Gói tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản có thể vượt 10.000 tỷ đồng

Dũng Phạm - 11:42, 26/05/2023

TheLEADERThủ tướng Chính phủ đã có văn bản định hướng chỉ đạo NHNN nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản – thủy sản nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất này.

Ngày 25/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức buổi làm việc về tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thuỷ sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với sự tham gia của các ngân hàng thương mại, Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản…

Tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng đang ở trong giai đoạn khó khăn. Trong khu vực sản xuất, các ngành lâm sản, thuỷ sản có tỷ trọng xuất khẩu lớn nên bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế thế giới cũng như sức cầu suy giảm của thị trường nội địa. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản định hướng chỉ đạo NHNN nghiên cứu để đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản – thủy sản nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất này.

Tiếp tục tập trung nguồn lực, cơ chế chính sách cho các lĩnh vực lâm sản, thủy sản
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, thời gian qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khôi phục phát triển sản xuất, trong đó có các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp về tín dụng, lãi suất. 

Ngay từ đầu năm NHNN đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng, chỉ đạo tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

NHNN đã điều chỉnh giảm 03 lần các mức lãi suất điều hành (với mức giảm 0,5-1,5%/năm) trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao; đồng thời thực hiện nhiều biện pháp để giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình tín dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn phục vụ cho phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng ưu đãi 1,5%-2% lãi suất của các ngân hàng đối với chủ đầu tư, người mua nhà các Dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. 

Mặt khác, tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm hỗ trợ khôi phục và phát triển sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thêm nữa, các ngân hàng cũng chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với người dân, doanh nghiệp với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường.

Tính đến ngày 16/5, dư nợ toàn nền kinh tế đạt trên 12,25 triệu tỷ đồng tăng 9,32% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (trong đó có lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp) đạt trên 3 triệu tỷ đồng, tăng 1,82% so với cuối năm 2022, chiếm gần 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế.

Đại diện Agribank cho biết tính đến ngày 5/5/2023, dư nợ lĩnh vực thủy sản, chế biến gỗ lần lượt đạt khoảng 59.000 tỷ đồng và 55.000 tỷ đồng, chiếm 5% và 4% tổng dư nợ nền kinh tế với hàng trăm nghìn khách hàng vay vốn. Bản thân ngân hàng cũng tự triển khai các chính sách tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, từ khi trồng, chăm sóc đến xuất khẩu.

Còn theo đại diện BIDV, đến nay, dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản tại ngân hàng đạt khoảng 88.000 tỷ đồng, với khoảng 381 khách hàng có dự nợ là các tổ chức. BIDV vẫn tiếp tục thực hiện cấp hạn mức tín dụng và áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực như hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất 0,5%-1%..

Đại diện Vietcombank chia sẻ, đến hết Quý I/2023, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên của ngân hàng là 408.000 tỷ đồng, chiếm 3-5% tổng dư nợ. Dư nợ của các ngành thuỷ sản, lâm nghiệp, khai thác muối… tại thời điểm cuối năm 2022 là 163.000 tỷ đồng, hiện nay là 155.000 tỷ đồng. Ngân hàng tiếp tục thúc đẩy, chỉ đạo trong việc thúc đẩy mở rộng ngành hàng, trong đó có ngành hàng thuỷ sản, gỗ, lâm sản…

Đối với đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản, Phó Thống đốc cho rằng gói tín dụng này vẫn còn nhỏ và không giải quyết hết được những khó khăn hiện nay. Do đó, phải có cơ chế để hỗ trợ xử lý, khắc phục ngay chứ không giới hạn ở con số 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, cùng với việc phải cố gắng duy trì và triển khai các gói vay hạn mức, hạ lãi suất và phí, giãn hoãn, cơ cấu nợ,...và chủ động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. 

Phó Thống đốc cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan, phối hợp với NHNN cùng chung tay giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức.