Gỡ vướng mắc chính sách để giải phóng tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp

Phạm Sơn - 06:56, 22/11/2020

TheLEADERNhiều hộ gia đình giữ đất làm “của để dành” dù không tiến hành canh tác hoặc canh tác kém hiệu quả khiến năng suất nông nghiệp bị hạn chế, không đạt được như kỳ vọng.

Gỡ vướng mắc chính sách để giải phóng tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp
Ông Trương Quốc Cấn, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi. Ảnh: VEPR.

Ông Trương Quốc Cấn, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi cho biết, ngành nông nghiệp hiện nay bao gồm đa số các nông hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc, ít có sự tham gia của doanh nghiệp và hợp tác xã.

Cụ thể, số liệu từ năm 2016 cho thấy, Việt Nam có khoảng 9,29 triệu đơn vị sản xuất thì 99,89% là các nông hộ, chỉ có 0,04% doanh nghiệp và 0,07% là các hợp tác xã. Trong đó, đa số các nông hộ sử dụng diện tích đất nhỏ hơn 0,2ha chiếm 36%, cũng như sở hữu các mảnh ruộng nằm tách biệt nhau.

Theo ThS. Đặng Thị Bích Thảo, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) điều này gây ra hiện tượng nhỏ lẻ, manh mún đất đai, gây cản trở quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời làm tăng chi phí đầu tư cố định cho các nông hộ.

Để giải quyết tình trạng trên, nhà nước đã tiến hành thực thi các chính sách dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn, bước đầu cho thấy hiệu quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

Cùng với đó, nhiều người dân đang có tình trạng giữ đất, không sang nhượng, cho thuê lại dù không hoạt động sản xuất hoặc canh tác kém hiệu quả.

“Trong mùa Covid-19, nhiều người lao động mất việc làm phải rời thành thị về quê và sống dựa vào canh tác nông nghiệp. Đất nông nghiệp trở thành công cụ giúp đảm bảo duy trì được cuộc sống của người dân trước các biến động trong cuộc sống”, ông Cần lý giải.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân vẫn giữ tâm lý chờ giải tỏa để nhận tiền đền bù đất cao hơn mức giá thị trường, cùng với việc không biết làm nghề gì sau khi bán đất.

Nhìn từ góc độ chính sách, các quy định và khung pháp lý liên quan đến quyền sở hữu đất nông nghiệp cũng đang đặt ra những rào cản nhất định cho hoạt động chuyển nhượng đất của người nông dân.

Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2020, thay mặt Liên minh Nông nghiệp, ông Cấn đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp dựa trên chính sách đất đai.

Đầu tiên, thặt chặt cơ chế thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thể hiện tinh thần nhân văn của nhà nước đối với người nông dân, tuy nhiên lại là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất.

Tại nhiều quốc gia, thuế đất nông nghiệp sẽ được đánh rất cao nếu người dân không tiến hành các hoạt động canh tác trên mảnh đất mình sở hữu, qua đó bắt buộc người dân phải tiến hành khai thác hoặc cho các cá nhân, đơn vị có nhu cầu thuê hoặc mua lại.

Thứ hai, thay đổi cơ chế định giá đất nông nghiệp sát với thị trường để tránh hiện tượng người dân “ôm đất” chờ giải tỏa.

Thứ ba, xóa bỏ các rào cản về đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, cụ thể là các quy định các tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, hộ gia đình trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Các quy định này đặt ra rào cản hạn chế sự tham gia của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có năng lực và mong muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, làm mất đi nguồn lực xã hội quan trọng giúp nâng cao năng suất cũng như khả năng ứng dụng công nghệ cao của ngành nông nghiệp.

Thứ tư, nâng cao tính minh bạch thông qua tăng cường quyền kiểm soát của người dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân tiếp cận đầy đủ các thông tin về thuế, quy hoạch, kiểm kê, thu hồi, thủ tục hành chính…

Cuối cùng, nâng cao an sinh xã hội, ổn định cuộc sống của người lao động để giải tỏa tâm lý giữ đất “phòng thân”, đồng thời tổ chức các hoạt động đào tạo, dạy nghề, giúp người nông dân có thể tự tìm kế sinh nhai sau khi bán đất.

Đồng quan điểm với ông Cấn, bà Thảo cũng đưa ra đề xuất nhà nước tiếp tục đẩy mạnh chính sách dồn điền đổi thửa, cánh đồng lớn để nâng cao năng suất canh tác nông nghiệp, tuy nhiên phải dựa trên tinh thần dân chủ, tự nguyện, tránh gây bức xúc cho người dân.

Cùng với đó, cần phải có cơ chế chuyển đổi linh hoạt về mục đích sử dụng đất để người dân tận dụng những mảnh đất xấu, nhiều chuột bọ để phục vụ các hoạt động kinh tế khác.

Về hoạt động mua bán, sang nhượng đất nông nghiệp, bà Thảo gợi ý các cơ quan chính quyền có thể tạo ra các sàn giao dịch đất ruộng, cho phép sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp mong muốn đầu tư cũng như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ.