Hòa Bình cảnh báo giao dịch tại 55 dự án bất động sản

Nguyễn Cảnh - 08:21, 25/07/2023

TheLEADERTính đến hết tháng 6 vừa qua, tỉnh Hòa Bình có 55 dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.

Nhằm tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn trái quy định, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình khuyến cáo không giao dịch đối với một số dự án chưa đủ điều kiện đưa sản phẩm vào kinh doanh theo quy định.

Theo đó, sở này đã công khai chi tiết 55 dự án (đã được chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng) chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và bán hàng. Các trường hợp này chủ yếu nằm tại TP. Hòa Bình, huyện Lương Sơn, huyện Yên Thủy.

Ở TP. Hòa Bình, ghi nhận một số dự án đáng chú ý do các thương hiệu lớn phát triển như Lã Vọng, An Thịnh Group.

Các dự án quy mô lớn có thể kể đến như khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc 35ha (liên danh Công ty CP đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn - Công ty CP Tập đoàn TELIN); khu đô thị mới Trung Minh B (gần 59ha) do liên danh Công ty CP Lã Vọng Group - Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới thực hiện; khu nhà ở Thăng Long Xanh (gần 100ha) do liên danh Công ty CP Thăng Long Land - Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng - Công ty CP Phát triển đô thị An Thịnh thực hiện; khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang (khoảng 90ha) do liên danh Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ quốc tế SEIKA - Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Hà Nội - Công ty CP Vinaconex 39 triển khai.

Tại huyện Lương Sơn, nổi bật là các trường hợp gồm: Làng sinh thái Việt Xanh (50ha, Công ty CP địa ốc Sài Gòn); khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn (98ha, do liên danh Công ty CP đầu tư Reenco Hòa Bình - Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng - Công ty CP Phát triển đô thị An Thịnh).

Ngoài ra, Sở Xây dựng còn cho biết danh mục 36 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án đấu giá quyền sử dụng đất đang ở trạng thái chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm hình thành trong tương lai.

Theo đó, một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Welham ChanLake (tại Hồ Dụ, xã Mông Hóa); Sakana Spa&Resort Hòa Bình (Công ty CP Phát triển nghỉ dưỡng ngoại ô); khu nhà ở cao cấp dầu khí Hòa Bình (Công ty CP Đô thị sinh thái dầu khí); khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại huyện Kim Bôi…

Như TheLEADER đã thông tin, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp tên tuổi trên thị trường bất động sản nợ thuế từ vài chục tới cả nghìn tỷ đồng (ở thời điểm kết thúc năm 2022).

Cụ thể, có 96 trường hợp nợ tổng cộng khoảng 1.270 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, phần lớn khoản nợ thuộc về các doanh nghiệp xây dựng, phát triển bất động sản. Đứng đầu danh sách là Công ty CP đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình với số tiền nợ thuế khoảng 1.045 tỷ đồng.

Xếp lần lượt sau là một số đơn vị như: Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai (gần 63 tỷ đồng), Công ty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà - Chi nhánh 1 (khoảng 26,6 tỷ đồng), Công ty CP bất động sản An Thịnh Hòa Bình (khoảng 7 tỷ đồng).

Công ty CP đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình cũng từng bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cảnh báo 2 lần trong năm 2022, với dự án La Saveur de Hoa Binh (tên gọi thương mại của dự án Khu nhà ở cao cấp dầu khí Hòa Bình) chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.

Nằm cạnh hồ Đồng Chanh (huyện Lương Sơn), La Saveur de Hoa Binh có quy mô khoảng 61ha bao gồm 440 căn biệt thự, tái hiện lại phong cách nghỉ dưỡng từ những ngôi làng miền Đông nước Pháp.

Liên quan đến thương hiệu An Thịnh, dù mới ra đời khoảng 5 năm nay, An Thịnh Group đã sớm ghi dấu trên thị trường bất động sản với các dự án ven đô quy mô lớn ở Hà Nội và Hòa Bình.

Điển hình như: dự án Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình (quy mô hơn 65ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và được chia làm 3 phân khu: khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, khu công trình công cộng và dịch vụ và khu cây xanh công viên, thể thao, vui chơi giải trí); Legacy Hill (diện tích 60ha, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình), The Legacy tại quận Thanh Xuân, Hà Nội…