Giao thương Việt – Mỹ sắp cán mốc 100 tỷ USD

Quỳnh Chi - 16:13, 18/11/2021

TheLEADERNhững khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải khi giao thương với đối tác Hoa Kỳ là rất lớn nhưng nhìn chung, theo đánh giá của các hiệp hội và cơ quan nhà nước, cơ hội vẫn nhiều hơn thách thức.

Giao thương Việt – Mỹ sắp cán mốc 100 tỷ USD
Bất chấp tác động của đại dịch, kim ngạch hai chiều Việt Nam - Mỹ năm 2021 dự kiến đạt 100 tỷ USD.

Năm 2020, lần đầu tiên, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vượt mốc 90 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ mười của Hoa Kỳ trong khi Hoa Kỳ cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Ông Vũ Thắng Vượng, Đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, bất chấp tác động của đại dịch, con số kim ngạch hai chiều năm 2021 dự kiến đạt mức kỷ lục 100 tỷ USD. Ông Vượng cho rằng, mục tiêu chính sách và các hành động trong thời gian tới là hướng đến duy trì và đảm bảo ổn định thị trường để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn vì Hoa Kỳ đã là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam.

Nhận định về bối cảnh hiện nay, đại diện Bộ Công thương chỉ ra, chính quyền Mỹ hiện có xu hướng đảo ngược các chính sách thương mại – đầu tư mang tính tranh cãi trước đây sang cách tiếp cận ôn hoà và cẩn trọng hơn, dựa trên luật lệ, tính dự báo và ít gây sốc hơn.

Chính quyền Mỹ cũng đã phát ra các tín hiệu đầu tiên về ưu tiên phát triển kinh tế thương mại với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để thúc đẩy nền kinh tế đang bị cho là đình trệ trong quá trình phát triển.

Mỹ là quốc gia có lợi thế về công nghệ với các tập đoàn mạnh về thương mại số. Do đó, chính quyền nước này có xu hướng thúc đẩy và gây sức ép để các đối tác phải mở cửa thị trường trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ số.

Ngoài ra, ông Vượng cho rằng, trong các cuộc đàm phán với đối tác sắp tới, lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ chú trọng những nội dung liên quan đến lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ; đồng thời, giám sát chính sách tiền tệ của các nước và buộc các đối tác phải có những nhượng bộ nhất định trong quá trình đàm phán.

Với sự chuyển hướng của Mỹ sang ưu tiên hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Việt Nam nhờ vị trí thuận lợi ở khu vực rất có thể trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, thu hút Hoa Kỳ vào các lĩnh vực trọng tâm mà họ đang quan tâm như kinh tế số, năng lượng, hạ tầng, hàng không.

“Dịch Covid đang từng bước được kiểm soát tại Hoa Kỳ, việc tiêm vaccine diện rộng phát huy tác dụng và các chỉ số đã có sự phục hồi thì sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian ngắn tới đây”, ông Vượng nói trong diễn đàn "Thúc đẩy giao thương Việt Nam - Hoa Kỳ trong bối cảnh mới".

Tuy nhiên, ông Vượng lưu ý, càng quan hệ sâu rộng với đối tác lớn hơn nhiều thì thách thức ngày càng lớn, nổi bật trong đó là việc bị gây áp lực trên bàn đàm phán. Bên cạnh đó, yêu cầu và khả năng đáp ứng trong lĩnh vực kinh tế số còn có sự chênh lệch lớn nên cần giải quyết cẩn thận trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ông Vượng cho biết, trên bàn đàm phán, phía Hoa Kỳ chưa bao giờ coi Việt Nam là nước đang phát triển, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ. “Thay vào đó, họ coi Việt Nam là đối tác thương mại đầy đủ, thậm chí là hưởng lợi từ bất ổn toàn cầu. Nên động thái của ta trong thời gian tới là tính toán kỹ lưỡng và cân đối cho hài hoà, phù hợp”, ông Vượng nói.

Cơ hội nhiều hơn thách thức trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước là điều được nhiều doanh nghiệp và chuyên gia nhận định.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng có các quy định ngặt nghèo cả về hàng không và vận tải biển.

Nhiều vấn đề cũng phát sinh trong thời gian qua, đặc biệt là thời gian và chi phí vận tải đường biển gia tăng. Cụ thể, vận chuyển biển từ Việt Nam sang Mỹ tăng gấp 5-6 lần, tàu đến dỡ hàng phải đợi 1 tháng tới cảng, đợi 1-2 tuần mới có xe tải.

Do đó, cơ hội vận chuyển bằng hàng không trở nên tăng mạnh. Đường bay thẳng thường lệ đến Mỹ mà Vietnam Airlines mới được cấp phép sẽ mở ra cơ hội lớn cho logistics. Ông Khoa cũng cho rằng, hợp tác logistics rất quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến năng lực của các doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Về hợp tác đầu tư, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng, dù Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn về điều kiện và luật pháp chính sách rất cao nhưng trong những năm qua, cơ chế chính sách của Việt Nam đều được các nhà đầu tư đánh giá rất cao sau một quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoàn thiện thể chế. 

Theo ông Chung, mặc dù Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19, nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ đều khẳng định, dịch chỉ là vấn đề trước mắt. Họ đánh giá cao môi trường đầu tư vào Việt Nam và khẳng định tiếp tục đầu tư trung hạn, dài hạn.

Tiềm lực kinh tế của Việt Nam có sự phát triển mạnh trong thời gian qua. Bên cạnh các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng doanh nghiệp, đặc biệt khối tư nhân phát triển rất mạnh mẽ. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy cho việc kết nối hợp tác giữa các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam trong thời gian tới.

Các chính sách thu hút đầu tư cũng đã có những thay đổi theo hướng phù hợp với các tiêu chí thúc đẩy đầu tư Mỹ. Đáng chú ý, Nghị quyết về thu hút đầu tư đến năm 2030 của Việt Nam xác định rõ định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với các tiêu chí cao hơn, thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông Trần Phương Lâm, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (Hansiba) cho rằng, đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp Mỹ tận dụng cơ hội đầu tư vào Việt Nam khi các doanh nghiệp Việt Nam đang phục hồi sản xuất, đặc biệt là xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất.

Đại diện Hansiba cho hay, hiện nay, các quỹ đầu tư của Hoa Kỳ đang hoạt động tích cực khi chuẩn bị quỹ đất khu công nghiệp để xây dựng chuỗi nhà xưởng phục vụ tái hoạt động sản xuất, để tái phục hồi hoạt động nhanh chóng.

Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Hoa Kỳ nghiên cứu việc tài trợ vốn, tiến tới việc hợp tác phát triển sản xuất, xây dựng các khu hạ tầng sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế, tận dụng cơ hội mới trong tương lai.