Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam gửi tâm thư cho Chính phủ

Thái Bình - 10:10, 29/05/2024

TheLEADERDoanh nghiệp bất động sản tại Quảng Nam đang lâm cảnh “nghìn cân treo sợi tóc” vì khó khăn chồng chất trong hoạt động kinh doanh.

Hiệp hội doanh nghiệp Quảng Nam gửi tâm thư cho Chính phủ
Tương lai mù mịt cho nhiều dự án ở Quảng Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Anh

Trong tâm thư gửi Văn phòng Chính phủ mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc cụ thể trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp đang bên bờ vực phá sản.

Trong đó, rõ nhất là vướng mắc thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp bất động sản phải đối diện. Đơn cử như việc vừa phải bỏ chi phí giải phóng mặt bằng, vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc được coi là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư.

Theo quy định của tỉnh Quảng Nam, chi phí giải phóng mặt bằng chỉ được trừ vào tiền sử dụng đất sau khi hoàn thành quyết toán giải phóng mặt bằng (mỗi dự án chỉ được quyết toán không quá hai lần).

Hiệp hội cho biết, việc hoàn thiện 100% giải phóng mặt bằng để quyết toán chi phí này cho toàn dự án mất rất nhiều thời gian, có khi kéo dài hơn 10 năm. Do vậy, khoản chi phí rất lớn mà chủ đầu tư đã bỏ ra bị treo ở ngân sách thời gian dài, trong khi nguồn vốn lại thiếu hụt nghiêm trọng.

Đây là thời gian các doanh nghiệp ở thế ngàn cân treo sợi tóc, nhưng tỉnh chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế.

Đặc biệt, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, có trường hợp dự án đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật 100%, nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất rất lớn nhưng tỉnh không cấp sổ đỏ, không cho phép gia hạn cũng như không cho phép được mở bán.

“Doanh nghiệp hầu như không có nguồn thu để trang trải các chi phí hoạt động kinh doanh, dẫn đến đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Khả năng doanh nghiệp nằm trên vực phá sản”, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.

Khoảng một năm trước, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành một công văn khiến nhiều nhà đầu tư gặp khó trong thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư dự án.

Cụ thể, theo văn bản 2179, đối với khu vực được phép chuyển nhượng dưới hình thức phân lô bán nền, ở những vị trí bắt buộc phải xây nhà, chủ đầu tư phải xây dựng hoàn thành tối thiểu phần thô và mặt tiền ngôi nhà (bên cạnh việc phải hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuât, xã hội theo đúng quy hoạch chi tiết 1/500).

Bên cạnh đó, còn có tình trạng nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất. Chủ đầu tư theo đó vẫn “nợ” tiền sử dụng đất với ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, thủ tục gia hạn tiến độ cho nhiều dự án kéo dài, thậm chí vài tháng dẫn tới tình trạng khi có được văn bản gia hạn tiến độ thì chủ đầu tư đã “mất” vài tháng, loay hoay lại tiếp tục xin gia hạn mới.

Trước những khó khăn nêu trên, nhà đầu tư kiến nghị một số phương án như: khấu trừ tiền giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất mà không phải đợi đến khi quyết toán để giảm áp lực nguồn vốn, cho phép giao đất theo từng đợt để đảm bảo tiến độ triển khai dự án theo tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đáng chú ý, hiệp hội này cũng nhấn mạnh, hiện tại hầu hết dự án tại thị xã Điện Bàn đều không được thông qua kế hoạch sử dụng đất hàng năm vì đã hết hoặc gần hết tiến độ thực hiện.

Nguyên nhân là do chậm giải phóng mặt bằng tại địa phương. Trong khi đó, Luật Đất đai 2013 có quy định, khi kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất chưa được thực hiện hết thì vẫn tiếp tục thực hiện khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được cơ quan thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Từ đây, hiệp hội đánh giá, việc loại những dự án này khỏi kế hoạch sử dụng đất năm 2023 sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư do toàn bộ hồ sơ thu hồi, giao đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất đều bị ngưng trệ.

Thậm chí, còn có những dự án du lịch ven biển đã được bàn giao đất từ 17 năm trước, hoàn thành đóng tiền thuê đất, hoàn thành 100% dự án và đã vận hành kinh doanh du lịch, nhưng lại bị yêu cầu ký quỹ với số tiền khá lớn mới được đồng ý gia hạn tiến độ thực hiện.

Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung các dự án nêu trên vào kế hoạch sử dụng đất 2023 và những dự án đã trúng thầu năm 2023, cho phép gia hạn dự án (đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành) mà không ký quỹ với cơ quan nhà nước.

Với dự án xong hạ tầng, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tiền sử dụng đất, đề nghị kiểm tra cho cấp quyền sử dụng đất 100% và cho phép mở bán, không giữ lại 20% chờ quyết toán. Nếu giữ 20% thì doanh nghiệp không đủ vốn thực hiện dự án bởi tỉnh Quảng Nam chỉ cho phép 10% lợi nhuận doanh nghiệp.

Được biết, gần hai năm trước, thông tin rà soát tại địa phương đã nhắc lại hàng loạt tồn tại ở nhiều dự án bất động sản.

Cụ thể, 5 năm sau khi tỉnh vào cuộc xử lý, đốc thúc tiến độ, nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn Quảng Nam vẫn tiếp tục rơi vào trạng thái chậm.

Các dự án chậm tiến độ điển hình gồm: khu du lịch sinh thái Cồn Bắp (Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp), khu du lịch Trung Kỳ Viêm Đông (Công ty CP Kinh doanh quản lý bất động sản Trung Kỳ - Viêm Đông), khu du lịch biển cao cấp tại phường Điện Ngọc (Công ty CP MBLand Tonkin), khu du lịch Nam Cổ Cò (Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ xây dựng Nam Cổ Cò), khu du lịch tại phường Điện Dương (Công ty CP Đầu tư và xây lắp Xuân Phú Hải), khu dịch vụ du lịch Bãi Rạng Núi Thành (Công ty CP Xây dựng và thương mại Hoàng Yến), khu du lịch sinh thái ven biển 5 sao Hội An – Holiday (Công ty CP đầu tư Hội An – Thái Bình Dương); khu công viên chuyên đề vui chơi giải trí Cổ Cò tại Điện Bàn (do Công ty CP Thiên đường Cổ Cò làm chủ đầu tư, chưa có quyết định cho thuê đất, trên thực tế công ty đã xây dựng một số hạng mục).