EVN tiết lộ rủi ro từ các dự án điện khí, điện LNG

Nguyễn Cảnh - 11:54, 05/04/2024

TheLEADEREVN khẳng định không thể cam kết tổng sản lượng điện hợp đồng dài hạn với chủ đầu tư các dự án điện khí, điện LNG vì có thể mang lại rủi ro lớn trong tương lai.

EVN tiết lộ rủi ro từ các dự án điện khí, điện LNG
Khó khăn đang bủa vây các dự án điện khí. Ảnh: Hoàng Anh

Thông tin này được ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nêu ra tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn thực hiện các dự án điện khí trong Quy hoạch điện VIII do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Cụ thể, ông Hải cho biết, vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA) các dự án điện khí, LNG hiện tại liên quan đến cam kết sản lượng hợp đồng (tổng sản lượng điện mua hàng năm - Qc).

Hầu hết chủ đầu tư đều yêu cầu cam kết Qc dài hạn để đáp ứng yêu cầu của bên cho vay và của bên cung cấp khí. Việc này EVN hiện không thể cam kết với chủ đầu tư do có thể mang lại rủi ro lớn trong tương lai.

Nguyên nhân theo lãnh đạo EVN là viễn cảnh EVN vẫn phải trả tiền tương ứng với sản lượng Qc đã cam kết mà không nhận được điện từ các nhà máy điện này do có giá điện cao, sản lượng được huy động sẽ thấp.

Ngoài ra, các dự án có một số vướng mắc liên quan đến việc các chủ đầu tư ngoại có đề xuất hợp đồng PPA áp dụng theo luật nước ngoài (Vương quốc Anh hoặc Singapore) và bảo lãnh Chính phủ về chuyển đổi ngoại tệ…

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (ảnh: moit.gov.vn)
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (ảnh: moit.gov.vn)

Trước vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc phát triển điện khí từ nay đến năm 2030 là không thay đổi, vì đây là nguồn điện nền vô cùng quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài về việc cam kết sản lượng hợp đồng dài hạn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu EVN cần nghiên cứu đề xuất này.

Đồng thời, EVN báo cáo Chính phủ cụ thể, trong đó nêu rõ khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp và trình Chính phủ xem xét cơ chế, chủ trương để tháo gỡ vướng mắc thực hiện các dự án điện khí trong quy hoạch điện VIII.

Thực tế thời gian qua cho thấy, cơ chế phát triển các dự án điện khí (bao gồm khí tự nhiên và khí hóa lỏng) vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có cơ chế mua bán điện giữa EVN và các đối tác.

Về tình hình thực hiện các dự án điện khí, đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, theo quy hoạch điện VIII, tổng quy mô công suất 23 dự án điện khí đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.524MW. 

Trong đó, tổng công suất nhà máy điện sử dụng khí trong nước của 10 dự án là 7.900MW, tổng công suất nhà máy điện sử dụng LNG của 13 dự án là 22.624MW.

Đến thời điểm hiện tại, đã có một nhà máy đã đưa vào vận hành, hai dự án đang xây dựng, các dự án nhà máy điện sử dụng khí trong nước đều đã có chủ đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Đối với 13 dự án điện LNG, hiện còn ba dự án chưa lựa chọn được chủ đầu tư (Nghi Sơn, Cà Ná, Quỳnh Lập), trong đó dự án Nghi Sơn đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Các nhà máy điện còn lại đã có chủ đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Một số dự án đã trình báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) để thẩm định/phê duyệt, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ FS như Sơn Mỹ I,II, Quảng Ninh, Hải Lăng giai đoạn 1.

Dự án LNG Bạc Liêu và LNG Long An (I và II) đã được Cục Điện lực và năng lượng tái tạo thẩm định và có văn bản thông báo kết quả thẩm định gửi chủ đầu tư.

Các dự án đang đàm phán hợp đồng PPA với EVN gồm Nhơn Trạch 3&4, Hiệp Phước giai đoạn 1, Ô Môn II, Bạc Liêu. Theo báo cáo từ chủ đầu tư, các dự án này đều có vướng mắc trong quá trình đàm phán và chưa thể ký được hợp đồng PPA làm cơ sở để thu xếp vốn cho dự án.

Theo TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam, phát triển điện khí LNG đang đối diện với nhiều khó khăn chưa được giải quyết thấu đáo.

Tiêu biểu là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khí điện LNG và tiêu thụ điện LNG, hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của PVN, EVN khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án.

Đồng thời, vấn đề cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm và bao tiêu sản lượng khí LNG hàng năm đang là một thách thức. Bởi, EVN được mua điện của các nhà máy và bán ra theo sự điều tiết, đầu vào lại phải đi đàm phán với các nhà máy. Do đó, với cơ chế tài chính không đủ để thực hiện cam kết.

Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam kết luận, các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện; đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách, tới triển khai thực hiện; hợp tác quốc tế sâu rộng là các điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo quy hoạch điện VIII.

Đặc biệt, cần thiết có một nghị quyết chuyên đề của Quốc hội cho lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện khí LNG.