Cuộc chiến xóa bỏ giấy phép con cản trở doanh nghiệp đã kéo dài cả thập kỷ nhưng chưa thực sự cho thấy kết quả như mong đợi. Nhiều ý kiến đã ví von “giấy phép con cứ như đầu Phạm Nhan, chặt đầu này lại mọc đầu khác”…
Điều kiện kinh doanh hay còn được gọi là “giấy phép con” lâu nay luôn là gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính của việc liên tục đặt thêm các giấy phép con chính là vì sự quản lý yếu kém của các cơ quan nhà nước, nhiều điều kiện mang tính can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp mà không rõ mục tiêu quản lý; đặc biệt là tư duy quản lý kiểu “cứ không quản được thì cấm”.
Hàng chục năm qua, tiến trình cắt giảm dần tiến tới loại bỏ các giấy phép con đã được thực hiện mà khởi nguồn từ Luật Doanh nghiệp 2000 với luồng gió mới về tư duy “người dân được làm những gì pháp luật không cấm”.
Tuy nhiên sau khi hàng trăm giấy phép con được định danh và loại bỏ thì chỉ một thời gian sau các kiểu giấy phép con và điều kiện kinh doanh khác lại xuất hiện trong các văn bản pháp lý khác nhau được ban hành.
Nhiều cuộc tranh luận nảy lửa cả ở nghị trường Quốc hội hay trên các diễn đàn kinh tế với mục tiêu xóa bỏ các giấy phép con không cần thiết, không phù hợp nhưng chưa thực sự cho thấy kết quả như mong đợi. Nhiều ý kiến đã ví von: “giấy phép con cứ như đầu Phạm Nhan, chặt đầu này lại mọc đầu khác”…
Thời gian gần đây, với quan điểm kiến tạo và hành động, Chính phủ đã cho thấy rõ quyết tâm xóa bỏ các rào cản gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, với việc hàng chục nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành, đã có hơn 3.000 giấy phép con bị xóa xổ trong tổng số gần 7.000 điều kiện kinh doanh đang tồn tại.
Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã phát biểu với báo chí lúc đó: “Đây không phải thời điểm kết thúc của quá trình cải cách về điều kiện kinh doanh, mà chính là thời điểm khởi đầu công cuộc này đi vào thực chất, xóa bỏ lợi ích cục bộ, “quyền anh - quyền tôi” của các bộ như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết”.
Tiếp đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD (OECD đã đặt ra tiêu chí chuẩn mực nhất về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật); giao Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu đề xuất bãi bỏ tiếp các điều kiện hạn chế cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng một nghị định hoặc một chỉ thị về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh, trình Thủ tướng ban hành trong quý IV/2017.
Ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã trình Chính phủ đề xuất bỏ tiếp 1.930 yêu cầu, điều kiện kinh doanh. Trong đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần 302 điều kiện về tài chính; đề xuất bỏ toàn bộ 85 điều kiện kinh doanh về địa điểm và 1.336 điều kiện về năng lực sản xuất, 127 điều kiện về phương thức kinh doanh, 80 điều kiện về quy hoạch... Các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề thực sự đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm, như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác… cũng được Bộ Kế hoạch và đầu tư kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần.
Có thể nói đây là một sự kiện rất ý nghĩa mang tính khích lệ lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ về tạo lập môi trường kinh doanh của Việt Nam thuận lợi.
Nhân sự kiện này, Ban biên tập TheLEADER thực hiện chuyên đề: Giấy phép con có còn là “đầu Phạm Nhan”?, với sự tham gia đóng góp ý kiến, phân tích, bình luận của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế uy tín, với mục tiêu góp phần làm rõ hiện trạng, nguyên nhân và đưa ra được các giải pháp hữu ích để loại bỏ được cơ bản tình trạng giấy phép con đang rất nhức nhối trong hoạt động kinh doanh trong nước hiện nay.
Đề xuất xóa bỏ gần 2.000 giấy phép con cản trở doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối, không đồng tình của cơ quan quản lý vốn đang sử dụng những thủ tục đó để kiếm lợi, thu phí ngoài pháp luật thông qua việc “bôi trơn”, “đi cửa sau” của doanh nghiệp.
Ba chữ viết tắt VAT làm tôi chợt bật ra câu hỏi: Vì Ai (mà) Tăng thuế? Vì Ai Thế? Ở một đất nước mà Nhà nước khẳng định là “của dân, do dân, vì dân”, thì rút cuộc tăng thuế VAT lần này là do ai, vì ai?
Đầu tư bền vững tương tự cách chúng ta chọn lọc, chỉ đánh bắt con cá đã đủ trưởng thành làm thực phẩm, để lại các con cá nhỏ để chúng tiếp tục sinh trưởng.
Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.
Mục đích thương hiệu không chỉ giúp xây dựng niềm tin với khách hàng, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra những giá trị bền vững cho xã hội và môi trường.