'Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong'

Hương Xuân - 11:28, 09/03/2020

TheLEADER“Không phải công ty to có thể thắng công ty bé, mà là công ty nhanh thắng công ty phản ứng chậm. Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong. Tôi nghĩ trong vòng 10 - 15 năm nữa trật tự mới sẽ được thiết lập”.

Đó là chia sẻ của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT trong toạ đàm "Mô hình 020 - Nền tảng kinh doanh từ offline đến online” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) vừa tổ chức..

Các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng hành động

Nỗ lực nhằm đem đến những giải pháp mới tăng trưởng thương mại cho doanh nghiệp, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành, nhiều mô hình doanh số trực tuyến (online) kết hợp đan xen với cách thức bán hàng truyền thống (offline), chiến lược chuyển đổi số toàn diện cho ngành gỗ đã được giới thiệu tại toạ đàm, nhằm gia tăng giá trị đồ gỗ, bảo đảm mục tiêu 20 tỷ USD của Chính phủ đề ra đến năm 2025.

Các doanh nghiệp, tổ chức lớn như FPT, Silversea Media Group (Singapore), Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã giúp các doanh nghiệp tìm ra điểm khởi động thông minh trên hành trình chuyển đổi số, cập nhật xu hướng phát triển của thương mại điện tử cũng như mô hình phối hợp các nền tảng thương mại “online” với hệ thống “offline” hiện hữu tạo nên động lực phát triển mới cho doanh nghiệp.

Tại sự kiện, các Hiệp hội HAWA, BIFA (Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương), DOWA (Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với FPT nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam để giúp tối ưu vận hành, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong”
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa 3 hiệp hội với FPT.

Theo đó, với năng lực, kinh nghiệm các nền tảng, giải pháp công nghệ chuyển đổi số ưu việt, cùng đội ngũ chuyên gia hàng đầu về chuyển đổi số, FPT sẽ tham gia từ chiến lược chuyển đổi số cho các hiệp hội và các thành viên. Bên cạnh đó, FPT cũng xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ, góp phần số hóa các hoạt động quản trị cũng như tư vấn và giới thiệu các công nghệ và thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhằm tăng khả năng tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường, tối ưu hóa cơ hội bán hàng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng bán hàng đa kênh đang là cuộc cách mạng trong kinh doanh, các doanh nghiệp hoặc là chuyển đổi số, hoặc là chết:

“Nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng mới, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn đang dần thay thế chức năng mà con người bấy lâu nay vẫn làm. Thế giới thực sinh ra thế giới ảo, và thế giới ảo sẽ sinh ra thế giới thực, mỗi công dân trở thành một doanh nghiệp số, thay đổi cách thức giao tiếp, cách thức sống.

Showroom ảo bây giờ còn tiện lợi hơn showroom thật. Dễ dàng trong tương lai, người dùng sẽ sử dụng 3D trang trí lại nhà của họ bằng những vật liệu của các doanh nghiệp gỗ. Chất liệu ấy có thể chưa sản xuất, mà họ thiết kế xong mới đặt hàng cho các doanh nghiệp sản xuất. Dây chuyền sản xuất có thể chuyên môn hoá từng món hàng do người dùng đặt. Tinh thần ấy sẽ xảy ra như vũ bão.

Tuy nhiên, để hiểu thực sự chuyển đổi số là như thế nào? Rất tiếc cả thế giới và Việt Nam đều hoang mang. Tôi thường nói chuyện về tương lai với các tập đoàn lớn nằm trong Top 100 của thế giới, giám đốc chuyển đổi số của họ đã từng hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về cuộc họp HĐQT mà máy móc tham dự?”. 

“Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong” 1
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT.

Câu chuyện đi xa tới mức trí tuệ của chúng ta phải cùng đi với trí tuệ máy móc. Omnichannel - bán hàng đa kênh trên cùng một nền tảng và hướng đến thống nhất, nâng cao trải nghiệm khách hàng, có thể đánh giá được cách bán hàng của từng doanh nghiệp. Công nghệ giúp doanh nghiệp theo sát khách hàng của mình từ ngày đầu đến ngày cuối, biết khách hàng ngày nào được thăng chức để chào chiếc xe hơi mới hơn, ai đó vừa lập gia đình để chào xe đẩy trẻ em, tiếp cận từng người theo cách họ đang sống… Một người đàn ông trước khi bay nhắn bạn gái “Anh đói quá, ước gì có chiếc bánh hamburger”, xuống máy bay lập tức có người chào hamburger…

Những tổ chức bằng robot có thể phản ứng như người, tổ chức không giấy ứng dụng trong ngành gỗ sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian công sức. Ngành gỗ trong lúc tăng trưởng cao nên suy xét việc ứng dụng công nghệ số để nâng cao sự hài lòng của khách hàng, để tạo ra sự vượt trội. Không phải công ty to có thể thắng công ty bé, mà là công ty nhanh thắng công ty phản ứng chậm. Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong. Tôi nghĩ trong vòng 10 - 15 năm nữa trật tự mới sẽ được thiết lập”.

Vậy chuyển đổi số bản chất là gì? Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Hệ thống thông tin FPT lý giải: “Mơ ước Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới đã chậm rồi, vì Ấn Độ đang trở thành công xưởng số của thế giới! Tất cả bây giờ được số hoá và kết nối với nhau, bỏ qua mọi khâu trung gian ở giữa. Bây giờ người ta không mua bóng đèn, mà mua giải pháp ánh sáng. 

Tuy nhiên, hơn 55% thị trường nội thất đang nằm ở doanh nghiệp FDI, 45% của doanh nghiệp Việt Nam phần lớn nằm ở giá trị thấp. Doanh nghiệp trước sự chuyển đổi chuỗi cung ứng, giá trị phải làm gì? Trong nội thất, nếu ứng dụng có thách thức gì?

“Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong” 2
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc phát triển kinh doanh công ty Hệ thống thông tin FPT.

Chuyển đổi số nhằm tối ưu và tự động hoá cả quá trình quản trị và vận hành doanh nghiệp, không bị ngắt quãng, tạo ra điểm nghẽn. Vừa cá nhân hoá, vừa nâng cao chất lượng, liên hệ các nhà cung ứng để tìm nguồn nguyên liệu khác nhau, vừa liên hệ với các nguồn nhân lực chất lượng cao

FPT đã đưa ra phương pháp luận chuyển đổi số, cộng hưởng giữa phương pháp toàn cầu với kinh nghiệm Việt Nam, với 3 trục: Chuyển đổi số, chuyển đổi hạ tầng, chuyển đổi thói quen, văn hoá con người.

Thông thường chúng ta có kế hoạch kinh doanh 3 - 5 năm trước, sau đó kế hoạch số sẽ đi theo phục vụ kế hoạch kinh doanh, còn bây giờ kế hoạch kinh doanh cùng đặt lên bàn song song với kế hoạch chuyển đổi số, phát triển hệ thống lõi cùng một loạt các chương trình hành động rất nhanh

Dựa trên phương pháp luận của một số nhà cố vấn như Kaizen đưa ra, phải có tầm nhìn đủ lớn, khởi động thông minh, đánh trúng vào điểm nghẽn để đạt được kết quả lớn, tạo được niềm tin lớn, từ đó khởi động mô hình nhân rộng để đưa doanh nghiệp về phía trước.

Chúng tôi đúc kết nhiều kinh nghiệm để đưa ra nền tảng, giải pháp sẵn sàng sử dụng trong các khu vực khác nhau, bằng những tiếp cận của các đối tác, startup, vẽ nên bức tranh hoàn thiện chuyển đổi số doanh nghiệp. Cùng một lúc tích hợp để có giải pháp toàn diện. Hai sản phẩm sẵn sàng có thể sử dụng là biến công xưởng thành công xưởng không giấy và sản phẩm My FPT nhằm tạo trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên của mình. Tôi hy vọng các doanh nghiệp sẽ cùng FPT khởi động thông minh hành trình tham gia nền kinh tế số. Cách tốt nhất tiến đến tương lai là tạo ra nó”.

Kinh nghiệm chuyển đổi số thành công từ các doanh nghiệp dẫn đầu

Ông Trần Viết Huân, Phó chủ tịch cộng đồng CIO Việt Nam, CIO công ty Sơn Kim Retail cho rằng hãy bắt đầu đi bước đi đầu tiên, từ đó sẽ có cách đi:

“Mấy ngày qua, trong đại dịch Covid-19, quan sát ngôi trường con tôi đang học, có thể thấy ngay trường học đang chuyển sang ảo chỉ trong 1 ngày! Các thầy cô vẫn đến trường, vẫn chấm điểm, giao tiếp với học sinh, phụ huynh qua video clip! Rất nhiều khách hàng hỏi tôi không biết chuyển đổi số bắt đầu từ đâu? Tôi cho rằng hãy bắt đầu đi bước đi đầu tiên, từ đó sẽ có cách đi.

Hồi xưa xây dựng chiến lược chuyển đổi số từ 3 - 5 năm, tôi bảo đảm năm đầu tiên chưa làm được gì hết, nội mời các đối tác đấu thầu rồi mới triển khai cũng mất cả năm. Hãy đi bước đầu tiên, học được cách sửa, và tiếp tục hành trình chuyển đổi số mà không cần bất cứ nhà tư vấn nào. Nếu anh chị muốn làm chuyển đổi số, trong lúc mình làm việc hãy xem thử có giải pháp nào đưa thông tin lên mạng không?”

Ông Trương Gia Bình phản biện lại ý kiến ông Huân: “Anh Huân nói bắt đầu ngay, rất cần, nhưng thay đổi cần lường trước khó khăn. Theo thống kê, trên thế giới, cứ 10 người đang bắt đầu làm chuyển đổi số thì 7 người thất bại. Thất bại thường gặp phải là ngay khi bắt đầu làm mà không có đủ điều kiện để bắt đầu. Tỷ lệ thất bại đang ở quy mô 70% trên thế giới.

Công thức của tôi là phải tiến hành 3 bước cơ bản: Trước khi chuyển đổi anh chị phải truyền cảm hứng. Sau đó tiến hành đào tạo, truyền mục tiêu chung. Cuối cùng bắt tay vào làm như thế nào.

Chuyển đổi không được sợ thất bại. Về nguyên tắc, các tập đoàn thế giới có hàng trăm hệ thống quản lý khác nhau, nhưng hầu hết doanh nghiệp khi hỏi doanh số hôm nay bao nhiêu không trả lời được, vì họ có doanh số từng bộ phận một thôi, nhưng không có dữ liệu tập kết tức thì. Dữ liệu như dầu mỏ của tương lai, nhưng đang nằm ở đáy biển, không dùng dược.

Cuộc cách mạng này là cách mạng của dữ liệu, nên phải tích hợp dữ liệu lại. Các anh chị có rất nhiều dữ liệu, nhưng thử hỏi bao nhiêu dữ liệu ấy có thể phục vụ cho kinh doanh, phục vụ nâng cấp con người trong hệ thống?

Tự động hoá quy trình bỏ qua rất nhiều bước, chỉ cần sử dụng dữ liệu và tạo ra mô hình kinh doanh mới có tính chất phá huỷ mô hình cũ. Tương lai sẽ như vậy, như Uber, Grab… Cuộc cách mạng này diễn ra rất nhanh. Chúng tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn mà doanh nghiệp có thể ứng dụng được.

Bán lẻ nội thất nhưng doanh nghiệp không rõ ai mua của mình, khó lòng phục vụ họ tốt nhất. Ngân hàng số khác ngân hàng truyền thống, ngân hàng truyền thống dữ liệu khách hàng thường không liên kết với nhau. Còn ngân hàng số mở tài khoản cho 1 người thời gian mở tức thời, bởi mọi dữ liệu khách hàng đã được hiển thị tức thì. Trong tương lai rồi sẽ có người không có nhà máy nào trở thành người bán nội thất lớn nhất thế giới!”

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử nhấn mạnh sự quyết tâm và đưa ra góc nhìn khác: “Tất cả doanh nghiệp nước ngoài bán hàng online mạnh mẽ, nhưng doanh số có tăng không lại là chuyện khác, vì nguồn cung cạn kiệt. Chiếc giày mình làm hoàn chỉnh hết, chỉ có móc khoá Trung Quốc làm thôi nên chưa thể hoàn thiện được chiếc giày. Để tổ chức hội chợ, phải ảo hoá, online, nhưng mọi người không quan tâm, mà muốn gặp gỡ trực tiếp. Bây giờ khi Covid-19 hoành hành mới thấm đòn, hiểu ra rằng phải làm online. Nhìn nhận lại đây là trận dịch đầu tiên, sẽ có trận dịch thứ hai, thứ 3, không còn cách nào khác là phải bắt đầu thương mại điện tử, bán hàng online ngay lúc này.

Phải quyết tâm mới làm được. Tôi từng đi tư vấn nhiều dự án, Vinamik là doanh nghiệp lớn hàng tỷ đô cũng không biết bắt đầu từ đâu, nhưng cứ bắt đầu làm và giờ đã có hệ thống “Giấc mơ sữa Việt”, Bút bi Thiên Long cũng vậy.

Khi tôi đưa người từ Amazon đến nhà máy của anh Nguyễn Quốc Khanh, chủ tịch HAWA, họ rất ngạc nhiên, không nghĩ ở Việt Nam có công cụ máy móc sản xuất hiện đại như vậy… Rõ ràng quá nhiều hàng Trung Quốc bán qua Amazon. Amazon đã sang Việt Nam thành lập đội nhóm để hỗ trợ Việt Nam bán hàng qua Amazon, tuy nhiên không có bài báo nào viết về tấm gương bán hàng qua Amazon hết, ai phải làm chuyện đó? Vai trò hiệp hội là tạo công cụ cho mọi người cùng tham gia. Tôi đã trực tiếp tham gia các chương trình đào tạo ở Hà Nội để bán hàng qua Amazon, IKEA là một mô hình chúng ta phải học.

Chuyển đổi số bán hàng trên online mà không số hoá doanh nghiệp thì không bán hàng được. Sản phẩm phẳng lỳ, thiết kế không đẹp thì lướt qua mắt khách hàng rất nhanh, làm sao cho khách hàng dừng lại chọn mình, đó là cơ hội tỷ đô”.

“Hoặc là chuyển đổi số, hoặc là tiêu vong” 4
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử.

Vậy khi kênh bán hàng online tràn ngập thì offline có bị tiêu đi? Thời gian, tỷ trọng offline thế nào so với online? Trải nghiệm trên sản phẩm thật khác gì so với số hoá?

Ông Dũng chia sẻ, nhiều người cứ nghĩ thương mại điện tử thì cửa hàng sẽ đóng cửa, khi chúng ta không còn thời gian nữa, đi chợ trở thành xa xỉ, thì online là giải pháp hiệu quả, và offline sẽ phát triển song song, kết hợp với nhau. Amazon bán sách online doanh thu lớn, nhưng vẫn đang triển khai ofline. Các địa phương mỗi quận đều có cửa hàng kếch sù của Thế Giới Di Động, đó là mô hình hiện đại. Cửa hàng offline không mất đi nếu được kết hợp với online. Thương mại điện tử hỗ trợ rất nhiều offline và online. Chương trình “Giấc mơ sữa Việt” rất thành công khi đưa các cửa hàng lên online luôn, kết hợp offline, tính được doanh số chung. Nếu cửa hàng gỗ chỉ tính online mà không tính offline sẽ gãy.

Ông Trần Viết Huân cũng đồng quan điểm với ông Dũng: “Khách hàng ở đâu chúng ta ở đó, khi họ ở online thì chúng ta phải đi theo họ trên online, khi họ xuống offline chúng ta cũng phải đi cùng họ, Sơn Kim có cửa hàng thời trang, có online, tạo nên những điểm chạm vô cùng hiệu quả.

Liệu có thể cá thể hoá trong sản xuất đại trà được không? Công nghệ sẽ giúp thay đổi mô hình sản xuất. Mình bán thông qua đại lý, không tiếp cận trực tiếp với khách hàng, có cách nào biết được khách hàng họ là ai, họ cần gì với tư cách cá thể chứ không phải ai đó ngoài kia? Nhờ công nghệ. Đó là sự giao thoa giữa trải nghiệm khách hàng, công nghệ, mô hình kinh doanh để ra được chiến lược chuyển đổi số.

Cách tiếp cận hướng từ khách hàng, hiểu nỗi đau của họ là gì? Thứ hai nhìn lại mô hình kinh doanh, có thể thay đổi hay không? Cả hai dẫn đến nền tảng vững chắc. Liệu chúng ta có nên xây dựng nền móng hạ tầng sau đó mới tiếp cận khách hàng? Phải làm song song, vì thời gian không chờ đợi. Phải có chiến lược chặt sẽ, sáng kiến số linh hoạt, ý tưởng triển khai ngay”.