Hành trang cho quản trị nhân sự 2021

Đỗ Việt Linh (*) - 08:27, 07/02/2021

TheLEADERSự thay đổi về điều kiện kinh doanh, tư duy và cách thức trong quản lý đã tạo ra những kiến thức, thử thách và cơ hội vô cùng mới, đa chiều, phân mảnh theo từng nhóm ngành và khu vực kinh tế khác nhau, trong đó bao gồm cả những sự đổi mới đối với hoạt động quản trị nhân lực.

Hành trang cho quản trị nhân sự 2021
Câu chuyện quản trị nhân sự đã thay đổi

2020 đã trôi qua như thế nào?

Covid-19 thuộc nhóm những từ khoá phổ biến nhất năm 2020. Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay, gây ảnh hưởng toàn diện và sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện vẫn đang diễn biến phức tạp. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Với kinh tế thế giới, hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch, sản xuất, kinh doanh... bị đình trệ. Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ.

Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu nhiều tác động nhất trong khi khu vực nông, lâm, thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn. 

Một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: hàng không, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, hoạt động của các đại lý du lịch, giáo dục và đào tạo, các ngành dệt may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô.

Dịch vụ, du lịch là ngành phản ánh rõ nét nhất những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực như du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không) có mức sụt giảm mạnh, chủ yếu do việc hạn chế đi lại và giãn cách xã hội.

Những tác động của Covid đã khiến nhiều doanh nghiệp còn hoạt động phải giảm thiểu (có một số trường hợp có nhu cầu gia tăng nhân lực) hoặc thay đổi nhân sự. Từ đó, sau một năm trải nghiệm đại dịch, các doanh nghiệp đã thay đổi tư duy và cách thức quản lý nguồn nhân lực của mình.

Sự thay đổi về điều kiện kinh doanh, tư duy và cách thức trong quản lý đã tạo ra những kiến thức, thử thách và cơ hội vô cùng mới, đa chiều, phân mảnh theo từng nhóm ngành và khu vực kinh tế khác nhau, trong đó bao gồm cả những sự đổi mới đối với hoạt động quản trị nhân lực.

Những thay đổi rõ rệt sau năm 2020

Có rất nhiều những sự thay đổi theo nhiều xu hướng khác nhau trong hoạt động quản trị nhân sự kể từ sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. 

Người lao động có xu hướng quan tâm đến sự an toàn của bản thân và gia đình nhiều hơn. Họ có xu hướng lựa chọn những ưu tiên giúp họ có thể ở gần và có nhiều cơ hội chăm sóc bản thân và gia đình hơn. 

Có thể kể đến những ưu tiên như điều kiện làm việc từ xa, tại nhà hay thời gian và địa điểm làm việc linh hoạt, khả năng xét duyệt những chính sách bảo vệ người lao động một cách linh động khi có những đợt dịch mới xảy ra, người lao động cũng đòi hỏi những nhà lãnh đạo có khả năng thấu hiểu điều kiện và hoàn cảnh của nhân viên sâu sắc.

Như vậy, so với trước đại dịch Covid-19, hoạt động quản trị nhân sự trong bối cảnh mới đã dung nạp nhiều hơn sự quan tâm, thấu hiểu và ủng hộ các điều kiện của người lao động, và thậm chí cá nhân hoá cho từng người lao động có các điều kiện khác nhau. 

Điều đó nhằm giúp người lao động có thể sống chung với đại dịch mà vẫn đảm bảo được công việc và thu nhập với các đặc trưng mà họ có. Đó cũng chính là bài học lớn nhất chúng ta học được sau năm đầu tiên của đại dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, bài học trên còn trở nên đặc thù hơn nữa khi mối liên kết của một con người tới gia đình của họ rất mạnh mẽ, đại diện cho văn hoá Việt Nam. Do đó, tại thị trường Việt Nam, quản lí nhân sự trong thời kì mới không chỉ quan tâm tới bản thân người lao động mà còn phải tạo dựng niềm tin với người lao động thông qua việc tạo điều kiện cho họ bảo vệ gia đình của mình. 

Chẳng hạn, những người lao động sống chung với người già và trẻ em sẽ được tạo điều kiện làm việc ít phải tiếp xúc với nhiều người khác, hoặc được cung cấp các dụng cụ bảo hộ tuyệt đối. 

Những nhân viên có gia đình ở xa sẽ được ưu ái tạo điều kiện làm việc tại nhà hơn những người khác.

Như vậy, đối với các doanh nghiệp vẫn còn tồn tại và hoạt động xuyên đại dịch, bài học quản trị nhân sự lớn nhất sau năm 2020 chính là gia tăng sự quan tâm và tạo điều kiện một cách cá nhân hoá cho người lao động để họ có thể đảm bảo công việc và thu nhập mà vẫn có đầy đủ điều kiện chăm sóc và bảo vệ bản thân cũng như gia đình giữa đại dịch.

Cơ hội bên cạnh thách thức

Dù rằng đại dịch Covid-19 kéo theo rất nhiều thách thức khó lường và đa dạng cho các doanh nghiệp còn hoạt động, tuy nhiên, kể từ quý III/2020, các khu vực kinh tế đều có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc hơn, bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. 

Đương nhiên khi đại dịch vẫn chưa chính thức bị đẩy lùi tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới thì các rủi ro tiềm ẩn có nguy cơ cao vẫn cần được chú ý.

Trước đại dịch, thị trường lao động tại Việt Nam thường xuyên có tình trạng bong bóng phúc lợi khi một số doanh nghiệp sử dụng các phương thức đẩy giá trị phúc lợi “ảo” lên cao hơn mức bình thường để tuyển thành công nhân lực trong những thời điểm cao trào.

Tuy nhiên, sau năm 2020, tình trạng này đã được đẩy lùi đáng kể, thị trường đã trở lại điểm bình ổn, nơi mà người lao động đã ưu tiên lựa chọn những giá trị ổn định, những doanh nghiệp với hướng tiếp cận bền vững có thể đồng hành cùng người lao động qua nhiều thách thức khó lường.

Điều này mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp có hướng tiếp cận bền vững, họ dễ dàng tìm thấy nguồn ứng viên phù hợp hơn trước cũng như dễ dàng thể hiện những triết lí trong quản trị nhân sự hơn thông qua các chính sách thể hiện sự quan tâm tới người lao động trong đại dịch.

Trong các bộ phim với mọi thể loại, các tuyến nhân vật sẽ trở nên gắn kết tuyệt đối khi họ cùng nhau trải qua thử thách, đôi khi là chống lại các sự việc, hay nhân vật phản diện. 

Đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò như một “nhân vật phản diện” trong viễn cảnh bao gồm doanh nghiệp, người lao động, và thời đại bình thường mới. Chính điều này đã vô hình trung đưa doanh nghiệp và người lao động sát lại gần nhau hơn một cách tự nhiên nhất, mang lại rất nhiều cơ hội thể hiện triết lý quản trị cho các nhà quản lý.

Chúng ta không thể phủ nhận cũng như xem nhẹ các thách thức mà đại dịch Covid-19 tạo ra. Nhưng cũng chính trong viễn cảnh này, các nhà quản lý lại được cung cấp nhiều cơ hội mới chưa từng được đúc kết trong sách vở.

Trải qua năm 2020, các doanh nghiệp còn hoạt động đã trở nên linh động và vững chãi hơn bao giờ hết, bài học lớn nhất đúc kết được cho tới nay chính là triết lí quản trị “đồng hành cùng người lao động trong thời đại bình thường mới”.

Đại dịch Covid-19 với vai trò là “nhân vật phản diện” đã vẽ ra một câu chuyện phiêu lưu hiếm có cho thị trường lao động, giúp mang lại cơ hội lớn giúp gắn kết người lao động với doanh nghiệp cũng như các nhà quản lý mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nó là cơ hội để gia tăng đáng kể sợi dây kết nối từ doanh nghiệp đến các nguồn lao động có giá trị. 

Chính những trải nghiệm tốt đẹp trong đại dịch sẽ mang lại sự tin tưởng tuyệt đối mà người lao động dành cho doanh nghiệp trong tương lai. Những doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội này sẽ có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao và có tính chất thu hút nhân tài trong tương lai.

(*) Ông Đỗ Việt Linh: Đồng sáng lập Công ty Dịch vụ nhân sự VinAxia Việt Nam