Mô hình cà phê tuần hoàn và bí quyết bền vững của Nestlé Việt Nam

Phạm Sơn - 10:41, 29/06/2022

TheLEADERCanh tác và sản xuất cà phê theo mô hình kinh tế tuần hoàn giúp Nestlé Việt Nam giảm 13 nghìn tấn phát thải carbon mỗi năm.

Mô hình cà phê tuần hoàn và bí quyết bền vững của Nestlé Việt Nam
Nescafé Plan giúp hàng ngàn nông hộ Tây Nguyên canh tác cà phê bền vững. Ảnh: VGP.

Dù là giống cây trồng được du nhập từ nước ngoài nhưng cà phê từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống của bà con nông dân, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên. Thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu thuận lợi, cà phê Việt Nam có sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Đem lại thu nhập cho người dân nhưng canh tác cà phê cũng là nguyên nhân cho nhiều hệ lụy về môi trường sống. Đó là sự tiêu tốn nước ngầm để tưới cho cây, sự xói mòn, bạc màu của đất, hay dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phát sinh ra môi trường. Cũng bởi chính những hiện tượng này, năng suất cây cà phê thường bị giảm dần theo thời gian, đe dọa tới sinh kế của bà con.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày xưa. Hiện nay, nhiều nông hộ tại Tây Nguyên đã biết cách xen canh cây cà phê, biết cách sử dụng chế phẩm sinh học làm từ chính phụ phẩm cà phê để chăm sóc cây, biết cách cân đối lượng nước tưới tiêu thích hợp. Đó là nhờ vào chương trình Nescafé Plan, một sáng kiến do Nestlé phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện từ năm 2011.

Trao đổi tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2022, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam, cho biết, Nescafé Plan đã giúp tái canh 53 nghìn héc ta cây cà phê già cỗi, tương ứng với 53 triệu cây non được Nestlé tài trợ. Việc xen canh cây cà phê, tưới tiêu và bón phân hợp lý giúp vườn cà phê nâng cao năng suất, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chất lượng hạt cà phê cũng từ đó được nâng cao, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra 25 thị trường lớn trên thế giới, bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu…

Mô hình cà phê tuần hoàn và bí quyết bền vững của Nestlé Việt Nam
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Nestlé Việt Nam

Hạt cà phê chất lượng cao từ quá trình canh tác bền vững tiếp tục được Nestlé chế biến theo quy trình tuần hoàn tại nhà máy ở Đồng Nai, với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD. Đây cũng là nhà máy thứ 2 của Nestlé trên thế giới sở hữu công nghệ sản xuất cà phê tách cafein.

Tại nhà máy, những phụ phẩm của cà phê được tận dụng triệt để. Cụ thể, bã cà phê được nén làm viên đốt sinh khối; cát thải dùng làm gạch không nung; bùn thải cà phê được chế biến thành phân vi sinh; nước thải được lọc và tái sử dụng cho lò hơi…

Theo ông Hưng, quy trình kinh tế tuần hoàn cho hạt cà phê của Nestlé giúp công ty cắt giảm 13 nghìn tấn khí thải carbon mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất. Tính riêng việc sử dụng nhiên liệu sinh khối, công ty tiết kiệm được khoảng 40 – 50 tỷ đồng mỗi năm chi phí năng lượng.

Quan trọng hơn cả là hầu như 100% phụ phẩm cà phê đều được sử dụng để tạo ra giá trị, tránh xả ra môi trường. Tỷ lệ tái sử dụng nước thải cũng được đến 65%, chủ yếu thất thoát do bay hơi.

“Đây là những bước đi đầu tiên hướng tới cam kết phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 của tập đoàn”, đại diện Nestlé cho biết.

Hợp tác để tuần hoàn

Nói về mô hình kinh tế tuần hoàn đối với cà phê của Nestlé, theo ông Hưng, đây là điển hình về sự kết nối, hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và cả người dân.

Theo đó, Nestlé Việt Nam có chuyên môn cao về chế biến F&B, do đó tập trung vào việc làm thế nào sản xuất ra những sản phẩm cà phê bột, cà phê hòa tan, cà phê đóng lon chất lượng tuyệt hảo nhất. Những khâu còn lại trong mô hình tuần hoàn như làm gạch không nung, chế biến chế phẩm sinh học… đều được thực hiện bởi những đối tác là doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực.

Để có sự chung tay từ phía người nông dân, Nestlé Việt Nam phải tìm kiếm cách tiếp cận sao cho dễ hiểu, dễ áp dụng, đặc biệt khi người nông dân canh tác cà phê thường có độ tuổi khá cao. Những việc tưởng chừng phức tạp như đo độ ẩm của đất, đo lượng nước mưa để căn chỉnh nước tưới, Nestlé hướng dẫn bà con làm theo cách đơn giản nhất, chỉ với những chai nhựa, vỏ lon sữa đã qua sử dụng.

Thực tế, không chỉ với hạt cà phê, Nestlé còn liên kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cho bao bì, với sáng kiến Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam).

Hướng đến mục tiêu chung của PRO Việt Nam là tái chế 100% bao bì vào năm 2050, Nestlé Việt Nam tiên phong triển khai một số giải pháp như sử dụng ống hút giấy thay cho ống hút nhựa; loại bỏ màng co nắp chai; thiết kế để nắp chai vẫn dính vào chai sau khi mở…

Bên cạnh đó, thừa nhận ý thức của người tiêu dùng là rào cản lớn nhất đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, Nestlé Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục hướng đến thay đổi nhận thức người tiêu dùng, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên là những chủ nhân tương lai của đất nước.

Chi phí là một yếu tố được quan tâm hàng đầu khi chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông Hưng, doanh nghiệp cần cân đối chi phí để tránh gây ảnh hưởng quá lớn tới năng lực cạnh tranh, do đó có thể tiến hành chuyển đổi mô hình theo từng bước. Điều quan trọng là doanh nghiệp, tổ chức phải có sự quyết tâm, phải bắt tay vào hành động thay vì chỉ đưa ra chiến lược “trên giấy”.