Gần hết năm, nhiều bộ, địa phương giải ngân ODA bằng 0
Nhật Linh
Thứ ba, 04/10/2022 - 18:12
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài trung bình 8 tháng đầu năm 2022 mới chỉ đạt gần 15,5% kế hoạch vốn được giao.
Tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp
Bộ Tài chính cho biết qua theo dõi, tỷ lệ giải ngân (theo hình thức ghi thu ghi chi) kế hoạch đầu tư, vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài 8 tháng đầu năm 2022 trung bình cả nước mới chỉ đạt 15,48% kế hoạch vốn được giao – là mức rất thấp.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương là 11,5% kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân của các bộ ngành là hơn 22,9% kế hoạch vốn.
Đáng chú ý, có đến 6 bộ, 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0% kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính nhận được văn bản đề xuất trả kế hoạch vốn năm 2022 của 17 bộ, địa phương với tổng trị giá hơn 6.800 tỷ đồng.
Trong khi đó, ngày 15/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.
Cụ thể, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn trong nước và vốn ngoài nước) năm 2022 đạt từ 95 – 100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước thực trạng giải ngân vốn ODA rất thấp, Bộ Tài chính mới đây đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương về việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2022.
Tại công văn này, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giao kế hoạch vốn năm 2022, các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công văn số 3994/BTC-QLN ngày 6/5/2022 gửi bộ trưởng các bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2022.
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, việc chậm giải ngân nguồn vốn nước ngoài làm ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và các địa phương.
Để hoàn thành nhiệm vụ giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài năm 2022 theo Nghị quyết số 124/NQ-CP nói trên, đòi hỏi các bộ ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.
Trên tinh thần ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các chủ dự án, ban quản lý dự án thuộc và trực thuộc khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc sớm có rà soát về việc phân bổ, tiến độ giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó thực hiện điều chuyển kế hoạch sang các dự án khác trong nội bộ có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Nguồn lực có nhưng không sử dụng cũng là lãng phí
Tại buổi làm việc vào tháng 8 giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và đầu tư về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, một số ý kiến nhận định vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đóng góp quan trọng trong vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách.
Giải ngân luồng vốn này vẫn chiếm 3,3% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (trung bình trong cả giai đoạn 2016 – 2019), và chiếm gần 18,1% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được định hướng ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực có tác động lan tỏa rộng, có tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng, đồng thời ưu tiên phân bổ cho một số vùng khó khăn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, việc quản lý vốn ODA có sự chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước. Dù vậy, giải ngân vốn ODA đang được đánh giá là chậm nhất so với các nguồn vốn.
Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó các dự án ODA vừa phải tuân thủ quy định Chính phủ, vừa phải tuân thủ yêu cầu của nhà tài trợ, nên nhiều bộ, ngành, địa phương ngại vay vốn ODA.
Ông Cường cho biết thêm, một số dự án ODA thuộc dự án O (chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án) có nhiều trường hợp các dự án thành phần đã hoàn thiện nhưng phải chờ dự án của cơ quan giữ vai trò chủ quản, dẫn tới chậm tiến độ…
Về nguyên tắc, các dự án ODA chỉ sử dụng vào mục đích chi đầu tư chứ không dành cho chi thường xuyên, nhưng hiểu và phân biệt rạch ròi giữa chi đầu tư và chi thường xuyên tại các dự án cũng cần phải nghiên cứu, xem xét.
Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, vấn đề lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn nước ngoài, chưa sát với thực tế, dẫn đến số vốn nước ngoài năm 2021 hủy khá lớn.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư, có trên 20.000 tỷ đồng vốn ODA của các cơ quan trả lại, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dự án và hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang bị thu hẹp.
Ông Sơn cho rằng, nguồn lực có nhưng không sử dụng cũng là sự lãng phí, trong đó việc chậm giải ngân vốn ODA do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cần đánh giá toàn diện về việc lập kế hoạch đầu tư, hiệu quả, chất lượng, nhu cầu vốn ODA thời gian qua, ông nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến đồng ý rằng, để tận dụng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian tới, Việt Nam cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhằm tránh lãng phí nguồn lực.
Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng.
Đối với dự án khó hoàn thành khối lượng theo tiến độ đặt ra, các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức thực hiện để có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục kiểm soát chi, cũng như thủ tục giải ngân…
Trong bối cảnh nguồn vốn ODA ngày càng thu hẹp, ngày 15/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2109 phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, giai đoạn 2021 – 2025. Quyết định nêu rõ: Sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, chính sách hợp tác phát triển của các nhà tài trợ có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần, hoặc chấm dứt các khoản ODA viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ODA với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn. Một số nhà tài trợ song phương vẫn tiếp tục cung cấp các khoản ODA và vay ưu đãi nước ngoài dưới dạng tín dụng xuất khẩu thường kèm các điều kiện ràng buộc về dịch vụ, xuất xứ hàng hóa của nhà tài trợ với tỷ lệ nhất định. Vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài huy động cho giai đoạn 2016 – 2020 thấp hơn so với giai đoạn 2011 – 2015. Vốn ký kết giai đoạn 2016 – 2020 là gần 13 tỷ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011 – 2015. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân ước đạt 13,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với giai đoạn 2011 – 2015, bình quân mỗi năm giảm 16%. Trong đó, giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn này bằng 64,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Dự án “Trung tâm dự báo và quản lý dịch bệnh” do Bộ Y tế đề xuất nhằm ứng phó khẩn cấp với đại dịch Covid-19 cũng nằm trong gói hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại của Đức dành cho Việt Nam.
Sau khi tỉnh Lạng Sơn đề xuất điều chỉnh dự án sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Đức và vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Thụy Sỹ, các bộ đã có phản hồi cụ thể.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký phê duyệt dự án ứng dụng lưới điện thông minh để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả (SGRE-EE).
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.
PV Gas vừa có cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hải Phòng về các dự án khí, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng hoạt động kinh doanh sản phẩm khí tại khu vực Bắc Bộ.
Phố đi bộ bên cạnh quảng trường Vạn Xuân sẽ sớm trở thành biểu tượng giao thương và điểm đến sôi động bậc nhất, giúp gia tăng giá trị bất động sản cho khu vực