Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Sớm tháo gỡ 'điểm nghẽn' thể chế
Trong ba 'điểm nghẽn' lớn nhất hiện nay gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế chính là 'điểm nghẽn' của 'điểm nghẽn', Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Xác định "tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế", nhiều đại biểu quốc hội nhấn mạnh việc tháo gỡ 'nút thắt gốc' này là nhiệm vụ căn cơ và cấp bách.
Đây là ý kiến đồng thuận của nhiều đại biểu bên lề phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7 - 7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31 - 33 thế giới về quy mô GDP.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2025, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp quan trọng, căn cơ, cấp bách cần triển khai là tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, chính sách nhằm tạo sự phát triển bứt phá.
Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (đoàn tỉnh Bến Tre), các mục tiêu này có thể đạt được nhưng cần điều kiện và giải pháp thực sự quyết liệt và mạnh mẽ, trong đó, cần quan tâm tháo nút thắt về thể chế. Chính phủ đang đề xuất Quốc hội chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các tỉnh thành, nhưng việc phân cấp, phân quyền phải thể hiện bằng những chính sách rõ ràng, cụ thể, nhất là về thẩm quyền đề xuất, phê duyệt và triển khai thực hiện.
Cụ thể hơn, theo ông Sơn, cần triển khai thực sự mạnh mẽ và quyết liệt các luật mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và các luật khác có tác động mạnh đến các thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu. Đồng thời, cần thực hiện bài bản, có trọng tâm, trọng điểm chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, một trong những động lực tăng trưởng là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Báo cáo cho thấy, tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp vẫn còn chậm, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Do đó, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng cách quan tâm hơn đến thị trường vốn, giúp doanh nghiệp hấp thu vốn và đưa vào sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 7% là rất cao, vì nền kinh tế vẫn đang phục hồi chậm, hơn nữa năm 2024 gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, bão lũ và Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách để miễn, giảm hoặc giãn nợ, gia hạn nợ.
Vì vậy, ông Tiến khuyến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Đại biểu Trần Văn Tiến chỉ rõ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là đánh giá lại tính khả thi của tăng trưởng để có giải pháp phù hợp. Trong đó, điều quan trọng là tháo gỡ thể chế, vì tất cả các vướng mắc đều xuất phát từ thể chế, nếu tháo gỡ được nút thắt thể chế, sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đề cập tới đầu tư công, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn tỉnh Đắk Nông) cho rằng, nhiệm vụ này có vai trò quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế, nếu thực hiện tốt sẽ tạo tăng trưởng bứt phá những tháng còn lại năm 2024 và cả năm 2025.
Theo thống kê, 9 tháng năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so cùng kỳ năm 2023. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó có nguyên nhân từ thể chế - là điểm nghẽn trong 3 điểm nghẽn lớn nhất; căn bệnh sợ trách nhiệm và việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương chưa đến nơi, đến chốn.
Đối với hoạt động đầu tư công, ông Mai đánh giá, các quy định của pháp luật cần minh bạch, rõ ràng, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và giám sát chặt chẽ. Để không còn tình trạng sợ trách nhiệm, cần rà soát để khắc phục triệt để, đảm bảo các chủ thể yên tâm thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo dễ thực hiện.
Để tháo điểm nghẽn về hạ tầng giao thông – vốn mang ý nghĩa quan trọng tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, một số đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm có tác dụng thúc đẩy địa phương cũng như cả vùng phát triển.
Nổi bật trong các đề xuất ưu tiên đầu tư thời gian trước năm 2030 là dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, với vai trò đóng góp liên kết tiểu vùng Tây Bắc với vùng trung du miền núi Bắc bộ và Thủ đô Hà Nội.
Sau khi được quyết định đầu tư, dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có chiều dài 34 km đã khởi công ngày 29/9/2024. Với đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La, tỉnh đang triển khai quyết liệt chuẩn bị đầu tư, dự kiến tháng 5/2025 sẽ khởi công.
Đại biểu Vi Đức Thọ (đoàn tỉnh Sơn La) đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành sớm chuẩn bị đầu tư dự án đường bộ cao tốc đoạn từ huyện Mộc Châu đến TP. Sơn La và tổng hợp vào danh mục đầu tư công trình trung hạn giai đoạn 2026-2030, đảm bảo hoàn thành trước năm 2030.
Khẳng định đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng, tiếp tục giúp các tỉnh phía Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng phát huy tiềm năng, khơi thông nguồn lực phát triển bền vững, ông Thọ đề xuất ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai chuẩn bị đầu tư đoạn tuyến từ TP. Sơn La đến tỉnh Điện Biên, tạo hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên theo Nghị quyết 11 ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị.
Vùng Tây Nguyên cũng nhận được kiến nghị tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn tỉnh Đắk Lắk), trong những năm qua, vùng Tây Nguyên nhận được quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành về mọi mặt, nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành và nhiều hạng mục công trình khác được đầu tư, triển khai.
Tuy nhiên, đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn hết sức khó khăn, mạng lưới kết cấu hạ tầng trong vùng còn thiếu. Vì vậy, bà Nguyệt cho rằng, rất cần quan tâm đặc biệt của Chính phủ để tạo động lực cho Tây Nguyên tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh, kết nối thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp với các vùng miền trong cả nước.
Đại biểu đề nghị Chính phủ bổ sung dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tương tự, đánh giá dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn tỉnh Quảng Ngãi) kiến nghị Chính phủ thống nhất xây dựng tuyến giao thông kết nối khu kinh tế Dung Quất đến sân bay Chu Lai tạo hành lang giao thông liên tỉnh, liên vùng Quảng Ngãi - sân bay Chu Lai (tỉnh Quảng Nam).
Qua đó tạo thuận lợi trong giao thương hàng hóa, hành khách và phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của sân bay Chu Lai, tạo tiền đề đầu tư nâng cấp mở rộng Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế.
Đặc biệt là kiến nghị đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm tại đồng bằng sông Cửu Long đến từ đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn tỉnh Vĩnh Long), trước thực tế những năm gần đây biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ngập nặng trên một số tuyến đường trong khu vực, như các tuyến Quốc lộ 63, 54, 57, đặc biệt là quốc lộ 1 qua các tỉnh Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau. Nguyên nhân chính của việc ngập nước trên các tuyến quốc lộ là do sụt lún nền đường.
Đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn tỉnh An Giang) cho biết, hiện đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế như thiếu công nghệ, thiếu nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ có những chính sách mạnh mẽ hơn để phát triển đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, logistics.
Trong ba 'điểm nghẽn' lớn nhất hiện nay gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế chính là 'điểm nghẽn' của 'điểm nghẽn', Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ phê bình nghiêm khắc lãnh đạo nhiều địa phương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, để đưa bộ luật này sớm đi vào thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong năm 2024, nếu giải ngân được 422 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và không gian phát triển mới cho đất nước.
Những vướng mắc về xác định giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư đã bỏ vốn xây dựng hạ tầng cho khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được tháo gỡ.
Thủ tướng khẳng định phát triển kinh tế tư nhân là không giới hạn, yêu cầu khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo đà tăng trưởng bền vững.
Ngoài vấn đề minh bạch nguồn gốc xuất xứ, Việt Nam cần tính đến khả năng những thỏa thuận trong đàm phán thương mại với Mỹ ảnh hưởng tới các cam kết với những nước khác.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho dự án KCN Thăng Long Thanh Hóa.
Cân bằng giữa tính giá điện theo cơ chế thị trường và ổn định xã hội vẫn luôn là bài toán khó tồn tại nhiều năm qua, nhưng bắt buộc phải giải trong thời gian tới.
Trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì do Chủ tịch nước trao tặng.
Bamboo Capital cho biết công tác thực hiện báo cáo tài chính đã bị gián đoạn do phục vụ điều tra liên quan đến các cổ đông và nhân sự.
Với định giá thấp và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, SGI Capital tin rằng đây là thời điểm để nhà đầu tư cân nhắc cơ hội.
Phần lớn ngân hàng đã ghi nhận số dư nợ xấu tăng trong quý I/2025, trong đó hơn một nửa số ngân hàng niêm yết chứng kiến mức tăng hai chữ số.
Các chuyên gia cho rằng, một thương hiệu ngân hàng tốt không chỉ nằm ở logo hay khẩu hiệu, mà là sự cam kết bền vững, được xây dựng từ niềm tin.
Ngày 9/5, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Tô Lâm và lãnh đạo cấp cao 2 nước, Vietnam Airlines đã công bố đường bay thẳng từ thủ đô Hà Nội đến Moscow, Nga.
Giá vàng hôm nay 10/5 tăng 500 nghìn đồng ở cả hai chiều đối với vàng miếng và vàng nhẫn SJC ở thị trường trong nước.