Hấp lực mới cho du lịch Côn Đảo

An Chi - 10:01, 14/09/2020

TheLEADERCác đường bay thẳng mới được đưa vào khai thác từ tháng 9/2020 được đánh giá sẽ tạo ra hấp lực mới cho du lịch Côn Đảo.

Hấp lực mới cho du lịch Côn Đảo
Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo Resort

Nhớ lại lần đầu tiên đi Côn Đảo năm 2012 bằng Air Mekong, lần thứ hai vào năm ngoái bay bằng trực thăng và về bằng tàu cao tốc, ông Trần Việt Phương, một blogger du lịch cho biết, dù giao thông đi lại không mấy thuận tiện nhưng phương tiện nào cũng đều đông và kín chỗ.

Theo ông Phương, Côn Đảo là một điểm đến vừa lạ vừa quen. Côn Đảo có không khí trong lành hiếm hòn đảo nào có với những trải nghiệm độc nhất vô nhị, ngoài du lịch tâm linh còn có di tích lịch sử như Nhà tù Côn Đảo.

Ông cũng chia sẻ một trải nghiệm độc nhất tại Côn Đảo là đi xem rùa đẻ trứng, xem quá trình di cư, nhìn ngắm rùa tiến về phía biển. Theo ông Phương, Côn Đảo vừa phù hợp với nghỉ dưỡng cao cấp, vừa phù hợp đi phượt, du lịch khám phá với giới trẻ.

Còn theo ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu đến Côn Đảo có từ nhiều năm nay là rất lớn và ngày càng tăng, tuy nhiên đường tới Côn Đảo còn nhiều khó khăn. 

Để tới Côn Đảo, du khách có thể đi bằng tàu thường, tốc độ cao nhưng thời gian dài. Nếu từ TP. HCM ít nhất 9 tiếng, nếu đi từ Bà Rịa Vũng Tàu mất xấp xỉ 4 tiếng trong điều kiện biển lặng.

Con đường thứ hai là đường hàng không, kết nối từ TP. HCM hoặc Cần Thơ. Từ năm 2011 đến đầu 2012, có hãng Air Mekong khai thác đường bay đến Côn Đảo từ phía Bắc. Năm 2019 có bay bằng trực thăng từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi Côn Đảo nhưng còn hạn chế, chủ yếu tập trung đường bay từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh việc không thể đáp ứng nhu cầu lớn du khách đến Côn Đảo do phụ thuộc vào yếu tố thời tiết, hay giá cả đường bay trực thăng cao, số lượng khách trên các chuyến bay cũng rất hạn chế. 

Các máy bay của Vietnam Airline khai thác đường bay tới Côn Đảo từ TP. HCM hoặc Cần Thơ chỉ chở tối đa được 68 khách mỗi chuyến, trong đó hai ghế cho thợ máy kỹ sư để đáp ứng điều kiện an toàn.

Cũng chính vì những khó khăn trong hành trình đến với Côn Đảo và tình yêu đối với địa danh này mà theo ông Phạm Việt Anh, khi vé máy bay từ Hà Nội, Vinh, Hải Phòng đi Côn Đảo được mở bán từ 0h ngày 12/9 đã khiến cộng đồng du lịch rất "rôm rả".

"Chúng tôi gọi tối 12/9 mở bán là giao thừa để thức đến 0 giờ canh vé. Tôi đã thức trắng đêm để canh vé cho gia đình và bạn bè. Tôi tin rằng những chuyến bay này sẽ đông khách và góp phần quan trọng trong phát triển du lịch Côn Đảo, góp phần đưa du lịch Côn Đảo phát triển xứng với tiềm năng", ông Việt Anh chia sẻ.

Chiến lược phủ sóng thị trường ngách của Bamboo Airways

Tại Toạ đàm "Bay thẳng tới Côn Đảo: Trải nghiệm thiên đường du lịch mới", ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cho biết, với hai tàu bay đầu tiên, Bamboo Airways đã triển khai bay hai chuyến một ngày từ Hà Nội - Côn Đảo, 1 chuyến/ngày từ Vinh và 1 chuyến/ngày từ Hải Phòng. Giờ bay đẹp do sân bay Côn Đảo chỉ hoạt động từ sáng đến 17h, phần lớn giờ từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đều trong khoảng thời gian này.

Hiện Việt Nam còn 4 sân bay chỉ khai thác máy bay nhỏ là Rạch Giá (Kiên Giang), Cà Mau và Điện Biên. Sau các đường bay đến Côn Đảo, Bamboo Airways sẽ mở đường bay đến ba sân bay còn lại, mở thêm đường bay kết nối trực tiếp điểm với điểm.

"Thực tế với hạ tầng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chúng tôi khó để chen chân các đường bay Hà Nội - Sài Gòn", ông nói.

Để thực hiện kế hoạch nói trên, Bamboo Airways đưa về thêm tối đa 10 tàu bay từ nay đến cuối 2021, không chỉ dừng lại ở thuê ướt, mà chuyển sang thuê khô để bay tới 4 sân bay còn hạn chế khai thác. Hãng sẽ trực tiếp tới các địa phương mở đường bay lân cận: Thanh Hoá, Quảng Ninh để mở thêm đường bay đến Côn Đảo.

Về giá bán, hãng cho biết định hướng áp dụng chính sách giá vé minh bạch trên tất cả các kênh đại lý, website và hệ thống phân phối tại Việt Nam - không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến khách nước ngoài. 

Mức giá tuân thủ giá trần của Bộ Giao thông vận tải để mọi tầng lớp có thể sử dụng những đường bay còn hạn chế khai thác. "Bên cạnh đó, chúng tôi cũng dành ra một phần để xây dựng các sản phẩm tour, kết nối các vùng miền, ra mắt sản phẩm package, combo với Côn Đảo, sau đó mở rộng ra các vùng miền khác".

Chia sẻ về quan điểm của FLC và Bamboo Airways khi đầu tư vào Côn Đảo, ông Đặng Tất Thắng, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, mong muốn của doanh nghiệp là kết nối địa phương có tiềm năng du lịch với nhau và phát triển kinh tế Việt Nam. 

Trong đó, phát triển du lịch phải đi liền với bảo vệ môi trường, thiên nhiên. Dự kiến của Bamboo Airways từ nay đến cuối năm đưa thêm 10 máy bay khai thác cùng nhiều đường bay mới.

Còn theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, việc mở đường bay mới tới Côn Đảo nằm trong mục tiêu kích cầu du lịch. "Mở đường bay mới từ Hà Nội, Hải Phòng và Vinh, chúng tôi muốn kích cầu đi lại của du khách. Chúng tôi luôn mong muốn là những người tiên phong để tạo đà cho những doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ cùng xuất phát, đưa du lịch khởi sắc trở lại", ông Quyết cho biết.

FLC cũng như Bamboo Airways đã và đang đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu, hy vọng sẽ tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào địa phương này, đặc biệt là Côn Đảo. "Chúng tôi vừa là người tiên phong, vừa là người cổ vũ để Côn Đảo phát triển, ông Quyết nhấn mạnh.