Giám đốc Quốc gia WB: Nâng cao năng suất là con đường phát triển kinh tế

16:51, 13/12/2017

TheLEADERDiễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) diễn ra tại Hà Nội vào hôm nay (13/12) tập trung vào mục tiêu tăng năng suất, một yêu cầu tối quan trọng đối với viễn cảnh phát triển trong trung hạn của Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao các thành tựu chính mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2017.

Việt Nam đã tăng 14 bậc trong thư hạng môi trường kinh doanh 2018. Theo ông Dione, quá trình cải cách phải duy trì được đà tăng tích cực này vì Việt Nam rất cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao hơn nữa năng lực sản xuất.

Trong 5 năm qua, đặc biệt là sau thời kỳ suy thoái toàn cầu, Việt Nam đã có sự hồi phục đáng khích lệ về tăng trưởng. Tuy nhiên, việc năng suất lao động vẫn tiếp tục tăng với tốc độ thấp là một vấn đề cần quan tâm. 

Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay. 

Với tốc độ tăng năng suất như hiện nay, Việt Nam khó có thể duy trì được đà tăng trưởng nhanh để theo kịp quỹ đạo phát triển của những nước như Hàn Quốc và Singapore.

" Vậy làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam tăng được năng lực sản xuất với cùng một mức đầu vào?", ông Dione đặt câu hỏi.

Đây có thể là một câu hỏi đơn giản nhưng để tìm được câu trả lời không hề dễ dàng. Theo Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, việc cải thiện hiệu quả phải được thực hiện trong từng lĩnh vực cũng như giữa các lĩnh vực, và muốn vậy cần phải có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của nhà nước. 

Từ đó, ông Dione nêu ra 4 nội dung chính cần phải thảo luận tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017 gồm:

Một là, từng lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn còn nhiều dư địa để nâng cao hiệu quả, như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, tăng cường chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực giao thông, vận tải, kho vận hậu cần, khả năng kết nối. 

Nhưng ngoài việc nâng cao hiệu quả, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị cũng là một yếu tố tối quan trọng để cải thiện năng suất. 

Giám đốc Quốc gia WB: Nâng cao năng suất là con đường phát triển kinh tế
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới Ousmane Dione

Hai là, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực, trong đó cần có sự định hướng thị trường nhiều hơn nữa để phân bổ nguồn lực sản xuất trên cả thị trường vốn và thị trường đất đai.

Ba là, cần hết sức chú trọng đến mục tiêu phát triển giáo dục, kỹ năng và đổi mới, sáng tạo trong các giải pháp nâng cao năng suất. Về giáo dục cơ sở, Việt Nam đã đạt được kết quả tốt. Nhưng Việt Nam sẽ cần phải có những kiến thức, kỹ năng mới để góp phần nâng cao năng suất, và đặc biệt là đổi mới nền kinh tế. 

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các ngành sản xuất công nghiệp, chế tạo, chế biến, cũng như nông nghiệp và dịch vụ sẽ ngày càng phát triển lên trình độ phức tạp hơn. 

Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam huy động, sử dụng các nguồn lực công khan hiếm một cách hiệu quả để đầu tư cho các mục tiêu phát triển lớn của mình trong vòng 5 năm tới. 

Trong bối cảnh nguồn hỗ trợ phát triển ưu đãi đang giảm dần do Việt Nam mới đây đã được công nhận là nước thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ ngày càng phải sử dụng nhiều nguồn nội lực hơn. 

Tăng cường nguồn thu trong nước, cùng các giải pháp nâng cao hiệu quả chi tiêu, năng lực quản lý nợ, đặc biệt là thị trường nợ trong nước, sẽ là các yếu tố quan trọng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển mà không làm nợ tăng lên đến mức thiếu bền vững. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh các giải pháp tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư có chất lượng vào hạ tầng cơ sở để đóng góp đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu cấp bách về tăng năng suất lao động. 

"Tôi hy vọng Luật đối tác công tư (PPP) mới, toàn diện hơn sẽ xử lý được nhiều vướng mắc hiện nay về PPP tại Việt Nam. Một vấn đề cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn lực ODA sẽ cần được sử dụng một cách hiệu quả, chiến lược để bổ sung cho nguồn lực công trong nước, cũng như hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân", ông Dione khẳng định.