Fintech và ngân hàng trong cuộc đua số hóa ngành tài chính

Việt Hưng - 13:55, 18/03/2021

TheLEADERGiao dịch qua di động tại Việt Nam được kỳ vọng tăng 300% vào năm 2025. Kéo theo đó, các hoạt động cho vay trên nền tảng số hóa sẽ chạm mốc tăng trưởng hai con số mỗi năm kể từ 2021.

Đại dịch Covid-19 gây tác động tới nhiều ngành nghề, trong đó có cả lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng số được xem là giải pháp tối ưu trong bối cảnh dịch bệnh, cũng như là xu hướng đã được dự báo từ nhiều năm trước.

Thực tế, tại Châu Á - Thái Bình Dương (APAC), các ngân hàng truyền thống đang mải tập trung vào hệ thống vận hành cũ và không chú trọng ưu tiên tích hợp kỹ thuật số, dẫn tới chỉ có khoảng 30% khách hàng được tiếp cận và sử dụng kênh ngân hàng số. 

Theo báo cáo Fintech và Ngân hàng số 2025 do Backbase và IDC phối hợp thực hiện, có hơn 3/5 khách hàng (63%) sẵn sàng chuyển sang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng kỹ thuật số và tổ chức tín dụng trong 5 năm tới.

Theo đó, các ngân hàng đang hoạt động và cả những tên tuổi mới sắp gia nhập thị trường đều sẽ có mặt trong cuộc đua cạnh tranh thị phần, đồng thời tìm cách giành ưu thế thông qua các nền tảng số.

Báo cáo cũng cho thấy khu vực APAC dự kiến sẽ có thêm 100 tổ chức tài chính, cũng như các fintech mới vào năm 2025, được thành lập nhờ chính sách mở cửa đối với một số thị trường và cấp phép cho ngân hàng mới.

Trong khi một số fintech và ngân hàng số phải rút lui do thách thức của Covid-19, thì những ngân hàng đương nhiệm lại nắm trong tay cơ hội xây dựng tệp khách hàng trung thành và tái kích hoạt hoạt động kinh doanh dài hạn.

Fintech và ngân hàng trong cuộc đua số hóa ngành tài chính
Fintech và ngân hàng trong cuộc đua số hóa ngành tài chính

Tại Việt Nam, ngân hàng lõi và hiện đại hóa hệ thống thanh toán sẽ là hai mối quan tâm chính của top 8 ngân hàng hàng đầu quốc gia nhằm đón đầu nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào năm 2025.

Báo cáo này thống kế, có hơn 60% ngân hàng tham gia khảo sát đều lên kế hoạch sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để giải quyết những vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu, trong khi con số này của năm trước chỉ dừng ở mốc 48%.

Cũng theo Backbase và IDC, giao dịch qua di động tại Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tăng tới 300% vào năm 2025. Kéo theo đó, các hoạt động cho vay tại Việt Nam sẽ chạm mốc tăng trưởng hai con số mỗi năm kể từ 2021.

Các ngân hàng sẽ tập trung số hóa hoạt động cho vay. Xu hướng này rất rõ nét tại Việt Nam, khi có tới 80% ngân hàng tái đầu tư vào quản lý rủi ro tín dụng và tài sản nợ, song song việc củng cố năng lực cho vay.

Những tiềm lực mới về mảng dịch vụ này sẽ có sự góp mặt của các đối tác fintech. Theo IDC dự đoán đến giữa năm 2021, 50% các quyết định cho vay trong ngân hàng bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi lợi ích từ fintech, nhấn mạnh sự tăng tốc hợp tác giữa các ngân hàng và lĩnh vực tiềm năng này.

Trước đây, các hoạt động cho vay phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên xét duyệt hồ sơ tại ngân hàng. Hiện nay, sự bùng nổ của các công ty fintech giúp tận dụng công nghệ để xét duyệt điểm tín dụng cá nhân, tạo cơ sở cho hoạt động cho vay. Các ngân hàng hiện nay cũng tận dụng nền tảng của công ty fintech nhằm rút ngắn quy trình cho vay tín dụng.

Giám đốc khu vực APAC của Backbase - Riddhi Dutta nhận định, các ngân hàng Việt Nam đang đầu tư mạnh vào nền tảng số để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam được cho là sẽ thành công hơn trong lĩnh vực ngân hàng số.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính cũng như toàn bộ ngành công nghiệp ngân hàng số. Có thể thấy minh chứng rõ ràng khi số công ty công nghệ tài chính tại Việt Nam đã tăng từ 40 lên 150 trong 4 năm qua.