FPT Shop, Thế Giới Di Động sẽ gặp nhiều thách thức với mô hình bán lẻ dược phẩm

Trần Anh - 14:51, 20/07/2018

TheLEADERCác công ty phân tích nhận định, việc bảo hiểm y tế chỉ chi trả trong kênh bệnh viện, hay các bệnh viện tư đều có nhà thuốc của riêng mình, sẽ làm hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ dược phẩm.

Tại Việt Nam, Thế Giới Di Động (MWG), FPT Retail (FRT), Digiworld (DGW) là 3 nhà phân phối, bán lẻ các sản phẩm điện thoại, điện máy lớn nhất. Tuy nhiên, với việc thị trường bán lẻ hàng công nghệ được dự báo là đã bước sang giai đoạn bão hòa, cả 3 cái tên này đều lựa chọn mở rộng sang cùng một thị trường mới là bán lẻ dược phẩm.

Trong đó, Thế Giới Di Động chọn liên kết với chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang, FRT lập ra chuỗi cửa hàng Long Châu còn Digiworld đẩy mạnh phân phối thực phẩm chức năng thương hiệu Kingsmen. Theo BMI, thị trường thuốc có quy mô khoảng 5,3 tỷ USD, rất rộng lớn đang chờ “chia phần”.

Theo các công ty phân tích, thị trường bán lẻ thực phẩm và thuốc tại Việt Nam vẫn còn phân tán và bị thống trị bởi mô hình bán lẻ truyền thống, hay còn gọi là các cửa hàng Mom-And-Pop. 

Với kinh nghiệm quản lý chuỗi, những doanh nghiệp bán lẻ và phân phối điện tử như Thế giới di động, FPT Retail hay Digiworld có lợi thế lớn khi bước sang ngành này.

FPT Shop, Thế Giới Di Động sẽ gặp nhiều thách thức với mô hình bán lẻ dược phẩm
Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ là động lực tăng trưởng chính trong 4 năm tới của FPT Retail

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, chuỗi Long Châu của FRT đang có những bước đi đúng hướng. Đây cũng là đơn vị tích cực nhất trong nỗ lực tái cơ cấu hệ thống chuỗi dược.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra thì mô hình chuỗi nhà thuốc sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Chi tiêu y tế đang được tài trờ từ 3 nguồn: từ bảo hiểm y tế của chính phủ (social healthcare insurance), tư nhân (private insurance) và tự chi trả (out-of-pocket). 

Trong đó, kênh bệnh viện chiếm tới 70% miếng bánh ngành dược. Như vậy chỉ còn 30% doanh số thuộc bán lẻ dược phẩm, tương đương 1,6 tỷ USD. Đây mới là phần chính mà FPT Retail và Thế Giới Di Động nhắm tới. 

Thị trường này đang rất phân mảnh, được chia sẻ bởi khoảng 57.000 nhà thuốc và quầy thuốc trên cả nước. Trên lý thuyết, đây là môi trường lý tưởng để chuỗi bán lẻ thuốc có thể thành công hơn là tăng trưởng tự nhiên của ngành.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, bảo hiểm y tế (BHYT) đang có xu hướng ngày càng chiếm phần lớn trong chi tiêu thuốc. Việc bảo hiểm y tế chỉ chi trả trong kênh bệnh viện, hay các bệnh viện tư đều có nhà thuốc của riêng mình, sẽ làm hạn chế khả năng tăng trưởng của kênh bán lẻ bên ngoài.

Mặt khác, tại các nước mà phần chi từ bảo hiểm y tế là không nhiều như Ấn Độ hay Phillipines, nơi được coi là môi trường lý tưởng cho các chuỗi bán lẻ thuốc, khả năng thành công vẫn không thể đảm bảo. Đơn cử Ấn Độ, thị trường bán lẻ thuốc rộng lớn với khoảng 900.000 nhà thuốc, các nhà thuốc nhỏ lẻ vẫn chiếm tới 86% doanh số nhờ lợi thế len lỏi ở khắp các ngóc ngách.

Đây cũng là những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Các nhà thuốc đơn lẻ vẫn đang áp đảo thị trường trong nước, thể hiện qua mật độ nhà thuốc/người dân thuộc top cao nhất trên thế giới. 

Trong khi đó, ý tưởng về việc xây dựng các chuỗi dược phẩm không mới. Các chuỗi nhà thuốc như Mỹ Châu hay Phano đã xuất hiện từ 10 năm trước, nhưng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của các hệ thống này là hết sức mờ nhạt.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu được xem là động lực tăng trưởng chính trong 4 năm tới của FPT Retail với kỳ vọng mở 400 cửa hàng dược phẩm. Nhưng đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Ngay cả các chuỗi nhà thuốc đã thành công trên thế giới như Mercury (Phillipines) hay Raia Drogasil (Brasil), cũng phải mất một thời gian dài để đạt được cột mốc này. Việc tìm được các địa điểm phù hợp để nhân rộng thành công của các cửa hàng đầu tiên là không dễ dàng.