Để xuất khẩu có thương hiệu vào Mỹ

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - Đặng Hoa - 10:12, 25/05/2021

TheLEADERViệc xuất khẩu có thương hiệu vào Mỹ sẽ giúp xoá bỏ tâm lý nhược tiểu bấy lâu nay của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Để xuất khẩu có thương hiệu vào Mỹ
Hoa Kỳ đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam

Xuất khẩu vào Mỹ - đòn bẩy kinh tế vững mạnh

Mới đây, tờ Wall Street Journal (Mỹ) đã có bài viết cho rằng, Mỹ đang chiếm tỷ trọng ngày một lớn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đạt 29% tính trong vòng 12 tháng, tính đến tháng 1/2021. 

Tờ báo này cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước kiểm soát đại dịch Covid-19 “ấn tượng nhất thế giới, đặc biệt xét trong khung thu nhập của quốc gia”, đồng thời hồi phục tốt sau đại dịch.

Chỉ trong 3 năm (dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump) Việt Nam vươn lên từ vị trí 12 lên vị trí thứ sáu trong số các quốc gia dẫn đầu xuất khẩu vào Mỹ. Yếu tố thúc đẩy tăng trưởng quan trọng này chủ yếu nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Việt Nam hưởng lợi từ sự dịch chuyển các luồng hàng thuế suất cao ở Trung Quốc. Sự tăng trưởng này cũng nhờ vào nỗ lực mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp và chính phủ hai nước Việt Nam - Mỹ.

Theo bảng số liệu vừa công bố kết quả 12 tháng gần nhất, tính đến tháng 3/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 85,5 tỷ USD chiếm vị trí thứ sáu thế giới,, chỉ xếp sau Đức (115 tỷ USD), Nhật Bản (118 tỷ USD), Canada, Mexico và Trung Quốc.

Cũng theo đó, Việt Nam vượt trên các quốc gia hàng đầu như Hàn Quốc, Ấn Độ, Italia, Anh và Pháp trong xuất khẩu vào Mỹ. Với đà tăng trưởng 30% trong những năm gần đây, Việt Nam thậm chí có thể kỳ vọng bám sát và bằng với Nhật Bản, Đức trong thời gian tới.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 2,24 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020 (15,95 tỷ USD). Phân tích số liệu cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức xuất khẩu vào Mỹ 100 tỷ USD ngay trong năm 2021.

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu qua Mỹ có thể thấy đà tăng trưởng vẫn còn và dư địa tăng trưởng rất lớn. Trong đó, gạo, nông sản, trái cây chỉ mới vượt ngưỡng thâm nhập chứ chưa đạt ngưỡng phổ biến.

Những con số này có thể xem là đòn bẩy mạnh mẽ để doanh nghiệp Việt Nam tự tin hơn, xoá bỏ tâm lý tự ti, nhược tiểu bấy lâu nay. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ sẽ giúp các doanh nghiệp thay đổi cách làm, không còn theo kiểu co cụm, thụ động và chỉ biết xuất khẩu theo kiểu giao hàng lên tàu (FOB) hoặc hàng thô như từ trước đến nay.

Lấy ví dụ từ gạo và cà phê là hai mặt hàng Việt Nam luôn nằm trong nhóm đầu thế giới nhưng tỷ trọng xuất khẩu thô vẫn chiếm phần lớn và tỷ trọng xuất vào Mỹ còn rất thấp, thương hiệu sản phẩm của Việt Nam chưa được khách hàng quốc tế biết đến.

Nói Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng tỷ trọng xuất sang Mỹ nhìn chung còn ở con số khá nhỏ so với tiềm năng. Minh chứng rõ nhất là phản hồi của bà con Việt Kiều về việc không thấy gạo của Việt Nam khi đi siêu thị.

Kể cả một ngành lớn của Việt Nam như may mặc, da giày thì tới nay vẫn đang ở trạng thái gia công, chưa có ai mạnh dạn làm một nhãn hiệu và xuất sang Mỹ. 

Vỗ ngực tự hào là số 1 thị trường nội địa cũng chẳng mang lại nhiều giá trị khi một nhà máy 30 - 50 nghìn công nhân vẫn chỉ làm gia công cho các nhãn hàng như NIKE, Adidas. Khi nào thương hiệu Việt chen chân ra thế giới, mở các cửa hàng cao cấp mới là lúc để tự hào.

Xut khu có thương hiu là con đường tt yếu

Mỹ là thị trường của hàng hiệu. Người Mỹ không dùng bất cứ hàng hoá nào không có nhãn hiệu. Sản phẩm vào Mỹ phải có nhãn hiệu, chẳng hạn như gạo ST25, thì mới giúp doanh nghiệp thoát được tâm lý nhược tiểu và giá trị thấp. Chính thị trường Mỹ cũng khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu, khác hẳn với cách làm của thị trường Trung Quốc – chỉ nhập khẩu các sản phẩm thô hoặc FOB.

Như vậy, xuất khẩu có thương hiệu (consumer brand) là con đường tất yếu, là con đường bền vững để chinh phục người tiêu dùng. Người Mỹ ở bất kỳ tiểu bang nào khi dùng sản phẩm ngon và sạch nhất thế giới có ý thức tiêu dùng rất cao phải biết xuất xứ nhãn hiệu. 

Thậm chí, các hiệp hội và giới truyền thông còn rất coi trọng yếu tố phát triển bền vững trong từng sản phẩm như nguồn gốc nguyện liệu sạch, lao động và môi trường…

Thị trường Mỹ là thị trường dành cho các công ty làm việc chuyên nghiệp, có thương hiệu và tuân thủ các tiêu chuẩn tốt. Nếu làm được, giá trị thu về có thể tăng gấp 3 - 5 lần. Một túi xách gia công có giá thành vài USD nhưng túi có nhãn hiệu bán ở Mỹ không bao giờ thấp hơn 200 USD.

Dấu hiệu tích cực là sau vụ gạo ST25, nhiều công ty Việt đã chạy đua đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ. Đó là bước đi đầu tiên khi muốn thâm nhập thị trường này. 

Một khi đã tự tin xuất khẩu vào Mỹ bằng tên tuổi của doanh nghiệp với việc vượt qua các hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất, các tiêu chuẩn pháp lý phức tạp và vượt qua nhiều rào cản khác… thì có thể chinh phục được thế giới.

Các nhà nhập khẩu, phân phối, khách hàng ở Mỹ mà trong đó có cộng đồng Việt Kiều trong những năm gần đây đều có cảm tình với các sản phẩm đến từ Việt Nam, đặc biệt là nông sản và trái cây. 

Trong khi mười năm trước, các sản phẩm này không thể vào được thị trường Mỹ do doanh nghiệp ngại làm bao bì nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu, làm thủ tục xuất khẩu, không chịu tìm kiếm các nhà phân phối…

Đáng mừng là tâm lý thụ động này đến nay đã được gỡ bỏ và các doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác nhau đang có nhiều cơ hội để chuyển mình, khẳng định bản thân trên sân chơi quốc tế.

Ngành cao su trong hai năm qua đã tăng trưởng trở lại và đạt doanh số tốt. Đặc biệt trong mùa Covid-19, găng tay cao su của Việt Nam “có giá” trên thế giới. 

Một sản phẩm khác là nệm cao su thiên nhiên đã quay trở lại phát triển rầm rộ và đồng hành cùng với sự phát triển của ngành bất động sản sau một thời gian dài bị lãng quên do sự thâm nhập của sản phẩm nệm ép đến từ Hàn Quốc. 

Chính nệm cao su thiên nhiên của Việt Nam cũng được xuất khẩu ra thế giới mà điển hình cho xuất khẩu bằng thương hiệu phải kể đến nệm Kymdan.

Mảng hàng điện tử của Việt Nam tuy có giá trị xuất khẩu cao, nhưng đa phần làm gia công cho các thương hiệu lớn mà chưa có tỷ trọng giá trị nội địa tương xứng. 

Tuy nhiên, Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những thương hiệu đầu tiên như VinFast trong ngành ô tô với nỗ lực mạnh mẽ hướng đến chinh phục thị trường Mỹ.

Xuất khẩu có thương hiệu vào Mỹ là con đường tất yếu 1
Logo Vinfast ở quảng trường Thời Đại (Mỹ)

Trong nhiều ngành khoa học, ngành công nghệ cao, ví dụ như vắc xin, nếu thử nghiệm thành công thì có thể sản xuất vắc xin hoặc bước đầu mua bản quyền sản xuất vắc xin. Gần đây, Việt Nam đã sản xuất khá nhiều loại vắc xin, có thể xem đó là một trong những nền tảng để vươn lên trong các ngành công nghệ cao.

Với ngành công nghệ hoá sinh, vi sinh, Việt Nam có thể sản xuất các sản phẩm có giá trị cao, trong đó có nấm linh chi hay thậm chí là đông trùng hạ thảo. Ngành công nghệ vi sinh của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ với các sản phẩm được đánh giá cao trên thị trường quốc tế.

G b vướng mc

Người Mỹ hoan nghênh các doanh nghiệp làm ăn danh chính ngôn thuận. Doanh nghiệp chỉ làm gia công sẽ không bao giờ có vị thế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc để có thể tiến sâu vào thị trường Mỹ.

Vướng mắc đầu tiên là đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu hàng hoá và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở yếu tố tâm lý e ngại chứ không phải về kỹ thuật.

Nhận thức về sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt còn kém. Nhiều người có năng lực khoa học công nghệ vẫn ngần ngại, chưa mạnh dạn đăng ký bằng sáng chế. 

Ý thức của doanh nhân đăng ký bằng sáng chế ở Mỹ như doanh nhân Nguyễn Phú Vinh, Chủ tịch FUVI Cognitive Network Corp (Mỹ) còn ít trong khi việc này mang lại cơ hội rất lớn cho cả cá nhân và doanh nghiệp.

Năm 2015, ông Vinh nộp hai bằng sáng chế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo qua Mỹ, ngay lập tức có nhà đầu tư của Mỹ hỗ trợ làm thẻ xanh trong 3 tháng và sau 6 tháng đã đưa cả gia đình qua Mỹ định cư một cách dễ dàng. Sau này, công ty mở chi nhánh ngược lại tại Việt Nam. Những người như ông Vinh đến với Mỹ trong tâm thế của người làm chủ.

Vướng mắc thứ hai với nhiều doanh nghiệp là không biết cách xây dựng hệ thống phân phối và bán lẻ. Thực sự minh bạch và xây dựng thương hiệu sẽ là tiền đề để có thể bắt tay với đối tác Mỹ. Chỉ mở hệ thống phân phối mà không làm thương hiệu thì cũng như húc đầu vào tường, cần coi chiến lược thị trường và thương hiệu như một mối quan hệ hữu cơ.

Việc xuất khẩu có thương hiệu vào Hoa Kỳ sẽ giúp xoá bỏ tâm lý nhược tiểu bấy lâu nay của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Võ Văn Quang
Chuyên gia thương hiệu

Khi đã có thương hiệu, sẽ có nhiều con đường để mở thị trường Mỹ. Một là mang sản phẩm có thương hiệu tiếp cận với các hệ thống phân phối có sẵn như Walmart, Costco, 7-Eleven, cũng như các chuỗi siêu thị Việt Nam tại Mỹ.

Hai là theo quan hệ Chính phủ với các thoả thuận được ghi rõ trong các công hàm, hiệp định thương mại…

Ba là tìm kiếm cơ hội bằng việc tham gia các hội chợ được tổ chức hàng năm, các đoàn hội doanh nhân và phòng thương mại, hiệp hội từ Việt Nam.

Bốn là thông qua cộng đồng người Việt và du học sinh ở Mỹ, thâm nhậm và chinh phục cộng đồng người Việt ở Mỹ, các chỗi siêu thị châu Á và sau đó chinh phục thị trường từng bước theo chiến lược “vết dầu loang”.

Năm là thâm nhập qua thương mại điện tử ngay từ sân nhà, như E-bay, Amazon, Alibaba…

Sáu là trực tiếp mở chi nhánh tại Mỹ. Việc này có nhiều cái lợi nhất là có thể cho con em đi du học và sau này ở lại điều hành chi nhánh hay liên doanh tại Mỹ. Với cách này có thể kiêm vai trò stockist (thương nhân có trữ hàng) mở kho hàng tại Mỹ mà không qua trung gian nhà phân phối nhập khẩu.

Cách thứ bảy là mở cửa chuỗi cửa hàng kinh doanh sản phẩm có thương hiệu trực tiếp tại Mỹ. Đây là chiến lược kinh doanh bền vững nhất và có hàm lượng kinh tế lợi nhuận cao nhất.