưa vào Việt Nam, đó là những hệ thống đặt cọc – hoàn trả vỏ chai thủy tinh; hệ sinh thái thu gom, tái chế rác thải phi chính thức; mô hình vườn – ao – chuồng.

Đây cũng là lý do Nghị định 08/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định khuyến khích các doanh nghiệp, dự án đầu tư áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn sớm hơn lộ trình, kế hoạch quốc gia.

Rõ ràng, sự tiên phong của khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Để khuyến khích sự tiên phong này, ông Mạnh đề xuất, cần phải đơn giản hóa khái niệm về kinh tế tuần hoàn sao cho dễ hiểu đối với tất cả các bên liên quan. Từ sự thấu hiểu đó, việc tìm ra mô hình ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào thực tế sẽ trở nên linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, cũng cần phải cụ thể hóa hơn nữa những quy định về kinh tế tuần hoàn. Thực tế, một tiêu chí chung về kinh tế tuần hoàn cho tất cả các ngành là điều không khả thi, vì vậy ông Mạnh đề nghị các bộ, ngành có thể xây dựng tiêu chí riêng cho các lĩnh vực, lấy đó làm căn cứ xác nhận đâu là mô hình tuần hoàn đúng nghĩa và hiệu quả, từ đó có các chính sách khuyến khích phù hợp.