Gazprom International đề nghị Chính phủ bảo lãnh dự án điện khí tại Quảng Trị

Nguyễn Cảnh - 08:41, 14/07/2021

TheLEADERGazprom International kiến nghị được bảo lãnh nhiều nội dung để thực hiện dự án nhà máy điện tua-bin khí hóa hơi tại Quảng Trị.

Gazprom International đề nghị Chính phủ bảo lãnh dự án điện khí tại Quảng Trị
Dự án (thực hiện theo hợp đồng BOT do Gazprom International làm chủ đầu tư) tới nay vẫn đang trong quá trình lập thủ tục báo cáo nghiên cứu khả thi (ảnh minh họa)

Dự án nhà máy điện tua-bin khí hóa hơi Quảng Trị công suất 340MW do Gazprom Intenational (Công ty con của Tập đoàn Gazprom - Liên bang Nga) làm chủ đầu tư. 

Dự án được đầu tư theo hợp đồng BOT, triển khai tại xã Hải An, huyện Hải Lăng thuộc khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị; đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh, dự kiến vận hành thương mại năm 2023 – 2024.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giai đoạn đến năm 2023, miền Trung sẽ bị thiếu điện cục bộ (do các nguồn chủ yếu ở khu vực này là thủy điện và không có khả năng phát công suất sao trong mùa khô) nên nhà máy điện này là rất cần thiết để bù đắp lại phần nào lượng công suất thiếu hụt trên.

Với hình thức hợp đồng BOT, chủ đầu tư Gazprom International kiến nghị xem xét hàng loạt điều kiện bảo lãnh từ Chính phủ. 

Cụ thể, chủ đầu tư kiến nghị tạo cơ chế thuận lợi tối đa từ phía Chính phủ để đầu tư dự án và đảm bảo hoàn vốn trong toàn bộ thời gian hoạt động của dự án; 

Bảo lãnh nghĩa vụ của bên đại diện có thẩm quyền trong hợp đồng BOT từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước thực hiện tiếp nhận, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng liên quan tới xây dựng nhà máy điện.

Bên cạnh đó, Gazprom kiến nghị bảo lãnh vấn đề tự do chuyển đổi doanh thu lợi nhuận thu được sang ngoại tệ và chuyển về nước các khoản tiền (trả cổ tức/tiền chuyển ra khỏi Việt Nam) mà không phải chịu thuế, phí và các khoản phải nộp bổ sung khác; 

Bảo đảm bao tiêu toàn bộ sản lượng điện sản xuất được, giữ nguyên các điều khoản của các hợp đồng đã ký (không làm giảm chỉ số kinh tế của dự án) trong suốt thời hạn hiệu lực của dự án tích hợp trong trường hợp pháp luật Việt Nam có thay đổi, miễn thuế, phí hải quan và các khoản phải nộp khác bao gồm tiền sử dụng đất…

Tháng 5/2016, PVN và Gazprom EP International B.V ký biên bản ghi nhớ trong lĩnh vực sản xuất điện từ khí đốt. Tháng 10 cùng năm, Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035 tầm nhìn đến 2050. 

Trong đó, khu vực 1 có diện tích khoảng 11.470ha, vị trí Đông Nam, là khu trọng tâm phát triển, bố trí các dự án động lực của toàn khu kinh tế như: Trung tâm điện lực, khu phức hợp năng lượng, khu công nghiệp, khu đô thị…

Tới năm 2017, Bộ Công thương ra công văn về chủ trương Gazprom làm chủ đầu tư dự án nhà máy điện Quảng Trị sử dụng nguồn khí thiên nhiên khai thác từ mỏ khí Báo Vàng ngoài khơi biển Quảng Trị.

Nhà máy điện khí Quảng Trị có tổng vốn đầu tư khoảng 337 triệu USD (đã gồm thuế giá trị gia tăng), theo hình thức BOT dự kiến khởi công vào tháng 9/2021, vận hành thương mại vào năm 2023-2024. Tổng thời gian xây dựng dự kiến khoảng 27-28 tháng. 

Nguồn vốn thực hiện dự án do chủ đầu tư Gazprom EP International B.V tự thu xếp. Cơ cấu vốn dự án gồm vốn vay dài hạn và vốn góp của chủ đầu tư. 

Trong đó, 20% chi phí đầu tư được tài trợ thông qua vốn góp từ chủ đầu tư và phần còn lại dự kiến vay thông qua các khoản vay dài hạn từ các tổ chức tài chính quốc tế với giả định: lãi suất vay trung bình 7,9%/năm, thời gian trả nợ vay là 10 năm kể từ thời điểm vận hành thương mại, ân hạn trong thời gian xây dựng. Phương thức trả vốn và lãi được giả định thực hiện nửa năm một lần.

Cũng theo tính toán, các phương án giá điện trung bình tối thiểu để đảm bảo cho nhà đầu tư có thể thu hồi toàn bộ chi phí dự án và có tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu chấp nhận được, là 9,32 Uscents/kWh; 9,61 Uscents/kWh và 9,92 Uscents/kWh.

Gazprom là công ty năng lượng toàn cầu tập trung ở hoạt động thăm dò, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ, chế biến và bán khí, khí ngưng tụ và dầu, bán khí đốt làm nhiên liệu, cũng như sản xuất, tiếp thị nhiệt năng và điện năng.

Gazprom giữ trữ lượng khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Tỷ trọng của Gazprom trong trữ lượng khí đốt toàn cầu là 17% và ở Nga là 72%. Hiện công ty đang triển khai các dự án phát triển khí quy mô lớn ở bán đảo Yamal, giáp Bắc Cực, Đông Siberia và Viễn đông Nga, cũng như một số dự án thăm dò và khai thác hydrocacbon ở nước ngoài.

Từ năm 2000, Gazprom đã tiến hành hoạt động dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này đã vượt 2,2 tỷ USD. 

Tập đoàn này là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên tìm kiếm các mỏ hydrocarbon tại khu vực miền Trung, và việc bán hydrocarbon, trong trường hợp phát hiện mỏ, được dự kiến để sản xuất điện cho Việt Nam.