Mở cửa nền kinh tế là cách tốt nhất giúp doanh nghiệp phục hồi

Phương Linh - 08:24, 12/09/2020

TheLEADERĐó là nhận định của TS. Võ Trí Thành trong bối cảnh các doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm đến nay.

Theo ông Thành, đại dịch Covid-19 đang có tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Từ giờ đến cuối năm, nền kinh tế sẽ tiếp tục "ngấm đòn" nghiêm trọng hơn từ dịch bệnh. Các doanh nghiệp sẽ ngày càng hoạt động khó khăn, số lượng người thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Dẫn nhận định từ Thủ tướng Chính phủ, ông Thành cho biết: "Cách đây vài tháng, Chính phủ Việt Nam phấn đấu tăng trưởng trên dưới 5%. Cách đây 2 tháng, chúng ta kỳ vọng tăng trưởng khoảng 4%. Và mới nhất ngày 28/8, người ta nói về con số 2-3% đã là rất tích cực trong bối cảnh hiện tại.

Tuy nhiên, với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và trong nước, quá trình phục hồi của nền kinh tế là rất khó đoán định. Giả sử dịch bệnh được sớm kiểm soát từ nay đến cuối năm và sang năm 2021, nền kinh tế bắt đầu phục hồi thì cũng phải đến năm 2022 mới có thể quay lại mốc tăng trưởng trước dịch. 

Tại Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro khủng hoảng Covid -19”, ông Thành cho rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn do dịch bệnh. Doanh nghiệp trong toàn nền kinh tế đang chịu sức ép lớn từ nhu cầu vốn đang rất yếu đối với hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ do kinh tế suy giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nay lại đứng trước nguy nguồn cung bị ảnh hưởng. 

Theo số liệu điều tra, chỉ có 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Còn đại đa số các doanh nghiệp đều thu không đủ chi. Thậm chí, không ít doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, phá sản.

Trước thực tế này, giải pháp tốt nhất hiện nay là Chính phủ cần nỗ lực, chủ động và quyết liệt để khống chế dịch bệnh, từ đó từng bước mở cửa lại nền kinh tế. "Mở cửa lại nền kinh tế là biện pháp quan trọng nhất hiện nay giúp duy trì giúp các doanh nghiệp cầm cự qua dịch bênh, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi sau dịch", ông Thành nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM cũng cho rằng: "Việt Nam không thể đóng cửa nền kinh tế mãi được. Điều này sẽ đẩy doanh nghiệp ngày càng lâm vào khó khăn, kiệt quệ".

Đơn cử như thời gian vừa qua, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong công tác chống dịch Covid-19. Song, để có được kết quả đó, nền kinh tế đã phải đánh đổi bằng thiệt hại không nhỏ. 

Mặc dù thời gian giãn cách xã hội ngắn, nhưng sức chịu đựng của đa phần doanh nghiệp là có giới hạn. Kết quả khảo sát về thực trạng doanh nghiệp trong tháng 8/2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM cho thấy, có tới 40% doanh nghiệp trả lời còn rất nhiều khó khăn trong việc phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19. Khoảng 44% doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Trong khi đó chỉ có 9% doanh nghiệp bắt đầu vượt qua khó khăn và 5% doanh nghiệp quay lại trạng thái hoạt động bình thường.

Trong số doanh nghiệp đang khó khăn, có 40% doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, 88% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm thêm lao động và 14% doanh nghiệp bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu.

Điều đáng nói theo ông An, sau kết quả khảo sát của TP. HCM, Chính phủ đã triển khai hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cả về tín dụng, hỗ trợ lao động và các chi phí khác. Tuy nhiên, các gói hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua vẫn chưa đạt được hiệu quả như mục tiêu đặt ra.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM, 76% doanh nghiệp được hỏi cho biết chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước. Ngoài chính sách gia hạn nộp thuế, nộp tiền thuê đất đã được triển khai đến hầu hết đối tượng có nợ thuế và nợ tiền thuê đất thì chỉ mới có 10% doanh nghiệp tiếp cận chính sách cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và chưa có thông tin doanh nghiệp nào được vay tiền không tính lãi suất hoặc tính lãi suất thấp để trả lương, giữ chân người lao động; chưa có doanh nghiệp nào được giảm các loại phí, lệ phí.

Trong bối cảnh hiện tại, ông An cho rằng, Chính phủ nên có giải pháp mở cửa để phát triển kinh tế. Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới cũng đã làm điều này để cứu các doanh nghiệp.

Song theo ông An, để mở cửa lại nền kinh tế là không hề đơn giản. Muốn làm được điều này, hệ thống y tế phải thực sự mạnh và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Các biện pháp xét nghiệm nhanh cũng nên được áp dụng nhiều hơn thay thế cho cách ly 14 ngày. 

Về phía doanh nghiệp, theo ông An, để phục hồi sau dịch bệnh, doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các kênh hỗ trợ của các cơ quan nhà nước; thực hiện chiến lược giảm chi phí không cần thiết ở mức tối đa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu chuyển đổi sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và xu thế tiêu dùng mới trong dịch bệnh. Về lâu dài, các doanh nghiệp cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và chiến lược đầu tư nước ngoài trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.