Động thái của Fed sắp tới áp lực gì lên Việt Nam?

Mai Trang - 11:53, 20/01/2022

TheLEADERVới những diễn biến trên thị trường hiện nay, dự báo lãi suất tại Việt Nam sẽ ít khả năng tăng trở lại, đồng nội tệ mất giá nhẹ.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên chính sách công tại Fulbright Việt Nam, định hướng chính sách của các nền kinh tế lớn đã rõ, sẽ đổi chiều từ nới lỏng sang trung tính, cuối cùng là thu hẹp dù diễn biến dịch ra sao.

Về tài khóa, các chính phủ cũng sẽ chỉ tiếp tục các gói an sinh xã hội thay vì kích cầu gói mới vì đã hết dư địa. Về tiền tệ, một số nền kinh tế mới nổi đã phải nâng lãi suất, đặc biệt là các nước yếu về cán cân thanh toán quốc tế, chịu áp lực tỷ giá.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) tính đến tháng 10/2021 đã mua vào tổng 4.500 tỷ USD, nâng mức tổng tài sản lên 9.000 tỷ USD. Sau đó, Fed tiến hành bơm tiền trước áp lực lạm phát và kể từ đầu năm nay, lượng đẩy ra thị trường giảm và dự kiến sẽ dừng lại.

Khi kết thúc bơm tiền, lãi suất sẽ tăng trở lại, và thị trường phán đoán sau tháng 3 Fed sẽ tăng khoảng 0,25%. Không ít dự báo cho rằng trong năm nay, Fed sẽ có tối thiểu ba lần nâng lãi suất, và thậm chí có thể xuất hiện lần thứ 4.

Biên bản họp giữa tháng 12 vừa qua thậm chí cho thấy động thái chưa có tiền lệ khi có ý kiến tính đến việc Fed hút tiền về, nếu như lạm phát của Mỹ không có khả năng suy giảm.

Dù vậy, theo ông Thành, khả năng cao Fed sẽ chỉ ngưng bơm tiền, tăng lãi suất, và thị trường tài chính vẫn sẽ có khả năng chịu đựng. Với kịch bản này, Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng về tỷ giá cũng như lãi suất, không cần điều chỉnh tăng lãi suất.

“Việt Nam tốt hơn nhiều các thị trường mới nổi khác là dòng vốn không bị đảo chiều khi Fed tăng lãi suất. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng có thể mở cửa, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp”, ông nhấn mạnh tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2022 – phục hồi kinh tế sau khủng hoảng Covid-19” của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Với kịch bản xấu – lạm phát tăng cao, áp lực Fed vừa tăng lãi suất, vừa phải hút tiền về, giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo.

“Điều kiện vĩ mô có tốt đến đâu, hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản này xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng”, ông Thành nhận định.

Đồng ý kiến, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế vĩ mô, kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), với xu hướng chung của thế giới hiện nay, lãi suất của Việt Nam trong năm 2022 sẽ giữ ở mức ổn định, khó xảy ra kịch bản tăng.

Về tỷ giá, đồng Việt Nam có thể sẽ mất giá đôi chút 1 – 2%, nhưng tác động không nhiều do trong năm qua, đồng nội tệ đã đắt hơn.

Đơn cử, nếu Mỹ tăng lãi suất ba lần trong năm nay, mức cơ bản vẫn ở rất thấp, khoảng 1% từ ngưỡng 0,25%. Do vậy, với quan điểm chính sách hiện nay – cố gắng hạ lãi suất hơn, hoặc duy trì lãi suất, “Việt Nam chấp nhận sẵn sàng mất tỷ giá một chút. Tôi cho rằng đây cũng là điều có lợi cho kinh tế Việt Nam”.

Theo đó, các nhà điều hành sẽ cung cấp thanh khoản cho hệ thống, đảm bảo các doanh nghiệp trong nền kinh tế có khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ trong điều kiện tiếp tục tồn tại và sản xuất kinh doanh.

Nhận định này được vị chuyên gia đưa ra trong sự kiện “Những xu thế kinh tế - chính trị lớn của năm 2022” do VESS tổ chức.

Giữa tháng 9 năm ngoái, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, từng đánh giá VND có thể đứng trước áp lực đối diện với một đồng bạc xanh mạnh hơn trên thị trường quốc tệ và đồng Nhân dân tệ suy yếu hơn.

Trong năm 2021, VND đã vượt qua nhiều yếu tố bất lợi như những lo ngại về ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến đà tăng trưởng chậm lại, cán cân thương mại thâm hụt và sự khác biệt chính sách tiền tệ với Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Tuy nhiên, những vấn đề này có thể trở nên nổi cộm hơn vào năm 2022, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Thế Anh, những chuyển động kinh tế trong và ngoài nước sắp tới sẽ tác động không nhiều tới Việt Nam, thẩm thấu dần vào nền kinh tế thông qua tỷ giá thay vì lãi suất trong năm 2022.

Trên thực tế, chính sách của Việt Nam đang cho thấy độ trễ so với thế giới. Trong hai năm Covid-19 vừa qua, nới lỏng tiền tệ diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt tại các nước phát triển, nhưng hiện Việt Nam mới bắt đầu đưa các gói kích thích vào chương trình nghị sự với quy mô lớn hơn rất nhiều so với độ rời rạc, chậm trễ trước đây.

Trong khi đó, thế giới đã cho thấy nhiều dấu hiệu và hành động thu hẹp trở lại, đặc biệt là chính sách tiền tệ khi nguy cơ lạm phát cùng bong bóng tăng giá tài sản xuất hiện.

“Việt Nam kích thích vào thời điểm này có thể đẩy nền kinh tế vào rủi ro lạm phát cao hơn. Chỉ số CPI chỉ là một phần trong nới lỏng tiền tệ, và cần phải nhìn cả thị trường tài sản”, ông Thế Anh phân tích.