Hành trình quả việt quất New Zealand về tới bàn ăn người Việt

Việt Hưng - 12:04, 15/11/2023

TheLEADERTừ vùng trồng tới bàn ăn của người Việt, quả việt quất chính là minh chứng cho mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và New Zealand, đồng thời thể hiện được quyết tâm của doanh nghiệp Việt trong hoạt động bán lẻ thực phẩm nhập khẩu.

Việt quất New Zealand vốn được biết đến là loại quả giàu các chất chống oxy hóa khác nhau, cùng với nhiều vitamin giàu chất dinh dưỡng. Nhờ lượng calo thấp, lượng xơ nhiều, việt quất còn là món ngón không thể thiếu trong các thực đơn giảm cân.

Sau khi được được thu hoạch từ vịnh Waikato và vịnh Hawke, quả việt quất của New Zealand sẽ thông qua đường hàng không và được chuyển đi khắp thế giới.

Tại Việt Nam, loại trái cây nhập khẩu này được ưa chuộng nhờ kích thước lớn, xấp xỉ bằng hạt macca, được xem là rất hiếm trên thị trường. Từng có thời điểm, giá mỗi cân việt quất New Zealand lên đến 1,5 triệu đồng và trở thành mặt hàng được săn đón.

Từ vùng trồng tới bàn ăn của người Việt, quả việt quất chính là minh chứng cho mối quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam và New Zealand.

Ông Scott James - Tham tán thương mại và Tổng Lãnh sự New Zealand tại TP. HCM cho biết, tính đến tháng 12/2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 14 của New Zealand. Tổng thương mại hai chiều giữa hai nước trị giá 2,6 tỷ USD New Zealand.

Trong đó, thực phẩm và đồ uống (F&B) chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu của New Zealand sang Việt Nam, đạt doanh thu 798 triệu USD New Zealand năm 2022. Mặt hàng trái cây chiếm tỉ trọng xuất khẩu lớn thứ hai, trị giá hơn 183,98 triệu USD New Zealand.

Đồng tình với chia sẻ của ông Scott James, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - CEO Chuỗi Siêu thị thực phẩm Kingfoodmart cho biết, trái cây nhập khẩu từ New Zealand đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam, nhất là trong các dịp lễ đặc biệt.

Hành trình quả việt quất New Zealand về tới bàn ăn người Việt
Quả việt quất New Zealand được chuỗi siêu thị thực phẩm Kingfoodmart đưa về tới bàn ăn người Việt

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường, cũng như hưởng ứng "New Zealand - Made with Care" là chiến dịch toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức các sản phẩm F&B đến từ New Zealand, lãnh đạo Kingfoodmart mong muốn đưa thêm nhiều sản phẩm nhập khẩu tới tay người tiêu dùng Việt Nam, nhất là mặt hàng trái cây.

"Một trong những mục tiêu hàng đầu của chuỗi siêu thị thực phẩm Kingfoodmart là luôn nỗ lực hết mình để tìm kiếm và cung cấp nguồn thực phẩm tươi ngon uy tín, nâng cao chất lượng trong từng bữa ăn hàng ngày của khách hàng trung - cao cấp tại Việt Nam", CEO Nguyễn Thị Ngọc Thúy nói.

Theo lãnh đạo Kingfoodmart, các nguồn hàng trái cây nhập khẩu tại chuỗi này luôn được kiểm định kỹ về nguồn gốc, đối tác nhập khẩu đáng tin cậy từ nhiều quốc gia, đặc biệt là luôn đa dạng theo mùa.

"Ở Kingfoodmart, khách hàng không chỉ được ăn trái cây nhập khẩu của thế giới quanh năm, mà còn được ăn trái cây Việt Nam chuẩn xuất khẩu tươi ngon nhất", CEO Nguyễn Thị Ngọc Thúy khẳng định.

Chuỗi siêu thị thực phẩm Kingfoodmart là thành viên thuộc hệ sinh thái bán lẻ thế hệ mới của Seedcom, được ra đời từ cuối năm 2018 và nhanh chóng mở rộng trên địa bàn TP. HCM cũng như các tỉnh lân cận.

Theo đó, Kingfoodmart tập trung vào việc phát triển chuỗi siêu thị với mặt hàng chủ lực là trái cây nhập khẩu và trải nghiệm khách hàng đồng nhất đa kênh bán.

Kingfoodmart ưu tiên nhập các loại trái cây chính ngạch ngay từ đầu mùa vụ từ khắp nơi trên thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam, như: nho xanh Mỹ nhập khẩu Autumn Crisp, táo Crisp Nam Phi, táo Gala New Zealand, lê Hàn Quốc…

Từ 2023, chuỗi siêu thị thực phẩm này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng hệ thống và là thương hiệu bán lẻ hàng trái cây nhập khẩu, tiếp cận khách hàng trên đa nền tảng và chăm sóc khách hàng hiệu quả.

Hành trình quả việt quất New Zealand về tới bàn ăn người Việt 1
Kingfoodmart tập trung vào việc phát triển chuỗi siêu thị với mặt hàng chủ lực là trái cây nhập khẩu

Mục tiêu tăng trưởng của Kingfoodmart được ủng hộ mạnh mẽ bởi tầng lớp trung lưu hiện chiếm 13% dân số Việt Nam, và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026.

Còn theo báo cáo vào tháng 3/2021 của Statista, dự kiến đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016 - 2021, mức cao nhất ở Đông Nam Á.

Ngoài ra, động lực tăng trưởng của Kingfoodmart còn đến từ xu hướng tăng cường đầu tư vào công nghệ, khi chuỗi này đã ứng dụng dữ liệu vào hoạt động kinh doanh. Lãnh đạo Kingfoodmart gọi đây là mô hình "New Retail" của các chuỗi bán lẻ thế hệ mới.

Cụ thể, điểm mới ở đây là tốc độ "hiểu" khách hàng nhanh để tương tác tốt hơn. Bên cạnh đó, công nghệ cũng có khả năng liên kết các dữ liệu ở một khu vực dân cư.

Chẳng hạn, khách hàng ở quanh khu vực siêu thị Kingfoodmart có nhu cầu ổn định cho các thói quen tiêu dùng hằng ngày. Tận dụng thông tin từ các đơn hàng, Kingfoodmart có thể tối ưu chuỗi cung ứng và vận hành ở mỗi khu vực.

"Các thông tin này sẽ được áp dụng vào việc phân bổ hàng, luồng hàng để tối ưu việc hiển thị quầy kệ của khách hàng từng khu dân cư riêng biệt, từ đó là cơ sở để cải thiện doanh thu", CEO Nguyễn Thị Ngọc Thúy chia sẻ.

Ứng dụng công nghệ sâu hơn, Kingfoodmart có thể gợi ý món ăn cho các bà nội trợ, gợi ý nguyên liệu, thực đơn phổ biến dựa trên các thói quen mua sắm hằng ngày, đi kèm với các khuyến mãi nổi bật.

Vị CEO tin rằng, việc ứng dụng công nghệ vào các chuỗi bán lẻ ngày nay gần như là điều bắt buộc, khi hành vi khách hàng cũng thay đổi nhanh chóng.

"Khách hàng khi đã có những trải nghiệm tốt sẽ trở lại với chúng tôi. Chúng tôi vẫn tiếp tục với mô hình New Retail và tối ưu vận hành để hoàn chỉnh mô hình, đáp ứng sự kỳ vọng của khách hàng trung lưu, nhóm khách hàng đang ngày càng gia tăng nhanh chóng", bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh.