Hãy học chính con virus để lan truyền làn sóng đổi mới, sáng tạo

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang* - 11:20, 06/04/2020

TheLEADER“Mưu sự tại nhân, thành sự tại… covid”, đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chúng ta hãy học hỏi chính con virus về cơ chế lan truyền thông điệp và ý tưởng.

Đại dịch kéo dài tạo nên suy thoái kinh tế chưa từng có trên toàn cầu, và ảnh hưởng của nó theo đánh giá của các chuyên gia, kinh tế toàn cầu ít nhất phải 5-10 năm mới phục hồi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra lo lắng, làm thế nào để lập kế hoạch dài hạn ứng phó với khủng hoảng cả về nguồn cung, nguồn cầu, dòng tài chính?

Riêng tôi có cái nhìn lạc quan hơn. Đây chính là cơ hội để thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, mô hình làm việc.

“Mưu sự tại nhân, thành sự tại… covid”, đây là cơ hội để chuyển đổi mô hình kinh doanh

Dân tộc Việt Nam từng trải qua quá nhiều biến động, những cuộc chiến tranh, ly loạn liên miên, những cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài… khiến cho con người Việt Nam có một tố chất khác biệt mà ít dân tộc nào có được, đó là sự từng trải, linh hoạt, nhiều bài học quý giá để ứng phó với khủng hoảng. Thế giới khi nghiên cứu về người Việt cũng đánh giá cao giá trị văn hoá nền tảng này, cả người Việt trong nước lẫn người Việt khi di cư đến các quốc gia khác cũng vậy.

Chính bản tính văn hoá đặc thù ấy sẽ giúp chúng ta có thể tự tin, quyết tâm để ứng phó với khủng hoảng, điều đó hoàn toàn có thật. Nói theo tư duy chiến tranh, đây là thời cơ lớn. Ông bà ta thường nói “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, tôi muốn nói vui lại là “mưu sự tại nhân, thành sự tại covid”.

Cụ thể như tập đoàn Vingroup đã nắm bắt cơ hội và thực thi sứ mệnh, sản xuất máy thở chuyên nghiệp và máy đo thân nhiệt. Không chừng họ sẽ thành công khắp thế giới hơn là xe Vinfast. Để đáp ứng nhanh việc điều trị bệnh nhân trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, họ đàm phán để nhận chuyển nhượng bản quyền để sản xuất.

Ngay chuyện sản xuất khẩu trang, anh Lê Tiến Trường, CEO Tập đoàn dệt may Việt Nam mấy ngày qua đã rất tích cực kêu gọi các doanh nghiệp dệt may thay đổi mô hình sản xuất, gợi ý chính phủ kích thích bằng chính sách để đưa ra những kế hoạch khả thi, giúp Việt Nam có thể trở thành cường quốc sản xuất khẩu trang phục vụ toàn thế giới.

Một số quý anh chị Việt Kiều ở Nhật, châu Âu, kể cả Nga, Đông Âu cũng có đóng góp vào tiến bộ của ngành y khoa thế giới, vừa là sứ mệnh, vừa là cơ hội kinh doanh.

Tri thức Việt Nam kết hợp bản lĩnh dân tộc, cộng thêm tính minh triết cha ông để lại, sẽ giúp doanh nghiệp chúng ta có tư duy vừa tích cực, vừa chuyên nghiệp và đột phá, để ứng phó với khủng hoảng. Việt Nam có nhiều sản phẩm siêu nhỏ, từ hạt đậu phộng, chiếc khẩu trang, nếu mỗi tháng vài tỷ người trên thế giới sử dụng vài chiếc khẩu trang, nhân lên mười tỷ khẩu trang, mỗi chiếc 5 ngàn đồng, tức là tỷ đô la rồi. Đó là tư duy và bí quyết FMCG mà tôi từng nhiều lần chia sẻ.

Rất tiếc, cả một thời gian dài doanh nghiệp mình kinh doanh theo kiểu bắt chước, như kinh doanh bất động sản trong nhiều năm cũng bắt chước là nhiều. Chúng ta có thể tính toán bài toán tỷ đô ngay lập tức như Vinatex, và vận hành chuỗi giá trị tỷ đô như cái gáo dừa Bến Tre làm ra than hoạt tính ứng dụng công nghệ để hấp thụ vào miếng vải, may thành khẩu trang ba lớp, đó là chuỗi giá trị lớn.

Trong khi Trung Quốc sang mình mua lại gáo dừa làm than hoạt tính, thì các doanh nghiệp dệt may hơn lúc nào hết phải nhanh chóng phân tích thấu đáo sản phẩm khẩu trang, xí nghiệp may tư nhân và nhà nước cần gấp rút nhập máy móc làm khẩu trang tự động, có như vậy mới tận dụng kịp thời cơ quý báu ngàn năm có một này. Quan trọng nhất là thời cơ trong kinh doanh.

Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng này, thay vì ứng dụng R&D (Nghiên cứu và Phát triển) chúng tôi mạnh dạn đề xuất mô hình mới nhưng rất đơn giản đó là T&D tức Training & Development (Huấn luyện và Phát triển). Giới chuyên gia chúng tôi có thể làm tốt việc này và hoạt động huấn luyện cũng đang nhanh chóng chuyển vào các nền tảng kỹ thuật số, và ngày nào trên mạng cũng có các hội thảo huấn luyện đều chuyển vào Zoom, kể cả hội thảo quốc tế.

Ngày 7/4 tới đây, Hội thảo “Các thiết bị tự động - Cơ hội sản xuất và khai thác trong bối cảnh dịch Covid” do Israel sẽ triển khai trên Zoom. Israel đang chủ động khuếch trương tự động hoá trong nhiều lĩnh vực kể cả bán hàng và tiêu dùng, nhằm tiết giảm chi phí và bảo đảm sự an toàn cho người dân như triển khai các robot tự hành tới các hệ thống bán lẻ giao hàng. 

Châu Âu cũng bắt đầu khai thác thiết bị tự động trong giao hàng, Sở Y tế TP. HCM ngay lúc này cũng đang gấp rút ứng dụng robot vào phun khử trùng và robot tự hàng giao thuốc và đồ ăn đến giường bệnh. Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này rất lớn nếu biết nhanh chónh chuyển đổi.

Rất cần những tư duy khác biệt và đột phá

Thông điệp mà chúng tôi, những người làm marketing muốn đưa ra cho các doanh nghiệp, nhà quản trị theo triết lý Lão tử “Vô vi nhi vô bất vi”, tạm dịch là “ngồi yên không có nghĩa là không làm gì”, đó là tâm thế mà chúng ta cần lan truyền. Nhiều người hiểu sai yêu nước là ngồi yên, mà cái đầu không suy nghĩ, không tập thể dục, không ăn uống cho đúng cách, không tận dụng thời cơ khai thác internet để làm kinh doanh tiếp tục thì chết rồi. Đó là thực tế hiện nay đang xảy ra với một bộ phận các quan chức, cán bộ nhà nước và trong doanh nghiệp.

Lão tử từng nói “Vô vi nhi vô bất vi”, tạm dịch là “Ngồi yên không có nghĩa là không làm gì”. Đây là lúc dùng cái đầu để tư duy lại tương lai.

Đây là lúc để tư duy lại tương lai, tư duy lại mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, thay đổi cơ cấu sản phẩm, tư duy lại hệ thống phân phối, bán hàng, hệ thống logistics, lưu thông phân phối… Mọi thứ không hề dừng lại.

Đây là cơ hội làm giàu cho các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và hải sản. Anh Phạm Văn Công chủ thương hiệu tỏi đen DORI Lý Sơn đã đóng cửa mấy cửa hàng TP. HCM, về đảo Lý Sơn gần tháng nay. Công việc mỗi ngày của anh là ra cảng cá Lý Sơn, livestream cho bạn bè khắp cả nước xem trực tiếp những loại hải sản giá trị cao như cá Bống Mú, cá Ngừ đại dương, mực, hải sản… vừa được đánh bắt lên. 

Qua những thông tin của anh, tôi phát hiện đặc sản cá mú Lý Sơn 100% thiên nhiên, đánh bắt từ biển Trường Sa, Hoàng Sa về, 20 - 30 kg/con. Nhiều anh chị nhảy vào tham gia ý tưởng, tại sao không tổ chức đấu giá ngay cảng cá Lý Sơn để đem về TP. HCM và Hà Nội, thậm chí xuất sang Nhật cá ngừ cao cấp?

Tại Mỹ, Nhật, ngư dân bán không chỉ bán đấu giá cá ngừ mà còn bán bản quyền hình ảnh câu cá ngừ hấp dẫn cho kênh truyền hình Discovery... Bà con ngư dân mình phải học và làm được điều đó, các kênh truyền thông phải nhảy vào khai thác hình ảnh ngư dân câu cá ngừ, ghi hình và bán bản quyền cho truyền hình… Người Mỹ, người Nhật làm được, tại sao người Việt không làm?

Đây là lúc để chuyển đổi mô hình kinh doanh và sáng tạo
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang.

Đây là lúc để ngành điện, ngành cao su, ngành gạo, ngành nước… phải sáng tạo và thay đổi cơ cấu ngành

Ngay cả bản thân tôi những ngày này đã xây dựng CLB Doanh nhân sáng tạo & khởi nghiệp Việt Nam (V*I*E*C) với hơn 1.000 thành viên, rất chọn lọc. Chúng tôi rất bận rộn trong tuần rồi với nhiều ý tưởng kinh doanh và dự án mới, nhiều ý tưởng rất thực tế mà lâu nay còn chưa khai thác. Ngay như một sản phẩm rất bình dân như Trà Gừng hiện chỉ mới có vài nhãn hiệu, có thể bán và xuất ra khắp thế giới theo nhu cầu sức khoẻ chống bệnh cúm và suy hô hấp.

Có vẻ một số ai đó, kể cả quan chức bộ nghành, địa phương đang án binh bất động, thậm chí lợi dụng những ngày cách ly này để nghỉ ngơi, lương nhà nước vẫn lãnh. Chính phủ nên cảnh báo điều này.

Theo tôi, đây là lúc để nghiên cứu, học tập, kể cả từ trẻ con đến người lớn, từ doanh nghiệp đến quan chức… Đây là lúc để hoàn tất 1 cuốn sách, 1 luận án tiến sĩ, hay startup 1 dự án đầu tư, sản phẩm mới… Các cơ quan nhà nước cần nhanh chóng chuyển sang chính phủ điện tử.

Xã hội đang có cuộc cách mạng chuyển đổi kinh khủng. Nguy cơ lây nhiễm hô hấp quá đột biến, theo cấp số nhân, nguy cơ cực kỳ khủng khiếp, và cần xác định đây chưa phải là trận chiến cuối cùng. Vì thế, những thiết bị, dụng cụ y tế mới là nhu cầu rất lớn. Hãng Ford nhanh chóng trong 2 tuần đóng cửa nhà máy ô tô, chuyển ngay sang sản xuất máy thở, giao chục ngàn chiếc máy thở cho ngành y tế Mỹ. Tôi đoán chắc đây sẽ là một dòng tiền mới và ổn định của hãng Ford.

Rất tiếc ở Việt Nam, ngoài Vingroup, tôi chưa thấy tín hiệu gì từ Thaco Trường Hải và các thương hiệu dẫn đầu như FPT, Masan…? Hiện nay trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã thành công, họ có thể cho không chúng ta bản quyền vì sứ mệnh cộng đồng, hoặc giảm tiền bản quyền để đem về triển khai sản xuất ngay.

Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ đang gợi ý, gây sức ép, mà thịt heo chưa giảm giá! Nói giảm giá mà trong siêu thị vẫn bán 250 ngàn/kg thịt ba rọi? Vai trò của Masan, Vissan, MEATdeli ở đâu trong thị trường tiêu dùng lúc này?

Thứ hai là ngành điện. Trong khi giá dầu mỏ thế giới đang chạm đáy, từ 60 USD/thùng xuống còn 20 USD/thùng. Tại sao không tranh thủ giảm giá điện mà họ còn tính tăng giá điện? Tôi xin đặt câu hỏi đó với ngành điện?

Một tập đoàn đang bi đát nhất hiện nay là tập đoàn cao su Việt Nam, trong 30 năm qua không hề thay đổi mô hình kinh doanh? Ngoài trồng cao su và cạo mủ cao su bán cho Trung Quốc, lâu nay không đầu tư chuỗi giá trị cao su nên khi giá dầu xuống, ngành cao su phá sản, hàng vạn công nhân trồng cao su sống lay lắt, thì hỏi kinh doanh kiểu gì? Rất nhiều lần giới chuyên gia đã góp ý nhưng họ đều phớt lờ.

Ngay cả cơ cấu trong ngành điện lực cũng đang thay đổi, mở hướng cho điện mặt trời và điện gió, điện gió Thanglong Wind ngoài khơi Bình Thuận vốn đầu tư lên đến 9,5 tỷ USD. Cơ cấu ngành điện đã thay đổi, cớ gì ngành cao su không thay đổi trong 30 năm qua?

Tại sao Quốc hội không lôi lãnh đạo ngành cao su ra để chấp vấn? Đừng vì nghịch nhĩ mà không chịu lắng nghe.

Ngay thị trường gạo, giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết tổng trữ gạo chỉ cần 1,5 triệu tấn cho 3 tháng là đủ thời gian cho 1 vụ lúa, riêng An Giang cung cấp 4,5 triệu tấn, theo tôi chỉ cần 2 triệu tấn cho cả nước là đủ, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có thể đưa ra xuất khẩu thêm triệu tấn gạo trong lúc này với giá cao hơn. Tôi từng tư vấn cho những tổng công ty gạo lớn, số liệu tôi nắm rất rõ, đây là thời cơ để tăng giá xuất khẩu gạo, nhất là gạo cao phẩm.

Nhưng một nghịch lý ở Việt Nam là dân mình ăn gạo mắc hơn xuất cho người ta. Có công ty xuất để báo cáo thành tích, làm ăn bị mua chuộc, ép giá, chiêu trò tôi biết hết… Có cán bộ xuất khẩu công ty nhà nước nhận tiền mua chuộc từ công ty nước ngoài để hạ giá xuống, bỏ túi riêng. Đó là nguyên nhân hàng chục năm qua giá xuất khẩu thấp hơn giá bán cho người dân.

Trong khi sản phẩm xưa như trái đất là nước thì người ta đã thay đổi nhiều như thế nào. Vợ chồng ông Dũng Lò Vôi đã nhìn ra chuyện này 10 năm rồi, và chuyển giao quy mô lớn, quy mô vừa cho bà con lọc nước lợ để tưới cho cây, trong khi chờ dòng sông Mekong tháo đập thuỷ điện còn lâu lắm.

Thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của các startup, nhưng cần có đội ngũ chuyên gia góp sức

Thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của các startup, điển hình như chuỗi “Concung”, từ trong bếp các “mom & poshop”, các hộ kinh doanh nhu yếu phẩm qua kênh online và shipper… Trong 5 năm gần đây phong trào startup mọc lên như nấm, nhưng đa số bắt chước lẫn nhau, khuynh hướng sai lệch. 

Ví dụ Digital cứ nghĩ số hoá toàn xã hội 100% là sai lầm, khái niệm nghiêm túc như ‘công nghệ’ thì giờ đây một anh xe gắn máy có thể sử dụng rồi, mọi người không nghĩ ‘công nghệ’ phải đầu tư bài bản, đó là sai lầm. Những ông Shark bị các dự án startup dụ dỗ bỏ tiền rất nhiều mà startup tiêu hết tiền, ồn ào qua đi, mọi người bắt đầu tỉnh táo hơn.

Một sản phẩm dù hữu hình hay vô hình đều phải là sản phẩm tốt, mang lại lợi ích thiết thực cho một nhóm người hoặc toàn xã hội. Mọi quá trình marketing, phân phối, bán hàng đều có thể được đội ngũ chuyên gia hỗ trợ, nhưng điều đầu tiên khởi sự là phải có sản phẩm tốt, có thể do mình nghiên cứu, khai phá, bằng sáng chế, sản phẩm truyền thống đông y dược, hoặc vùng nguyên liệu giá trị còn thấp để nâng lên… Từ đó, đội ngũ chuyên gia mới có thể hỗ trợ hoàn toàn, từ gọi vốn đầu tư, liên kết chuỗi giá trị, số hoá, cho đến chiến lược marketing tổng thể.

Tôi đã cùng lãnh đạo Thaco khởi dựng Thadi Nông nghiệp quy mô đầu tư tỷ USD, xin phép bật mí để chứng minh cho mọi người, anh em chuyên gia có năng lực và tâm huyết hàng ngàn người ngay tại Việt Nam. Thậm chí anh em người Việt nước ngoài cũng cần có thời gian địa phương hoá một chút để chạm đất mới đóng góp được, còn bê nguyên xi từ Mỹ về Việt Nam thì hụt hẫng lắm. Vì bên Mỹ họ chuyên môn hoá từng phân đoạn, còn Việt Nam một người có thể và buộc phải làm nhiều phân đoạn.

Chúng ta hãy học hỏi chính con virus về cơ chế lan truyền thông điệp và ý tưởng.

Chúng tôi hoàn toàn có thể huấn luyện cho anh em từ Việt kiều đến Việt Nam, mang cái mới cái hay vào Việt Nam, nghiên cứu phù hợp từng cơ địa, ngôn ngữ phải hoà đồng. Không chỉ người Việt học ngoại ngữ mà người nước ngoài cũng phải học tiếng Việt. Tôi cực kỳ yêu mến các anh chị nước ngoài khởi nghiệp và định cư tại Việt Nam, làm cầu nối kết nối Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

Có những bạn Tây bỏ công sức học tiếng Việt, tìm hiểu từng sản phẩm, từng con người, lối sống đẹp để giới thiệu ra thế giới rất hữu hiệu cho hình ảnh Việt Nam.

Tôi muốn nhắc lại thông điệp của mình, bối cảnh này là một cuộc cách mạng, phải thay đổi tư duy, “ngồi im không phải là không làm gì”. 50% nhân viên có thể làm việc tại nhà, giãn cách xã hội an toàn hơn, giảm chi phí mặt bằng, chi phí văn phòng… Đây là thời điểm thiết thực để huấn luyện, T&D trở thành trào lưu, chứ không chỉ là R&D nữa. 

Những tập đoàn như Vingroup, Vinamilk, Fpt, Thaco đưa tinh thần học hỏi vào công việc rất hữu hiệu, có cả chức danh giám đốc huấn luyện, từ đó tổ chức mô hình huấn luyện, mời chuyên gia uy tín. Huấn luyện là chính sách hữu hiệu để tăng tốc. Chúng ta hãy học hỏi chính con virus về cơ chế lan truyền thông điệp và ý tưởng.

Trong tâm trạng những ngày cách ly, doanh nghiệp khốn đốn, mỗi doanh nhân cần quản trị bản thân, quản trị gia đình, để có thể giữ được sự lạc quan, tinh thần vững mạnh trong điều hành doanh nghiệp. Mọi thứ đều bắt đầu từ tư duy, từ chuyện hít thở, tức là thiền đó, giúp não bộ hoạt động năng động và tích cực.

Đây là lúc chúng ta tĩnh lặng, không bận rộn về sổ sách, chữ ký nhiều quá… Hãy giao quyền để bớt đi trách nhiệm, số hoá chữ ký để có thể giành cho mình mỗi ngày vài giờ tư duy sáng tạo mô hình mới, có thời gian giao lưu với những người mới có thể mang lại cho mình những cơ hội mới. Vì bình thường các CEO không có thời gian gặp gỡ những mối quan hệ hay, những cộng đồng hay mà lâu nay họ muốn mang cái gì đến để hợp tác với mình, tạo ra thay đổi lớn. Không thể làm theo quán tính, bắt chước là chết.

Chúng tôi, những người làm marketing theo trường phái đưa ra giải pháp vi mô thay cho vĩ mô, sẵn sàng đóng góp sức mình cho cuộc cách mạng này. Với CLB Doanh nghiệp sáng tạo & khởi nghiệp (V*I*E*C), tôi hy vọng cùng anh em chuyên gia và doanh nhân trẻ, sẽ đưa ra những kế hoạch và dự án khả thi để tiếp tục chiến đấu trong thời kỳ khủng hoảng.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia kinh tế thương hiệu Võ Văn Quang, chuyên gia cam kết hỗ trợ các chuỗi giá trị sản phẩm và thương hiệu hoàn chỉnh cho doanh nghiệp