Hà Nội và TP. HCM lọt top 10 thành phố năng động nhất thế giới

Minh Anh - 16:44, 15/03/2018

TheLEADERTP. HCM và Hà Nội lần lượt đứng ở vị trí thứ ba và thứ sáu trong top 10 bảng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng ngắn hạn của JLL.

Hà Nội và TP. HCM lọt top 10 thành phố năng động nhất thế giới
Bảng xếp hạng Chỉ số tăng trưởng ngắn hạn CMI của JLL

JLL vừa ra mắt báo cáo Chỉ số tăng trưởng thành phố (CMI) lần thứ 5 về những thành phố năng động nhất thế giới, theo dõi rất nhiều yếu tố để xác định những thành phố có các thuộc tính thành công trong ngắn hạn và dài hạn.

Theo đó, chỉ số CMI tăng trưởng ngắn hạn xếp hạng các nền kinh tế đô thị và thị trường bất động sản hiện đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất. Bảng xếp hạng cho thấy sự nổi bật của Châu Á Thái Bình Dương như là điểm đến cho đầu tư, thương mại và đổi mới toàn cầu, với 25 thành phố thuộc top 30 toàn cầu.

JLL cho rằng, tốc độ và quy mô của nền kinh tế toàn cầu hóa và số hóa hiện nay đã dẫn đến sự biến đổi chưa từng thấy của các thành phố. Khi công nghệ được tiếp cận dễ dàng hơn; nhu cầu đổi mới và tuyển dụng nhân tài ngày càng tăng, các thành phố cần phải thích ứng và xây dựng một môi trường có khả năng nuôi dưỡng nhân tài, sáng tạo và kết nối nhằm duy trì năng lực cạnh tranh và bắt kịp tốc độ tăng trưởng.

Trong đó, TP. HCM (đứng thứ 3) và Hà Nội (đứng thứ 6) của Việt Nam đang thu hút một lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể khi quốc gia này hội nhập vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ cao trong khu vực và toàn cầu. Điều này giúp kinh tế và mức thu nhập tăng trưởng nhanh chóng, dẫn đến tỷ lệ bán lẻ và số lượng hành khách hàng không tăng cao nhất thế giới.

"Không có gì ngạc nhiên khi cả TP. HCM và Hà Nội lọt vào top 10. Tốc độ phát triển của cả hai thành phố là rất rõ ràng và chính phủ đang đầu tư đáng kể cho cơ sở hạ tầng, tiếp sức cho đà tăng trưởng này trong tương lai,” ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL cho biết. 

Cũng theo ông Stephen: "Thành phố năng động và bùng nổ, cùng với sự tự tin cao và tâm lý thị trường tích cực. Trong vài năm trở lại đây, đã có sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia vào thị trường hấp dẫn này và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần”.

Báo cáo của JLL cho biết, Ấn Độ vẫn đứng đầu bảng tăng trưởng ngắn hạn với bốn thành phố thuộc top 5, các thành phố này thể hiện mức tăng trưởng kinh tế và nhân khẩu học cao nhất toàn cầu, đồng thời được hưởng lợi từ những nỗ lực của chính phủ vào cơ sở hạ tầng và các chiến dịch thu hút đầu tư. 

Các trung tâm công nghệ hàng đầu như Hyderabad (thứ 1) và Bangalore (thứ 2) giữ hai vị trí đầu bảng, trong khi Pune (thứ 4) và Kolkata (thứ 5) thuộc Top 5. Các thành phố lớn của Ấn Độ gồm có Delhi (thứ 8), Chennai (thứ 14) và Mumbai (thứ 20) cũng lọt Top 30 toàn cầu, với nhu cầu mạnh mẽ của các công ty công nghệ, tài chính và dược phẩm vẫn tiếp tục thúc đẩy khối lượng giao dịch và hoạt động của nhà đầu tư tại đây vẫn trên đà tăng trưởng.

Mặc dù triển vọng kinh tế tại Ấn Độ rất lạc quan, những thành phố tại đây cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự quá tải trong cơ sở hạ tầng và tiện nghi công cộng; mức độ bất bình đẳng cao và các vấn đề về khả năng chi trả; và suy thoái môi trường, nguyên nhân là do sự thiếu giám sát và thiếu minh bạch về quy hoạch. 

Để duy trì sự tăng trưởng lâu dài, các thành phố này cần phải tập trung vào phát triển bền vững thông qua cải thiện môi trường sống và khả năng chi trả, ban hành các quy định minh bạch và cơ sở hạ tầng vật lý và công nghệ.

Tăng trưởng ở Trung Quốc cũng không có dấu hiệu giảm tốc khi có 11 thành phố xuất hiện trong top 30 toàn cầu. “Nhà máy điện” Trung Quốc được tích hợp chặt chẽ vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và thúc đẩy nền kinh tế quốc dân - Nam Kinh (thứ 7) và Hàng Châu (thứ 9) - là những thị trường hàng đầu, nhờ vào sự tăng trưởng của chuỗi giá trị. 

Những thành phố nổi tiếng với nhiều nhân tài đang trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ và sản xuất tiên tiến như Quảng Châu (thứ 16) và Thâm Quyến (thứ 19), trong khi những "thành phố trưởng thành" của Trung Quốc như Thượng Hải (thứ 15) và Bắc Kinh (thứ 22) tiếp tục là thị trường năng động nhất trên thế giới, được hỗ trợ bởi một đội ngũ các công ty thế hệ mới sáng tạo, cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng và lực lượng lao động có trình độ.

Megahubs là cửa ngõ của khu vực châu Á và có quy mô cạnh tranh về tài năng, du khách và sự đổi mới bao gồm Manila (thứ 18), Jakarta (thứ 23), Kuala Lumpur (thứ 24) và Bangkok (thứ 28) đang tiếp tục hướng nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng đáng kể. 

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, các thành phố này là những thị trường quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp muốn mở rộng dấu chân, đặc biệt từ các công ty Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

Những thành phố này cũng đạt được chỉ số cạnh tranh bất động sản cao nhất trên toàn cầu khi họ đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Chỉ số CMI đã tiến hành nghiên cứu trên 131 thành phố và được đánh giá dựa trên rất nhiều tiêu chí, bao gồm cả những thay đổi gần đây và dự kiến trong GDP của thành phố, dân số, sự hiện diện của các trụ sở chính các doanh nghiệp, tình hình xây dựng bất động sản thương mại và giá thuê.

Các yếu tố khác bao gồm giáo dục, sự cải tiến và môi trường. Mỗi thành phố được định nghĩa là vùng đô thị được mô tả bởi các cơ quan thống kê quốc gia hoặc của các tổ chức quốc tế (ví dụ như Liên Hiệp Quốc).