EVFTA với kinh tế tuần hoàn và kinh tế số

Phạm Sơn - 17:11, 29/08/2020

TheLEADERTheo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), muốn tham gia và kiếm lợi từ những thị trường phát triển hơn, doanh nghiệp Việt cần biết nói cùng ngôn ngữ với những doanh nghiệp đang hoạt động tại thị trường đó, chính là ngôn ngữ số.

EVFTA với kinh tế tuần hoàn và kinh tế số
EVFTA không đơn giản chỉ mang lại cơ hội, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp nếu thực sự muốn tận dụng lợi thế hiệp định tự do thương mại này đem lại.

Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào hiệu lực hứa hẹn sẽ là cơ hội lớn cho ngành xuất khẩu để thâm nhập vào một trong những thị trường rộng lớn, phát triển nhưng cũng khó tính bậc nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Tuấn Hoa cho rằng EVFTA không đơn giản chỉ mang lại cơ hội, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp nếu thực sự muốn tận dụng lợi thế hiệp định tự do thương mại này đem lại.

Cụ thể, những điều kiện mà doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải thực hiện để có thể thâm nhập vào thị trường EU bao gồm yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về năng lực số.

Trong đó, yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng là những quy định cụ thể được đưa ra, doanh nghiệp hoàn toàn có khung tham chiếu để tiến hành rà soát hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ttheo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tiêu chuẩn về kỹ thuật và nguồn gốc xuất xứ quy định trong EVFTA chỉ là những điều kiện cơ bản nhất. Tùy vào từng quốc gia trong khối EU, điều kiện sẽ hà khắc hơn nhiều, đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới và kiện toàn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với yêu cầu về năng lực số, TS. Nguyễn Tuấn Hoa lý giải: “Các doanh nghiệp châu Âu đã đi trước Việt Nam chừng 10 – 15 năm trong quá trình chuyển đối sang nền tảng hoạt động công nghệ cao. Do đó, họ yêu cầu đối tác làm ăn buôn bán với họ cũng có năng lực tương tự về ứng dụng kỹ thuật số cũng như văn hóa kinh doanh số.”

Trong đó, văn hóa kinh doanh số hướng tới xây dựng thị trường giảm sự tham gia của các bên trung gian, tập trung xây dựng giá trị sản phẩm tạo ra lợi ích cao nhất cho người tiêu dùng. Tham gia các sàn thương mại điện tử là hình thức phổ biến nhất để xây dựng văn hóa kinh doanh số cho doanh nghiệp.

Văn hóa kinh doanh số là người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất, nhà sản xuất tìm kiếm lợi nhuận từ phần còn lại”
TS. Nguyễn Tuấn Hoa, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.

Kinh tế tuần hoàn và kinh tế số

Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế số là phương án vẹn toàn nhất để đáp ứng các yêu cầu được đặt ra cho doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường EU.

Trong đó, kinh tế tuần hoàn là hướng tiếp cận mới trong chuỗi sản xuất, kết nối điểm đầu với điểm cuối của sản phẩm nhằm hạn chế tối đa chất thải ra môi trường. Trong một nền kinh tế tuần hoàn, mọi thực thể, từ sản phẩm chính cho tới những thải loại trong quá trình sản xuất đều đem lại giá trị.

Ví dụ, trước đây người trồng lúa chỉ quan tâm tới việc làm sao để sản xuất ra hạt gạo. Tuy nhiên gạo chỉ chiếm khoảng 20% giá trị thực của cây lúa, phần giá trị còn lại đến từ rơm, vỏ trấu… Đặc biệt, nhiều quốc gia phát triển đã tiến hành chiết xuất từ vỏ trấu chất MA MB, một hợp chất rất quan trọng trong ngành y học và công nghệ sinh học, có giá bán khoảng 1,25 triệu USD mỗi gam, đắt gấp 30 nghìn lần so với vàng.

Nền kinh tế tuần hoàn sẽ là bước chuyển tiếp để xây dựng nền kinh tế số với bản chất là việc tạo ra phương thức sản xuất, kinh doanh mới nhờ nền tảng của công cụ công nghệ.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực cũng như thành tựu công nghệ, các doanh nghiệp nên liên kết với nhau theo chuỗi giá trị để chuyển đổi mô hình kinh tế được diễn ra một cách triệt để.

Các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị sẽ bổ sung cho nhau về nguồn lực, trao đổi phụ phẩm sản xuất, đóng góp sáng kiến, giải pháp cũng như phương án triển khai để tạo ra hiệu quả tối ưu nhất.

Trước đó, tại tọa đàm EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam – EU, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp liên kết với nhau thành chuỗi giá trị có thể nhận được lợi ích to lớn hơn mà không nhất thiết phải cùng xuất khẩu sang thị trường EU.

TS. Nguyễn Tuấn Hoa cũng nhấn mạnh, tất cả các khâu từ nhập nguyên vật liệu đầu vào, sản xuất, chế biến cho tới đóng gói và phân phối cần được ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn của EU, thông qua việc thuê một đơn vị chuyên nghiệp của châu Âu đảm nhiệm

Hệ thống này cần được triển khai trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain), làm sao để chỉ cần quét mã vạch, mã QR là phía nhập khẩu có thể tra cứu mọi thông tin cần thiết. Các thông tin lưu giữ trên nền tảng blockchain có thể đảm bảo được tính minh bạch và tự động, tuân theo “luật chơi” quốc tế.