Hành trình đầu tư nông nghiệp bão táp của Hoàng Anh Gia Lai

Trần Anh - 12:04, 20/09/2022

TheLEADERGặp gỡ các nhà đầu tư và truyền thông mới đây, bầu Đức tỏ ra rất lạc quan vào chiến lược phát triển mới của Tập đoàn HAGL. Mặc dù vậy, những người theo dõi HAGL trong hơn 10 năm qua không khỏi nghi ngờ về khả năng thành công lâu dài của "heo ăn chuối".

Tối 17/9, tại TP.HCM, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tổ chức lễ ra mắt sản phẩm Bapi – Heo ăn chuối HAGL. Chia sẻ tại buổi lễ, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Tập đoàn khẳng định doanh nghiệp đã sang trang mới và tỷ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp.

Giá thành chuối của HAGL là 6.500 đồng/kg nhưng có lúc bán ra 14.000 đồng/kg; giá heo hơi 43.000 đồng/kg, bán ra giá bình quân 62.000 đồng/kg… Điều này được minh chứng qua khoản lợi nhuận lũy kế 8 tháng mà HAGL này vừa công bố.

Cụ thể, 8 tháng đầu năm 2022, HAGL đạt 2.708 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 8 tháng đạt 781 tỷ đồng, hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu và 69% kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2022. Cũng theo báo cáo, nợ của HAGL từ đỉnh 28.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2022 HAGL sẽ mở 200 cửa hàng, cuối năm 2023 tăng lên 1.000 cửa hàng Bapi Food (bao gồm cả nhượng quyền). Trong đó, 60-70% cửa hàng tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, HAGL cũng sắp ra mắt ứng dụng (app) để bán hàng với mục tiêu đáp ứng được khoảng 100.000 đơn hàng online/ngày. Các cửa hàng ngoài phục vụ khách lân cận còn giao đơn hàng online.

Những lần 'xoay trục' chiến lược của Hoàng Anh Gia Lai
Bầu Đức trong lễ ra mắt sản phẩm Bapi - Heo ăn chuối HAGL

Những mục tiêu tham vọng cho thấy bầu Đức rất lạc quan vào chiến lược phát triển mới của HAGL. Mặc dù vậy, những người theo dõi HAGL trong 10 năm qua không khỏi nghi ngờ về khả năng thành công của bầu Đức. Thực tế, cứ vài năm, HAGL lại kể một câu chuyện mới về chiến lược phát triển xoay quanh lĩnh vực nông nghiệp.

Từ đỉnh cao lợi nhuận 3.000 tỷ đồng đạt được trong năm 2010 nhờ mảng bất động sản, đối mặt với tình hình kinh tế suy thoái, HAGL bắt đầu dịch chuyển các mảng kinh doanh. Thời điểm đó, lãi suất cao, dòng tiền khan hiếm, sức mua thấp, tâm lý trông chờ của người mua… đã tác động mạnh đến ngành bất động sản, là ngành mang lại nguồn doanh thu và lợi nhuận chủ yếu cho HAGL.

Đầu năm 2010, bầu Đức đã gây sốc khi giảm mạnh giá bán căn hộ để nhanh chóng thu tiền về, sau đó thanh lý các đa phần bất động sản khác. Đồng thời, HAGL tuyên bố đẩy mạnh sang trồng cây công nghiệp với trọng tâm là cây cao su, cọ dầu, mía đường.

Việc chuyển hướng từ bất động sản sang trồng cây công nghiệp của HAGL thực tế đã được triển khai từ năm 2007 với tầm nhìn đa ngành của bầu Đức. Chiến lược phát triển bền vững của HAGL cũng được các ngân hàng ủng hộ và mạnh tay giải ngân cho vay đầu tư dự án.

Tuy nhiên, cây cao su là thất bại nặng nề của HAGL. Giá cao su liên tục giảm sâu từ mức đỉnh 5.750 USD/tấn vào năm 2011 xuống chỉ còn khoảng 1.000 USD tấn vào năm 2015 khiến tất cả nông trường cao su của HAGL không đạt ngưỡng hòa vốn. Tương tự, giá cọ dầu cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục và sản lượng cọ dầu của HAGL cũng không đạt kế hoạch đề ra.

Đến năm 2014, HAGL đã xoay chuyển chiến lược kinh doanh sang chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Trong định hướng chiến lược, HAGL sẽ đầu tư các dự án chăn nuôi bò với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng, dự kiến tổng số lượng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. 

Đội ngũ của HAGL rất nhanh chóng triển khai dự án trên quy mô lớn, đến cuối năm 2014, tổng đàn bò của Tập đoàn HAGL đã lên đến hơn 43.500 con và tăng lên 130.000 con vào cuối năm 2015.

Thế nhưng, chỉ 2 năm sau, chiến lược chăn nuôi bò thịt của HAGL đi vào ngõ cụt khi biên lợi nhuận ngành này suy giảm nhanh chóng. Tới cuối năm 2016, tổng số lượng bò của HAGL còn 122.000 con, không còn tăng trưởng và Tập đoàn xác định chỉ là “chiến lược ngắn hạn”.

Nhưng các cổ đông của HAGL không phải chờ đợi lâu, công ty một lần nữa tái cơ cấu kinh doanh sang các loại cây ăn quả ngắn ngày giúp mang lại nguồn thu ngay là thanh long, chuối và chanh dây. Cuối năm 2016, Tập đoàn dự kiến sẽ có doanh thu trái cây từ năm 2017.

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên HAGL ghi nhận lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất hơn 1.500 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí tài chính tăng mạnh. Công ty đã phải tiến hành thanh lý một số dự án bất động sản và đánh giá lại giá trị một số tài sản, đồng thời bán mảng mía đường cho tập đoàn Thành Thành Công.

Chiến lược phát triển cây ăn trái tiếp tục được HAGL đẩy mạnh. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha. Song, nguồn thu từ trái cây không đủ sức giải tỏa áp lực tài chính ngày càng tăng của HAGL. 

Tập đoàn HAGL phải bước vào giai đoạn tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ của Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco). Tuy vậy, quá trình tái cơ cấu có thể nói đã không như mong đợi, sau đó Tập đoàn đã phải thoái toàn bộ vốn tại Công ty nông nghiệp HAGL Agrico cho Thaco.

Sau khi bán HAGL Agrico, HAGL tiếp tục làm mới với câu chuyện “heo ăn chuối” từ năm 2020. Đến cuối năm 2021, HAGL đã trồng 7.000 ha chuối và xây dựng 7 cụm trang trại chăn nuôi heo với công suất nuôi khoảng 400.000 con heo thịt mỗi năm. Trong năm nay, Tập đoàn dự kiến xây dựng thêm 9 cụm chuồng trại nâng tổng số lên thành 16 cụm, với công suất nuối hơn 1 triệu con heo thịt mỗi năm.

Sau những thành công ban đầu của mô hình nuôi heo ăn chuối, HAGL tiếp tục có một kế hoạch mới, lần này là chăn nuôi gà. Tập đoàn tiết lộ đang nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2 ha tại huyện Mang Yang, Gia Lai và dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11. 

Trong phát biểu mới đây trước các nhà đầu tư, bầu Đức tin rằng “HAGL đã thoát nạn”. Dù còn nợ, nhưng khoản nợ của HAGL không lớn và Tập đoàn này tự tin doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo, gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để tập đoàn trả nợ và mở rộng kinh doanh.