Giải bài toán chuyển đổi số trong bất động sản

Nguyễn Cảnh - 11:28, 14/12/2022

TheLEADERCó nhiều lý do khiến chuyển đổi số trong bất động sản còn chậm so với các lĩnh vực khác.

Chia sẻ tại "Diễn đàn bất động sản 2022: Protech – xu hướng tất yếu của thị trường" do báo Thanh Niên tổ chức, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cùng với xu thế chung của chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã ghi nhận bước chuyển biến mạnh mẽ.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đang quản lý, vận hành hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa chỉ: batdongsan.xaydung.gov.vn với nhiều dữ liệu về nhà ở, thị trường, dự án được cập nhật. Các thông tin, dữ liệu được cập nhật, cung cấp trên hệ thống gồm: Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản hàng quý; tổng diện tích nhà ở theo dự án hoàn thành trong năm; tổng số nhà ở xã hội và tổng diện tích nhà ở xã hội hoàn thành trong năm; số lượng giao dịch kinh doanh bất động sản qua sàn; thông tin về chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản...

Một số dịch vụ kinh doanh bất động sản dựa trên công nghệ mới đã được sử dụng; hệ sinh thái proptech (công nghệ bất động sản) đang phát triển khá nhanh.

Ông Sinh cho biết, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã sử dụng các phần mềm hiện đại trong quản trị doanh nghiệp (như quản lý dự án, quản lý thông tin khách hàng, quản lý sàn giao dịch) qua đó giúp hiệu quả công việc cao hơn.

Thống kê cả nước hiện có hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động. Trong số này, một số công ty, sàn đã ứng dụng rất tốt chuyển đổi số trong hoạt động giao dịch, môi giới địa ốc như: Sàn giao dịch bất động sản Cen Land, Vinhomes, TNR Holdings Việt Nam …

Khách hàng có nhu cầu về các loại hình bất động sản cũng dễ dàng tiếp cận hơn với các sản phẩm trên thị trường hơn thông qua các ứng dụng, phần mềm công nghệ với đầy đủ các thông tin được công khai, minh bạch. Trong đó phải kể đến ứng dụng thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) trong việc tạo trải nghiệm tốt cho người bán lẫn người mua.

Tuy nhiên, quá trình ứng dụng chuyển đổi số trong bất động sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Điển hình, hệ thống pháp luật liên quan đến thông tin bất động sản, đất đai, nhà ở còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về thị trường, nhà ở chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, chưa công khai (làm ảnh hưởng tới tính minh bạch của thị trường).

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, phân cấp quản lý tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công sở,…) dẫn đến ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương chưa được triển khai đồng bộ, chưa có cơ sở dữ liệu quản lý tập trung.

Chuyển đổi số trong bất động sản còn chậm so với các lĩnh vực khác; nguồn nhân lực chất lượng cao về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này còn hạn chế. Các nền tảng ứng dụng được nghiên cứu, thiết lập chỉ đáp ứng một phần của chu trình giao dịch bất động sản, thiếu các thông tin, dữ liệu tin cậy.

Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý góp ý để hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bất động sản gắn với chuyển đổi số; tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập và trao đổi dữ liệu, đào tạo nhân lực; cùng các ngân hàng xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính để hỗ trợ người dân giao dịch thuận lợi hơn...

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường nhận định, thực tế hệ thống thông tin đất đai dạng số chưa được hình thành trên phạm vi cả nước. Xét ở cấp độ tỉnh, mới chỉ có Đồng Nai và một số tỉnh khác như Vĩnh Long, Đà Nẵng, hoàn thành ở một số vùng nhất định. Công việc chuyển đổi số để lập mô hình số thị trường bất động sản còn mất ít nhất 10 năm nữa. Ở một yêu cầu cao hơn là thiết lập mô hình số theo thời gian thực còn lâu dài hơn nữa.

Để có mô hình trên toàn bộ thị trường theo thời gian thực, cần một thời gian khá dài. Trong giai đoạn hiện nay, khi chưa có mô hình số trên phạm vi toàn quốc, có thể sử dụng các dữ liệu số từ Google Maps, hoặc từ một ảnh vệ tinh dễ tiếp cận. Từ đó, có thể bổ sung thông tin bằng các UAV, ông Võ phân tích.

Chuyển đổi số trong bất động sản cần thời gian dài và kinh phí đáng kể. Ngược lại, chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong phát triển bất động sản: tạo được một thị trường bền vững, không bị trồi sụt như hiện nay; thực hiện đầy đủ yêu cầu về công khai, minh bạch thị trường; thay đổi được các cách thức giao dịch (mua bán) bất động sản, mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và người mua hàng; Gắn kết được các cơ quan nhà nước có liên quan tới quản lý thị trường, đảm bảo tính đồng bộ của quản lý nhà nước…

Bàn về giá trị của chuyển đổi số trong bất động sản, ông Dương Quang Anh, Giám đốc phát triển khách hàng OneHousing nhận định proptech giúp khách hàng quyết định nhanh hơn.

Quá trình thực hiện một giao dịch bất động sản thường rất tốn kém cả về chi phí thời gian và công sức, đến mức quan niệm về ngành này trong truyền thống là “có duyên thì mới mua được”. Đó là một hành trình có thể số hóa - và giúp khách hàng ra quyết định không chỉ nhanh hơn, mà còn chính xác hơn.

Thị trường Việt Nam mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thử thách. Thử thách lớn nhất dành cho các công ty proptech Việt Nam là công nghệ không có đường biên giới – nó sinh ra là để phá bỏ các đường biên.

"Họ cần làm gì để cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế, những người có thể đề xuất giải pháp cho khách hàng Việt Nam? Hệ cơ sở dữ liệu lớn nhất về khách hàng của ngành bất động sản, thực chất, đang nằm đâu đó trong máy chủ của các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Nếu đường biên pháp lý không theo kịp tốc độ phát triển, chúng ta có thể để ngỏ thị trường này cho các tập đoàn đa quốc gia khai thác", ông Anh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo đánh giá, bất chấp những trồi sụt của thị trường, proptech sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai gần. Sự phát triển này cũng phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam của chính phủ. Tuy nhiên, sẽ cần nhiều hơn nỗ lực của chính các doanh nghiệp proptech để cuộc cạnh tranh được sòng phẳng và sự phát triển của ngành bất động sản trở nên bền vững và lành mạnh.