GDP của Việt Nam năm 2030 có thể tăng thêm 62,1 tỷ USD nhờ cách mạng 4.0

An Chi - 17:28, 01/03/2019

TheLEADERNhiều ngành, lĩnh vực mới sẽ đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD nhờ ứng dụng cách mạng 4.0.

GDP của Việt Nam năm 2030 có thể tăng thêm 62,1 tỷ USD nhờ cách mạng 4.0
Việt Nam cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy việc tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0

Đó là nhận định của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trình bày báo cáo tại Hội thảo Cách mạng 4.0 và kinh nghiệm Nhật Bản do viện này tổ chức. Điều đó phần nào cho thấy tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong tương lai. 

Theo CIEM, so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế, không thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, kịch bản phát triển kinh tế thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm từ 28,5 tỷ USD - 62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP năm 2030, tuỳ theo từng kịch bản cao, thấp, trung bình. 

GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD/ người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm. Theo đó, tăng trưởng sản xuất nhờ Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi trong khi đó nhiều công việc mới được tạo ra.  

Báo cáo của CIEM cũng khẳng định, các ngành truyền thống của Việt Nam dự báo sẽ tăng thêm giá trị gia tăng nếu thực hiện Cách mạng 4.0, đơn cử ngành chế tạo sẽ tăng thêm 7-14 tỷ USD tùy mức độ ứng dụng.

Ngành nông nghiệp truyền thống tăng thêm 4,9 tỷ USD nhờ tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất. Ngành tài chính sẽ tăng thêm 3,5 tỷ USD nhờ có thêm sản phẩm, dịch vụ và tiết kiệm chi phí. Ngành thông tin và truyền thông sẽ tăng thêm 2,5 tỷ USD, tăng 77% so với trường hợp không thực hiện CMCN 4.0.

Ngoài các ngành, lĩnh vực truyền thống, Cách mạng 4.0 sẽ phát triển những ngành, lĩnh vực mới là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam (IoT, media, kinh tế số, v.v.)

Dự báo các ngành này sẽ có doanh thu năm 2030 rất cao như thương mại điện tử đạt 40 tỷ USD, sản xuất thiết bị robot - trí tuệ nhân tạo AI hơn 420 triệu USD; phân tích dữ liệu 730 triệu USD; điện toán đám mây 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ 2,2 tỷ USD, Fintech 1,5 tỷ USD và nông nghiệp thông minh 1,7 tỷ USD.

Theo ông Toshio Iwamoto, Chủ tịch Công ty NTT Data, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn để phát triển kinh tế của Việt Nam. Song nếu không biết nắm bắt cơ hội, rất có thể nền kinh tế sẽ tiếp tục tụt hậu. 

Việc tranh thủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để Việt Nam đưa đất nước phát triển, vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Để làm được điều này, ông Toshio cho rằng, Việt Nam cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ sáng tạo. Trong đó, việc thực hiện chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, Việt Nam cần nỗ lực thực hiện công nghiệp hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, khoa học công nghệ luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế.

Các ngành công nghiệp mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển dịch vụ mới.

GDP của Việt Nam năm 2030 có thể tăng thêm 62,1 tỷ USD nhờ Cách mạng 4.0
Ông Nguyễn Đình Cung

Ông Cung cho rằng, Cách mạng 4.0 làm thay đổi nhiều thứ, trong đó có thay đổi liên quan đến con người, nguồn nhân lực. Nhiều công việc sẽ mất đi, bị thay thể bằng những công việc khác. Nhưng những công việc khác đó lại cần những con người mới, nguồn nhân lực được đào tạo theo cách mới để làm việc.

Để đáp ứng nhu cầu mới đó, Việt Nam đang từng bước thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực. Theo đó, các chương trình đạo tạo sẽ tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo kỹ thuật, kỹ năng cho người lao động, thay vì chỉ đào đạo trên lý thuyết, sách vở.

Hệ thống chương trình đào tạo của các trường đại học cũng sẽ được thay đổi theo hướng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp nhiều hơn.

Đặc biệt, sắp tới Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Theo ông Cung, trung tâm sẽ gắn kết với các cơ sở khoa học, thực nghiệm và triển khai ý tưởng vào thực tế.

Theo đó, trung tâm đổi mới sáng tạo có vai trò đưa các công nghệ mới đến gần hơn với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, tạo ra các công nghệ bản địa tiên tiến cho các nước trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đầy đủ, hiện đại để các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thể triển khai các ý tưởng kinh doanh dựa trên công nghệ của mình.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thay đổi một cách căn bản các ngành nghề khác nhau và đặt ra bài toán cho các quốc gia trong việc thích nghi và giải quyết các ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế. 

Ông Cung kỳ vọng, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ có thể tạo ra những tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam, thúc đẩy việc phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian tới.