Tài chính
Hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp chống cú sốc Covid-19: Thuốc có đúng bệnh?
Các chuyên gia khuyến cáo trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong động thái mới nhất đêm ngày 3/3/2020 theo giờ Việt Nam đã tiến hành cắt giảm lãi suất nhằm bảo vệ nền kinh tế Mỹ trước tác động từ sự bùng phát và lây lan của dịch Covid-19.
Lãi suất được cắt giảm ở mức 0,5 điểm phần trăm, đưa về ngưỡng 1- 1,25%. Đây là mức cắt giảm mạnh nhất và là lần cắt giảm khẩn cấp đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Bước đi này của Fed đã gây bất ngờ với thị trường khi hầu hết dự báo trước đó cho rằng sự điều chỉnh sẽ được thực hiện trong cuộc họp vào ngày 17 - 18/3 tới.
“Các nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, vi rút Corona tạo ra các nguy cơ ngày càng lớn đe dọa tới hoạt động kinh tế. Trước những nguy cơ ấy cũng như nhằm hỗ trợ các mục tiêu về tỷ lệ lao động tối đa và ổn định giá, Ủy ban Thị trường mở liên bang hôm nay quyết định hạ thấp phạm vi mục tiêu đối với lãi suất liên bang", Fed cho biết trong thông báo.
Theo TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, động thái cắt giảm mạnh lãi suất của Fed lần này được lý giải nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đối phó với những rủi ro từ dịch Covid-19, nhất là giảm thiểu tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và tiêu dùng (giảm cú sốc cầu).
Động thái này giúp nền kinh tế đạt được những mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả, và thể hiện việc Fed cần có hành động để củng cố niềm tin, ổn định thị trường tài chính trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần từ 24-28/2/2020 đã suy giảm mạnh từ 10-12%.
Quyết định hạ lãi suất của Fed thực tế đúng như kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư. Ngày 2/3, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh (chỉ số Dow Jones tăng 5,1%) với kỳ vọng Fed sẽ có động thái hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/3 tới. Theo công cụ CME Fedwatch, 100% thị trường đánh giá Fed sẽ hạ lãi suất kỳ họp này.
Tuy nhiên, sau khi quyết định của Fed được công bố, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/3/2020 đã quay lại xu hướng giảm điểm, một phần do kỳ vọng của thị trường đã được đáp ứng; một phần là do lo ngại kinh tế Mỹ và thế giới sẽ giảm đà tăng trưởng trong năm 2020 khi diễn biến, tác động của dịch Covid-19 ngày càng rõ nét.
Kết thúc phiên ngày 3/3, các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ (DowJones, S&P 500 và Nasdaq) giảm 2,8-3%. Trong khi đó, các nhà đầu tư tăng tìm trú ẩn bằng cách đẩy mạnh mua vàng và trái phiếu Chính phủ Mỹ, khiến giá vàng tăng 2,9%, lên mức khoảng 1.645 USD/ounce và giá trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng mạnh, đồng nghĩa với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống dưới 1% (ở mức 0,999%, giảm 16,4 điểm cơ bản).
Động thái giảm lãi suất khẩn cấp này liệu đã đúng bệnh?
Dịch Covid-19 đã và đang có tác động tiêu cực đến cả tổng cung (các ngành sản xuất theo chuỗi) và tổng cầu (du lịch-nhà hàng-khách sạn, vận tải, giao thương, giải trí, bán lẻ..).
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp là dòng tiền, thanh khoản và niềm tin, cần hỗ trợ tức thì trong khi chính sách tiền tệ như giảm lãi suất cơ bản lại có độ trễ.
Thay vào đó, quan trọng hơn là cần giảm, giãn các nghĩa vụ trả nợ của người dân, doanh nghiệp như miễn giảm phí/thuế, giãn-hoãn nợ vay và tiền thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn, tăng chi tiêu đầu tư công, TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV đánh giá trong nghiên cứu “Fed hạ lãi suất khẩn cấp: Liệu đã đúng bệnh và hàm ý gì với Việt Nam?” công bố mới đây.
Vì thế, giảm lãi suất cơ bản của Fed chưa phải là đúng bệnh, nhất là trong bối cảnh dư địa giảm lãi suất không còn nhiều (ở Nhật Bản và Châu Âu thậm chí lãi suất cơ bản âm).
Thậm chí, động thái giảm mạnh lãi suất này chứng tỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro phía trước, vì vậy thị trường có phản ứng trái chiều. Ngoài ra, Chủ tịch Jerome Powell của Fed lưu ý rằng Fed không sẵn sàng sử dụng thêm bất kỳ công cụ nào để kích thích nền kinh tế ngoài việc hạ lãi suất. Đây có thể cũng là yếu tố gây thất vọng đối với các nhà đầu tư bởi họ mong đợi nhiều động thái mạnh mẽ hơn từ Fed.
Trong khi đó, người Mỹ và nhà đầu tư mong đợi Chính phủ ưu tiên hơn, quyết liệt hơn trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Mỹ cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhưng điều này có vẻ chưa được như mong đợi.
Thứ ba, chính sách tài khóa dường như được mong đợi hơn tại thời điểm này. Theo đó, Quốc hội Mỹ đang bàn thảo đưa ra gói hỗ trợ khoảng 7,5 tỷ USD để giúp phòng chống dịch bệnh. Bộ Tài chính Mỹ cũng đang dự tính đẩy mạnh đầu tư công (nhất là cơ sở hạ tầng) và nới lỏng quy định đối với ngân hàng để các ngân hàng có thể cho vay nhiều hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng kêu gọi giảm phí bảo hiểm xã hội trong một năm. Đây là những hỗ trợ tài khóa mà người dân Mỹ mong đợi hơn cả.
Hàm ý đối với Việt Nam
Nhiều ý kiến thảo luận xoay quanh việc dùng chính sách tiền tệ hay tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam. Việc xác định đúng và trúng chính sách, công cụ hỗ trợ lúc này là rất quan trọng trong điều kiện nguồn lực có hạn và dư địa chính sách không còn nhiều.
Theo nhóm nghiên cứu của Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai là các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc.
Trong những trường hợp chống cú sốc ngắn hạn như hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.
Ba là để hỗ trợ hộ kinh doanh và doanh nghiệp về dòng tiền và tính thanh khoản; Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh.
Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-2%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng.
Theo đó, NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí hỗ trợ để các TCTD nhất quán thực hiện và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn.
Bốn là đối với chính sách tài khóa, Chính phủ chỉ đạo sớm cho phép giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính như nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội, tiền thuê đất. Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua).
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch.
Năm là việc Fed giảm lãi suất khiến đồng USD và thị trường chứng khoán biến động, giá vàng tăng. Chính phủ chỉ đạo dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng - cũng là động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.
Cuối cùng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tận dụng cơ hội nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (tư nhân và FDI phát triển tốt hơn); tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến.
Bên cạnh đó, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020) cũng như cần hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ.
Hàng loạt ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất do Covid-19
Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất tiền gửi
Quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 19/11
Hanoi Melody Residences 'nóng bỏng tay' nhờ diễn biến mới
Tổ hợp cao cấp tại nội đô Hanoi Melody Residences với mức giá chỉ từ 62 triệu đồng/m2 gây sốt trên thị trường bất động sản Hà Nội.
Đổi mới từ tư duy đến hành động để tháo gỡ nút thắt thể chế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh những đổi mới hoạt động của Quốc hội nhằm tháo gỡ những nút thắt thể chế, trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-TW tổ chức mới đây.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy các dự án trọng điểm tại Đông Nam Bộ
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, đã chủ trì hội nghị lần thứ 5 của hội đồng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025.
Giằng co cán cân quyền lực ở Eximbank
Kết quả đại hội cổ đông bất thường của Eximbank mới đây cho thấy chưa có nhóm cổ đông nào giành hoàn toàn thế thượng phong.
OCB lọt top doanh nghiệp bền vững năm 2024
Kiên trì mục tiêu trở thành ngân hàng xanh và bền vững tiên phong tại Việt Nam, OCB vừa được vinh danh Top 100 doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI 100) năm 2024.
Lý do nhà phố LA Sol thu hút cả nhà đầu tư và người mua an cư
Nhà phố LA Sol sở hữu tiềm năng đầu tư vượt trội nhờ vị trí cửa ngõ khu đô thị sinh thái quy mô 100ha và liền kề khu căn hộ chuẩn bị thành hình.
Ông Nguyễn Khắc Thận được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình
Ông Thận thay cho ông Ngô Đông Hải đã được điều động làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.