Du lịch Việt Nam đang ở đâu để cất cánh?

Giang Sơn - 09:08, 08/01/2020

TheLEADERÔng Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group trao đổi về triển vọng tăng trưởng của du lịch Việt Nam 2020 và những nút thắt cần tháo gỡ.

Du lịch tiếp tục có một năm bứt phá khi đón tới 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019. Ông có ấn tượng với con số kỷ lục này không?

Ông Phạm Hà: Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, khách quốc tế đến từ châu Á đạt 14,38 triệu lượt người, chiếm 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước.

Khách đến từ châu Âu đạt 2,1 triệu lượt người, tăng 6,4% so với năm 2018. Khách đến từ châu Mỹ đạt 973,8 nghìn lượt người, tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc đạt 432,4 nghìn lượt người, giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi đạt 48 nghìn lượt người, tăng 12,2%.

Nhìn vào con số 18 triệu lượt có tới 14,38 triệu đến từ thị trường châu Á chiếm gần 80%; chỉ 2,1 triệu đến từ châu Âu, tăng 6,4% so với 2018; vỏn vẹn 973.800 lượt đến từ châu Mỹ, tăng 7,7% và 432.400 lượt từ châu Úc. Rõ ràng, cơ cấu nguồn khách rất ko cân đối, quá chênh lệch, nhất là từ châu Âu, Mỹ, Úc và châu Á.

Ai cũng biết, thị trường khách Trung Quốc kém chất lượng như thế nào, chưa kể phần lớn nhập cảnh vào Việt Nam với các mục đích làm ăn hoặc buôn bán qua cửa khẩu, thuần tuý du lịch rất ít.

Du lịch Việt Nam đang ở đâu để cất cánh?
Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group

Còn khách Hàn Quốc, phần đông là người Hàn sinh sống ở Việt Nam xuất nhập cảnh ra vào. Nếu là khách du lịch, cũng không tới lượt các công ty Việt Nam tiếp nhận và phục vụ. Tình trạng này giống hệt với khách Trung Quốc.

Như vậy, chỉ tính khách Hàn và Trung, số lượng đã chiếm phân nửa tổng khách vào Việt Nam trong năm qua. Trong khi đó, những thị trường khách có chất lượng đến từ châu Âu và Mỹ chưa tăng trưởng mạnh.

Chúng tôi không phủ nhận việc miễn visa cho khách Tây Âu giúp công ty chúng tôi tăng trưởng tốt, có thị trường tăng 20-30% và chúng tôi đã mở thêm thị trường Ý để tận dụng cơ hội này. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 830.000 tỷ đồng. Theo một số tổ chức nước ngoài, tăng trưởng du lịch Việt Nam đã tới ngưỡng nếu không có hành động cải thiện trước mắt và tầm nhìn xa.

Ông có tin tưởng ngành du lịch sẽ đạt mục tiêu đề ra cho năm 2020?

Ông Phạm Hà: Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn vì Việt Nam có bờ biển trải dài khắp đất nước, có hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng với các di sản thiên nhiên vật thể và phi vật thể được UNESCO công nhận ở nhiều địa danh trên khắp đất nước, phân bổ giữa các vùng miền, tạo điểm nhấn và sức hút đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

Người làm du lịch chuyên khách quốc tế đến từ thị trường xa thì chưa vui.

Vậy, du lịch Việt Nam đang ở đâu để cất cánh? Tôi cho là giống như chiếc máy bay vừa mới được xe kéo ra khỏi chỗ đỗ trong sân bay, cần đúng đường băng, chạy lấy đà, rồi mới cất cánh được. Đặc biệt phải biết đích đến và muốn bay đến đâu. Bốn điểm mạnh và khác biệt độc đáo du lịch so vớ các nước trong khu vực là thiên nhiên, con người, văn hóa và ẩm thực. Chúng ta thiếu một định vị trong tâm trí khách hàng một trong bốn điểm mạnh này.

Du lịch Việt Nam năm 2020 bắt đầu một thập kỷ mới khá thuận lợi, kết nối hàng không, đường bộ trong nước, trong vùng và quốc tế ngày một tốt hơn. Chính sách visa thân thiên và cởi mở hơn cũng sẽ thu hút được khách quốc tế đến. Cơ cấu nguồn khách vẫn phụ thuộc nhiều vào khách châu Á, khách Hàn Quốc sẽ tăng, khách Trung Quốc có chiều hướng giảm.

Khách Mỹ đang tăng, hy vọng kết nối hàng không tốt sẽ mang được khách Mỹ, Canada tới Việt Nam, họ sẽ ở lâu hơn, chi trả nhiều tiền hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế địa phương nhưng cũng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng và môi trường.

Khách Úc và New Zealand vẫn là thì trường tiềm năng vì gần, nhiều đường bay, giá cả hợp lý tại Việt Nam với người Úc.

Đối với khách châu Âu, đặc biệt là các quốc gia như Anh và Đức, Ý, điểm đến Việt Nam đang thịnh hành và được nhiều người lựa chọn. Chúng tôi hy vọng thị trường này sẽ tăng mạnh.

Các điểm đến mới mà khách Âu, Mỹ sẽ thích đến là Phú Quốc, Mù Cang Chải, Pù Luông và Ninh Bình.

Du lịch Việt Nam đang ở đâu để cất cánh?
Vẻ đẹp Mù Căng Chải

2020 chắc chắn sẽ đạt và vượt chỉ tiêu của Tổng cục Du lịch. Tuy nhiên, người làm du lịch chuyên khách quốc tế đến từ thị trường xa thì chưa vui, vì cán cân quá chênh lệnh. Khách sẽ không muốn đến điểm đến quá nhiều một lượng khách nào đó. Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Sapa đang quá tải và nhiều khách không muốn đến nữa.

Ông có kiến nghị gì về các chính sách, nếu có, để tăng tốc hơn nữa cho du lịch Việt Nam?

Ông Phạm Hà: Tôi thấy du lịch Việt Nam thiếu một tầm nhìn chiến lược lâu dài, phát triển manh mún, mạnh ai ấy làm và không bền vững. Theo tôi bốn vấn đề lớn nhất của du lịch Việt Nam cần nhìn thẳng và cần cụ thể hóa bằng hành động ngay và luôn. Thứ nhất là cơ chế chính sách cho du lịch và vì du lịch, thứ hai là yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực, thứ ba là sản phẩm du lịch, thứ tư là xúc tiến du lịch hiệu quả.

Yếu tố con người ngoài kỹ năng làm du lịch, yếu tố con người còn nằm ở cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên và giá trị di sản, thông qua làm chính sách, phát triển điểm đến, bảo tồn và đối xử với người dân bản địa và với khách đến thăm quan. Du lịch liên ngành, mọi người, vùng, miền, thẩm thấu vào kinh tế địa phương và GDP kinh tế quốc gia.

Sản phẩm đặc trưng, xúc tiến cần hiệu quả, nhưng điểm chạm phải tốt, mỗi người dân là một người xúc tiến thông qua hành vi ứng xử. Thiết nghĩ du lịch Việt Nam cần có KPI (Key Performance Index - chỉ số đánh giá năng lực) cụ thể để đánh giá và trên hết phải có một Bộ Du lịch dám thay đổi, chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Trong bốn vấn đề tôi nêu trên, cần ưu tiên tập trung vào tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, kiến tạo cho doanh nghiệm làm những gì mà luật không cấm. 

Chúng tôi thấy cơ sở cảng thủy nội địa quá thô sơ để phát triển du lịch sông Hồng. Cảng của thủ đô Hà Nội mà thua xa cả TP. HCM và Đà Nẵng, không có cảng du lịch đường thủy thuận tiện cho du khách đi và đến Hà Nội, kết nối với Hạ Long, Hải Phòng và Ninh Bình, Nam Định. 

Cần phải làm sông Hồng vĩ đại trở lại như vua đường thủy Bạch Thái Bưởi đã làm hồi đầu thế kỷ 20.

Cần phải làm sông Hồng vĩ đại trở lại như vua đường thủy Bạch Thái Bưởi đã làm hồi đầu thế kỷ 20. Phát triển du lịch sông Hồng là điểm khác biệt lớn của du lịch Thủ đô, tại sao không?

Chúng ta biết rằng, tỷ lệ khách nước ngoài quay lại Việt Nam là khá thấp. Vậy nguyên nhân và giải pháp, theo ông là gì?

Ông Phạm Hà: Du lịch có nhiều dư địa để phát triển, lựa chọn của chúng ta sẽ là tương lai của chúng ta, chất hay lượng hay cả hai. Sản phẩm du lịch chúng ta nghèo nàn. Đầu tư sản phẩm du lịch là phải dựa vào trải nghiệm khách hàng, dựa vào tài nguyên thiên nhiên đa dạng, văn hóa, lịch sử và ẩm thực.

Việt Nam có nhiều câu chuyện hay để hầu du khách. Chúng ta cần chính sách đúng về du lịch, phát triển du lịch là phát triển con người và dựa vào yếu tố con người để tạo ra những trải nghiệm du lịch mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu.

Tóm lại, những hạn chế nêu trên nếu được tháo gỡ với những giải pháp chúng tôi đã đề xuất kèm theo sẽ mở ra các cơ hội cho du lịch Việt Nam phát triển trong những năm tới. Muốn du khách quay lại nhiều hơn cũng có thể là KPI mới cho du lịch Việt Nam. Muốn khách quay lại Việt Nam thì đến Việt Nam phải dễ dàng hơn, đến rồi vui hơn, khách quay lại nhiều hơn, hạ tầng tốt hơn, điểm đến vui hơn, nhiều thú vị mới, an ninh, an toàn.

Mỗi năm du lịch có thêm nhiều trải nghiệm mới. Phát triển kinh tế ban đêm, không hạn chế giờ và nhiều hoạt động vui chơi về đêm, du khách có chỗ khách tiêu tiền, đến đồng tiền cuối cùng mới chịu về nước.

Muốn khách quay lại thì chính chúng ta phải làm du lịch bền vững, nghĩa là tạo nơi đến đẹp hơn và đáng sống hơn cho cư dân bản địa. Đừng lãng phí tài nguyen du lịch như hiện nay nữa, trân quý thiên nhiên, cảnh quan môi trường trong sạch, biển sạch, thức ăn sạch, chúng ta gìn giữ văn hóa bản địa.

Tất cả các bộ ban ngành đều vì du lịch, lấy khách du lịch làm trung tâm, thỏa mãn họ, giữ họ ở lâu hơn. Thương hiệu du lịch định vị rõ trong tâm trí khách hàng phải rõ ràng hơn như đến Việt Nam để du lịch biển, văn hóa hay đến chỉ để ăn, Việt Nam là cái bếp ăn của thế giới, cộng với cảnh đẹp, con người, thiên nhiên tươi đẹp họ sẽ đến nhiều hơn.

Bản thân doanh nghiệp du lịch như Lux Group sẽ hành động thế nào để vừa tận dụng cơ hội, vừa thúc đẩy du lịch Việt Nam tăng trưởng?

Ông Phạm Hà: Sản phẩm du lịch chúng ta nghèo nàn. Chính vì vậy chúng tôi đầu tư vào trải nghiệm khách hàng, chúng tôi dựa vào tài nguyên thiên nhiên đa dạng, văn hóa, lịch sử và ẩm thực. Việt Nam có nhiều câu chuyện hay để hầu du khách.

Du lịch Việt Nam đang ở đâu để cất cánh? 1
Du thuyền sang trọng mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách trên vịnh Hạ Long

Một sự trùng lặp cực kỳ hy hữu, năm 2019 đánh dấu tròn 100 năm hạ thuỷ tầu Bình Chuẩn, con tầu đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và đóng mới tại Cửa Cấm, Hải Phòng. Du thuyền Bình Chuẩn được sáng tạo dựa trên cảm hứng con tàu Bình Chuẩn lừng danh của doanh nhân Bạch Thái Bưởi - con tàu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm tháng 9/1919 hoàn toàn do người Việt thiết kế, đóng mới và chạy thành công từ Hải Phòng đến Sài Gòn đúng một năm sau đó, vào ngày 17/9/1920.

Tiếp theo Nha Trang và Hạ Long, chúng tôi vừa đưa vào hoạt động du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn Cát Bà Archipelago tại Cát Bà. Du thuyền gây ấn tượng với phong cách riêng biệt khi làm sống dậy quá khứ và đặc biệt tôn vinh những giá trị lịch sử, di sản, văn hoá, nghệ thuật, ẩm thực của Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20. Du thuyền dài 75m, rộng 13m10, có bốn tầng nhưng chỉ có 20 phòng suite rộng rãi chở tối đa 40 khách, hai nhà hàng, một bể bơi bốn mùa trên tầng thượng, có tới ba quầy bar, hai phòng spa, một thư viện sách và cả một phòng gym mini theo tiêu chuẩn của các resort, khách sạn 5 sao đẳng cấp.

Chúng tôi đặt tên du thuyền là Bình Chuẩn, là tên của con tàu lừng lẫy của "Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi. Chúng tôi kỳ vọng người Việt mình khi nhìn thấy tên du thuyền sẽ gợi nhớ một ký ức lịch sử sống dậy đầy kiêu hãnh về con tàu "made in Việt Nam" đầu tiên trong lịch sử của doanh nhân Bạch Thái Bưởi, còn du khách khi thấy du thuyền sẽ ấn tượng với những hình ảnh đậm đà bản sắc văn hoá, tinh thần Việt Nam tại đây".

Chúng tôi sẽ đưa Heritage Cruises Bình Chuẩn Cát Bà Archipelago cập cảng Nhà Rồng vào ngày 17 tháng 9 năm 2020, đúng 100 năm sau khi du thuyền lịch sử biểu tượng Bình Chuẩn cập cảng Sài Gòn.