Tiêu điểm
Hội An lúng túng kích cầu du lịch nội địa
Do những đặc thù riêng về đối tượng khách du lịch chủ yếu hướng đến người nước ngoài, Hội An đang loay hoay trong bài toán kích cầu khách du lịch nội địa hậu Covid-19.
Khó kích cầu khách nội địa
“Các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú tại Hội An đang hoạt động vô cùng khó khăn, kinh doanh bê bết khi hàng loạt tua khách quốc tế bị huỷ”, chị Lương Thuý Hà, Giám đốc Beachside Boutique Resort Salt Pub Restaurant nhận định về tác động của dịch bệnh Covid-19 lên các doanh nghiệp ngành du lịch.
“Thời điểm dịch bệnh bùng phát, chỉ sau một đêm, hôm trước Hội An còn đón hàng nghìn khách du lịch, hôm sau đã về con số không. Tất cả khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng buộc phải đóng cửa vì lệnh cách ly xã hội”, chị Hà chia sẻ tại toạ đàm “Kích cầu du lịch nhìn từ thực tiễn Hội An” do TheLEADER và Hiệp hội du lịch Quảng Nam tổ chức.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn theo chị Hà là sau gần một tháng tạm ngừng đón khách, ngay cả khi tình hình dịch bệnh trong nước đã được kiểm soát, nhiều khách sạn vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài".
Hầu hết chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng này đều chưa muốn mở cửa do lượng khách đến rất thưa thớt.
"Hội An chủ yếu đón khách nước ngoài. Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh trên thế giới và việc cấm các chuyến bay quốc tế như hiện nay, bây giờ mà mở cửa khách sạn chắc chắn sẽ không đón được khách, thu không đủ bù chi, bởi chi phí tiền vận hành cho một khách sạn hoạt động là vô cùng lớn", chị Hà trăn trở.
Thực trạng này đã buộc nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm thời đóng cửa, cho nhân viên nghỉ việc.
Đưa ra giải pháp cho ngành du lịch trong bối cảnh hiện nay, chị Hà cho rằng, không còn cách nào khác ngoài việc hướng đến đối tượng khách du lịch nội địa.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Công ty Du lịch Duy Nhất Đông Dương cũng cho rằng, khách nội địa sẽ là cứu cánh cho du lịch Hội An thời điểm hiện tại và thời gian tới khi chưa thể mở cửa đón du khách nước ngoài.
Song theo ông Thuỷ, làm thế nào để thu hút đối tượng khách du lịch này về Hội An lại là điều không đơn giản. Nếu chỉ giảm giá tour, phòng khách sạn sẽ không mang lại hiệu quả. Cuối cùng, ngành du lịch lại trở thành cuộc chiến giảm giá của các khách sạn với nhau, bởi hầu như địa phương nào phát triển du lịch cũng đưa ra các chính sách này để kích cầu. Ngoài Hội An, khách du lịch có rất nhiều điểm đến để lựa chọn.
Bên cạnh đó, sau dịch bệnh, xu hướng hành vi của người đi du lịch đã khác nhiều so với giai đoạn trước. Kinh tế khó khăn hơn khiến người dân không còn chi tiêu nhiều cho các hoạt động xa xỉ như du lịch.
Mặt khác, việc học sinh phải kéo dài thời gian năm học đến giữa tháng 7 thay vì kết thúc sớm ở đầu tháng 6 như trước đây do dịch Covid-19 có thể sẽ khiến các gia đình đi du lịch muộn hơn vào thời gian này.
"Chúng ta kỳ vọng đây sẽ là thời gian bùng nổ của du lịch nội địa. Còn từ nay đến thời điểm đó chắc chắn các doanh nghiệp sẽ vẫn rất khó khăn”, ông Thuỷ nhìn nhận.
Một nguyên nhân khác khiến Hội An khó kích cầu khách nội địa được ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, Quảng Nam là điểm đến thụ động, không có các công ty lữ hành mạnh như tại Đà Nẵng, Nha Trang để đưa khách du lịch đến với địa phương.
"Từ trước đến nay, Hội An chỉ nhận lại khách tới tham quan từ tour của các công ty lữ hành khác, hoặc tour khách quốc tế. Do đó, nếu bây giờ mới quay ra tự làm các tua khách nội địa đến với mình sẽ rất khó khăn, thậm chí không thể làm được", ông Thanh nhìn nhận.
Hơn nữa, do đặc thù của Hội An là chủ yếu đón khách quốc tế. Khách du lịch nội địa chỉ coi đây là điểm đến cộng thêm của Đà Nẵng, hầu hết lựa chọn lưu trú tại Đà Nẵng và chỉ xuống Hội An chơi chốc lát rồi lại về Đà Nẵng nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
"Hội An không có nhiều điểm đến vui chơi, nhà hàng phục vụ đối tượng khách hàng này. Do đó, nếu chỉ giảm giá phòng, đây sẽ là việc làm cho vui vì thành phố không hấp dẫn khách nội địa, du khách đến Hội An nhưng phải vào Đà Nẵng để ăn chơi, không tiêu dùng ở Hội An thì đến làm gì", ông Thanh đặt câu hỏi.
Giải pháp nào cho du lịch Hội An?
Bàn về giải pháp giúp thu hút và giữ chân du khách đến với Hội An, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Santa Việt Nam cho rằng, các cơ quan quản lý cần đề ra được giải pháp chiến lược về thu hút khách du lịch để các doanh nghiệp không phải dò đường như hiện nay.
Theo đó, muốn hướng tới khách nội địa, Hội An phải có kế hoạch tạo ra nhiều sự kiện, điểm nhấn để thu hút họ. Bên cạnh đó, cần có những gói kích cầu đến từng đối tượng cụ thể.
Hội An muốn hướng tới đối tượng khách nào thì nên tập trung truyền thông, quảng bá đến đối tượng khách hàng đó.
Ví dụ như Santa Villa Hội An đang chủ động đưa ra các gói tri ân hướng đến đối tượng trung niên, người cao tuổi có nhu cầu đến Hội An để nghỉ ngơi, an dưỡng.
Cũng theo ông Việt, lượng người nước ngoài hiện còn ở lại Việt Nam rất lớn, Hội An cần có kế hoạch để thu hút đối tượng này, không nên bỏ qua bất kỳ nhóm khách hàng nào.
Luôn trăn trở về giải pháp kích cầu khách du lịch nội địa cho Hội An, song chị Lương Thuý Hà thừa nhận rằng, đây là bài toán khó chị chưa bao giờ từng nghĩ tới trước đó và chưa từng có kinh nghiệm trải qua.
Thừa nhận việc giảm giá là tất yếu để thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Song theo chị, nếu chỉ giảm giá là không đủ.
"Ở Hội An trước khi dịch bệnh có rất quán ăn, quán hàng rong ven đường phục vụ du khách. Nhưng hiện tại các quán ăn này cũng đều đóng cửa vì không có khách hàng. Trong khi đó, nếu khách du lịch đến Hội An vì giá rẻ nhưng thiếu các dịch vụ, hàng quán tiêu điều thì cũng không giữ chân được họ", chị Hà nhìn nhận.
Trong chiến lược kích cầu khách du lịch, các doanh nghiệp lớn có nhiều lợi thế hơn do có thể đưa ra nhiều dịch vụ, nhiều khuyến mại hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ lại hết sức khó khăn do hạn chế về dịch vụ cho khách du lịch.
Vì vậy, chị Hà đề xuất các doanh nghiệp không thể "mạnh ai nấy làm" mà cần "nắm lấy tay nhau" liên kết với nhau tạo thành những chuỗi dịch vụ khép kín, đáp ứng tất cả các nhu cầu của du khách từ nghỉ ngơi, lưu trú đến các dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Có như vậy mới có thể hấp dẫn khách du lịch.
Ở góc nhìn khác, ông Thanh đề xuất nên có các gói kích cầu áp dụng cho khách du lịch của từng địa phương. Ví dụ, tháng này, Hội An có thể thực hiện các chính sách hấp dẫn khách du lịch và bán toàn bộ phòng cho khách tại Quảng Ngãi. Sang tháng sau lại thực hiện tương tự với Huế, Bình Định, Lâm Đồng...
Như vậy, vừa chuyên biệt về đối tượng khách hàng vừa có thể xây dựng kế hoạch phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của du khách của từng địa phương. Chính sách kích cầu phải hướng vào những thị trường cụ thể mới có thể đạt được hiệu quả.
Bên cạnh đó, dù đặc thù riêng của Hội An là khách quốc tế, song theo ông Thanh, Hội An cần sẵn sàng bán các gói du lịch vốn để phục vụ khách nước ngoài cho khách nội địa. Cùng với đó, các doanh nghiệp nên định hướng thêm những dòng sản phẩm phục vụ khách trong nước.
Chia sẻ kinh nghiệm kích cầu du lịch nội địa của doanh nghiệp mình, bà Lê Thị Phương, Giám đốc nhân sự khu nghỉ dưỡng Almanity cho rằng, để thu hút khách du lịch nội địa, chiến lược tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp cũng cần có sự thay đổi so với trước đây.
Thay vì thông qua các công ty lữ hành, bà Phương đã tiếp cận trực tiếp tới đối tượng khách hàng thông qua các công cụ marketing online, social media, mạng xã hội. Đồng thời, khu du lịch của bà cũng liên hệ với những người nổi tiếng đến sử dụng dịch vụ và quảng bá sản phẩm để thu hút du khách.
Với đối tượng khách hàng hướng đến là phân khúc gia đình, nhu cầu đi du lịch cuối tuần cho những gia đình, kế hoạch kinh doanh của khu nghỉ dưỡng đang cho thấy những hiệu quả nhất định khi bà Phương tiết lộ, mỗi cuối tuần, khu du lịch đón khoảng 200 khách người Việt đến nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vào những ngày trong tuần, khách du lịch vẫn còn khá vắng vẻ.
Bà Phương mong các cơ quan ban ngành ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp, bớt gánh nặng thuế, tiền điện cho doanh nghiệp để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Còn theo ông Trần Quý Tấn, Trưởng phòng Quản lý văn hoá, Sở Văn hoá thể thao và du lịch Quảng Nam, kế hoạch của tỉnh trong năm 2020 sẽ hướng tới đối tượng khách du lịch nội địa. Sang năm 2021, tuỳ theo tình hình dịch bệnh, tỉnh mới mở rộng xúc tiến khách du lịch quốc tế.
Theo ông Tấn, việc kích cầu khách nội địa đến du lịch Hội An khó khăn hơn nhiều so với các tỉnh khác vì địa phương vốn đón đến hơn 60% khách quốc tế, trong khi tại các tỉnh khác con số này chỉ hơn 30%.
Vì vậy, việc thu hút khách du lịch trong nước đến Hội An cần sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân. Các doanh nghiệp cần năng động hơn nữa trong việc thực hiện kế hoạch này để có hiệu quả.
Lúng túng tái khởi động du lịch
Hội An lọt tốp 5 thành phố thân thiện nhất thế giới
Hội An là một trong số ít thành phố của châu Á xuất hiện trong bảng xếp hạng thành phố thân thiện nhất thế giới.
Hội An nhộn nhịp khách Âu giữa mùa dịch Covid-19
Trong khi khách Trung Quốc và Hàn Quốc dần vắng bóng thì du khách châu Âu tranh thủ tận hưởng không khí thanh bình của phố cổ Hội An.
Người Hàn chọn Đà Nẵng, Hội An là thành phố đáng sống, đáng đến năm 2019
Thủ tướng chia sẻ, nếu năm 2018, người Hàn Quốc chọn Osaka là thành phố đáng sống, đáng đến thì năm nay, họ đã chọn Việt Nam, trước hết là Đà Nẵng, Hội An. Do đó, nếu chúng ta làm tốt sẽ có làn sóng du lịch mới đến Việt Nam từ các nước Đông Bắc Á.
X2 Hội An Resort & Residence ra mắt giai đoạn hai tại Hà Nội
Dự án tổ hợp khách sạn và biệt thự ven sông X2 Hội An sẽ chính thức ra mắt giai đoạn hai tại Khách sạn JW Marriot Hà Nội ngày 27/9 tới.
Lotte Finance thâm nhập thị trường cho thuê xe dài hạn
Lotte Finance đánh giá cho thuê xe dài hạn giàu tiềm năng sẽ sớm được thúc đẩy bởi sản phẩm tài chính linh hoạt và nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng.
Zalopay tiến vào mảng trả góp
Zalopay xác định phát triển theo hướng trở thành một nền tảng thanh toán toàn diện đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới hướng tới trải nghiệm người dùng.
EximRS phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard
EximRS trở thành đơn vị phân phối độc quyền dự án căn hộ Conic Boulevard do Công ty CP Xây dựng đầu tư và phát triển Lĩnh Phong Conic phát triển.
MSB hoàn thành 72% kế hoạch năm
MSB công bố báo cáo tài chính quý III với tín dụng tăng 15,11% nhờ đa dạng hóa giải pháp, đặc biệt trên nền tảng số, và vốn điều lệ nâng lên 26.000 tỷ đồng.
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa
Trong khi hầu hết ngân hàng lớn vẫn duy trì được lợi nhuận tăng trưởng mạnh, các ngân hàng vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn hơn.
Bước chuyển mình của MoMo với trí tuệ nhân tạo
MoMo từ một ví điện tử giờ đây định hướng sẽ trở thành "trợ thủ tài chính với AI" của người Việt thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo.
LG Innotek có thể vay 300 triệu USD từ IFC
Khoản vay nằm trong chương trình hướng tới các mục tiêu về phát triển bền vững, đã và đang trở thành lĩnh vực trọng tâm trong các cam kết của IFC tại Việt Nam.